Đường dẫn truy cập

Thế nào là giải pháp hai nhà nước cho cuộc xung đột giữa Israel với người Palestine?


Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã lên tiếng phản đối chủ quyền của Palestine, nói rằng ông sẽ không thỏa hiệp trong việc kiểm soát an ninh toàn diện của Israel ở phía tây Jordan.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã lên tiếng phản đối chủ quyền của Palestine, nói rằng ông sẽ không thỏa hiệp trong việc kiểm soát an ninh toàn diện của Israel ở phía tây Jordan.

Cuộc chiến ở Gaza khiến người ta một lần nữa chú ý tới giải pháp hai nhà nước cho cuộc xung đột Israel-Palestine, vốn vẫn được nhiều nước coi là con đường dẫn đến hòa bình mặc dù quá trình đàm phán đã bế tắc trong nhiều năm.

Hơn ba tháng trong cuộc chiến tranh Israel-Palestine đẫm máu nhất, Washington cho biết không có cách nào giải quyết các vấn đề an ninh của Israel và thách thức tái thiết Gaza mà không có nhà nước Palestine.

Tuy nhiên, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã lên tiếng phản đối chủ quyền của Palestine, nói rằng ông sẽ không thỏa hiệp trong việc kiểm soát an ninh toàn diện của Israel ở phía tây Jordan và điều này trái ngược với một nhà nước Palestine.

Những trở ngại từ lâu đã cản trở giải pháp hai nhà nước, vốn bao gồm các quốc gia Israel và Palestine cạnh nhau.

Những trở ngại này bao gồm việc định cư của người Do Thái trên vùng đất chiếm đóng mà người Palestine đang muốn đặt nhà nước ở đó, lập trường không khoan nhượng về các vấn đề cốt lõi bao gồm Jerusalem, bạo lực và sự ngờ vực sâu sắc.

Nguồn gốc của giải pháp hai nhà nước là gì?

Việc này hình thành khi xung đột bùng phát ở lãnh thổ Palestine do Anh cai trị, giữa những người Do Thái đã di cư đến khu vực này với người Ả Rập. Người Do Thái tìm kiếm một quốc gia quê hương khi họ chạy trốn sự đàn áp ở châu Âu và viện dẫn những mối ràng buộc trong Kinh thánh với vùng đất này.

Năm 1947, Liên hiệp quốc đã đồng ý kế hoạch phân chia Palestine thành các quốc gia Ả Rập và Do Thái với quyền cai trị quốc tế đối với Jerusalem. Các nhà lãnh đạo Do Thái chấp nhận kế hoạch trao cho họ 56% đất đai nhưng Liên đoàn Ả Rập không chịu.

Nhà nước Israel được tuyên bố vào ngày 14 tháng 5 năm 1948. Một ngày sau, năm quốc gia Ả Rập tấn công. Chiến tranh kết thúc với việc Israel kiểm soát 77% lãnh thổ.

Khoảng 700.000 người Palestine đã chạy trốn hoặc bị đuổi khỏi nhà của họ. Họ rốt cuộc chạy đến Jordan, Li Băng và Syria cũng như tới Gaza, Bờ Tây và Đông Jerusalem.

Trong cuộc chiến năm 1967, Israel đã chiếm được Bờ Tây, bao gồm Đông Jerusalem, từ tay Jordan và chiếm được Gaza từ tay Ai Cập, nắm quyền kiểm soát toàn bộ lãnh thổ từ Địa Trung Hải đến thung lũng Jordan.

Người Palestine vẫn không có tổ quốc, hầu hết sống dưới sự chiếm đóng của Israel hoặc tị nạn ở các nước láng giềng. Một số - hầu hết là hậu duệ của người Palestine vẫn ở lại Israel sau khi thành lập nước này - có quốc tịch Israel.

Thỏa thuận vẫn xa vời

Giải pháp hai nhà nước là nền tảng của tiến trình hòa bình do Mỹ hậu thuẫn được khởi xướng bởi các Hiệp định Oslo năm 1993, được ký bởi ông Yasser Arafat thuộc Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) và Thủ tướng Israel Yitzhak Rabin.

Các hiệp định này đã khiến PLO công nhận quyền tồn tại của Israel và từ bỏ bạo lực cũng như thành lập Chính quyền Palestine (PA), có quyền tự trị hạn chế ở Bờ Tây và Dải Gaza.

Người Palestine hy vọng đây sẽ là bước tiến tới một nhà nước độc lập, với Đông Jerusalem là thủ đô.

Quá trình này đã gặp phải sự khước từ và bạo lực từ cả hai phía.

Hamas, phe phản đối quá trình này, đã thực hiện các cuộc tấn công tự sát khiến nhiều người thiệt mạng.

Ông Rabin bị ám sát năm 1995 bởi một người Israel theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan phản đối chính sách hòa bình của ông.

Năm 2000, Tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton đưa ông Arafat và Thủ tướng Israel Ehud Barak đến Trại David để đạt được một thỏa thuận, nhưng nỗ lực này đã thất bại.

Số phận của Jerusalem, vốn được Israel coi là thủ đô “vĩnh cửu và không thể chia cắt”, là trở ngại chính. Các cuộc đàm phán cũng đề cập đến vấn đề biên giới của một nhà nước Palestine, cùng với số phận của những người tị nạn Palestine và người Do Thái đã định cư tại các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng vào năm 1967.

Xung đột leo thang khi ‘cuộc khởi nghĩa lần hai’ bắt đầu. Chính quyền Hoa Kỳ đã tìm cách khôi phục việc xây dựng hòa bình nhưng không có kết quả.

Palestine có thể trông như thế nào?

Những người ủng hộ giải pháp hai nhà nước đã hình dung ra một Palestine ở Dải Gaza và Bờ Tây được nối với nhau bằng một hành lang xuyên qua Israel.

Hai thập niên trước, chi tiết về cách thức hoạt động của nó đã được các nhà đàm phán trước đây của Israel và Palestine vạch ra trong một kế hoạch chi tiết.

Được biết đến với tên Hiệp định Geneva, các nguyên tắc của nó bao gồm công nhận các khu dân cư Do Thái ở Jerusalem là thủ đô của Israel và công nhận các khu dân cư Ả Rập ở Jerusalem là thủ đô của Palestine và một nhà nước Palestine phi quân sự.

Israel sẽ sáp nhập các khu định cư lớn và nhượng lại những vùng đất khác trong một cuộc trao đổi, đồng thời tái định cư những người Do Thái trên lãnh thổ chủ quyền của Palestine bên ngoài đó.

Một lực lượng đa quốc gia làm việc cùng với lực lượng an ninh Palestine sẽ giám sát các cửa khẩu biên giới của Palestine với Jordan và Ai Cập, cũng như các cảng hàng không và biển.

Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah al-Sisi đều đã đề cập đến ý tưởng về một nhà nước Palestine phi quân sự - một ý tưởng mà ông Abbas chưa bao giờ công khai bác bỏ hay chấp nhận nhưng Hamas thì bác bỏ.

Các trở ngại lớn như thế nào?

Xung đột bùng phát, và tương lai đó khó lòng mà mơ ước, càng ngày càng phát sinh nhiều trở ngại.

Trong khi Israel rút người định cư và binh lính khỏi Gaza vào năm 2005, các khu định cư của người Do Thái đã mở rộng ở phần còn lại của khu vực nơi người Palestine muốn trở thành một nhà nước. ​ Người Palestine cho rằng điều này phá hoại triển vọng về một nhà nước có thể tồn tại được.

Tổ chức Peace Now của Israel hồi tháng 9/2023 cho biết con số này đã tăng từ 250.000 ở Bờ Tây và Đông Jerusalem năm 1993 lên 695.000 ba thập niên sau đó.

Trong thời gian diễn ra ‘cuộc khởi nghĩa lần hai’, Israel cũng đã xây dựng cái mà họ mô tả là rào cản để ngăn chặn các cuộc tấn công của người Palestine. Người Palestine gọi đó là chiếm đất.

PA do Tổng thống Mahmoud Abbas lãnh đạo quản lý các vùng đất Bờ Tây được bao bọc bởi một khu vực do Israel kiểm soát, bao gồm 60% lãnh thổ, bao gồm biên giới Jordan và các khu định cư - các dàn xếp được quy định trong Hiệp định Oslo.

Chính trị đã làm tăng thêm sự phức tạp.

Chính phủ của ông Netanyahu là chính phủ cánh hữu nhất trong lịch sử Israel và bao gồm những người theo chủ nghĩa dân tộc tôn giáo thu hút sự ủng hộ từ những người định cư. Bộ trưởng Tài chính Bezalel Smotrich năm ngoái nói rằng không có cái gọi là người Palestine.

Hamas đã giành được sức mạnh chính trị và quân sự, chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 2006 và một năm sau đó đã đẩy các lực lượng trung thành với ông Abbas ra khỏi Gaza, gây chia rẽ về mặt chính trị đối với người Palestine.

Hiến chương thành lập năm 1988 của Hamas kêu gọi tiêu diệt Israel và từ chối công nhận Israel. Các nhà lãnh đạo Hamas đôi khi đề nghị một thỏa thuận ngừng bắn dài hạn để đổi lấy một nhà nước Palestine tồn tại trên toàn bộ lãnh thổ bị Israel chiếm đóng vào năm 1967.

Israel coi đây là một mưu mẹo.

Năm 2017, một tài liệu do Hamas ban hành cho biết họ đã đồng ý thành lập một nhà nước Palestine chuyển tiếp trong phạm vi biên giới trước cuộc chiến năm 1967, mặc dù tổ chức này vẫn phản đối việc công nhận quyền tồn tại của Israel hoặc nhượng lại bất kỳ quyền nào của người Palestine.

Có giải pháp phía trước hay không?

Số phận của Gaza là câu hỏi tức thì.

Israel đặt mục tiêu tiêu diệt Hamas và nói rằng họ sẽ không đồng ý với bất kỳ thỏa thuận nào khiến nhóm này nắm quyền. Ông Netanyahu khẳng định Gaza phải được phi quân sự hóa và nằm dưới sự kiểm soát an ninh hoàn toàn của Israel.

Ông nói rằng ông không muốn Israel cai trị Gaza hoặc tái lập các khu định cư ở đó.

Hamas nói họ sẽ tồn tại và cho biết bất kỳ thỏa thuận nào đối với Gaza mà loại trừ họ đều là ảo tưởng. Hamas cho biết họ sẵn sàng đàm phán với phe Fatah của ông Abbas để thành lập một chính phủ đoàn kết. Những cuộc đàm phán như vậy trước đây đã thất bại.

Washington, vốn coi Hamas là một nhóm khủng bố, cho biết họ muốn thấy việc quản lý Gaza và Bờ Tây được kết nối lại dưới một PA được hồi sinh.

Tổng thống Biden hôm 19/1 cho biết ông đã nói chuyện với Thủ tướng Netanyahu về các giải pháp khả thi nhằm thành lập một nhà nước Palestine độc lập.

Ông Netanyahu nói ông sẽ tiếp tục yêu cầu Israel kiểm soát an ninh toàn diện ở phía tây sông Jordan - một quan điểm mà ông cho rằng đã giúp ngăn cản việc thành lập một nhà nước Palestine vốn có thể là “mối nguy hiểm hiện hữu đối với Israel”.

Trong cuốn tự truyện năm 2022, ông Netanyahu đã đưa ra những ý tưởng khác trái ngược với nguyện vọng của người Palestine, bao gồm cả một sân bay dành cho người Palestine “có thể được đặt ở Jordan hoặc nơi khác”.

Ông kêu gọi thay đổi cách tiếp cận từ “sự liên tục về lãnh thổ” ở các khu vực của người Palestine sang “sự liên tục về giao thông” với “bến tàu, tuyến đường sắt, cầu vượt và đường hầm” tạo điều kiện cho người Palestine tự do đi lại.

Phát ngôn viên của ông Abbas cho rằng những tuyên bố gần đây của ông Netanyahu cho thấy Israel “không quan tâm đến hòa bình và ổn định”. Quan chức Hamas, Osama Hamdan, hôm 22/1 cho biết người Palestine sẽ không chấp nhận bất cứ điều khác ngoài một quốc gia có chủ quyền với thủ đô là Jerusalem.

Có một giải pháp thay thế không?

Khi giải pháp hai nhà nước gặp khó khăn, người ta lại bàn tán về giải pháp một nhà nước. Một số người Palestine, tin rằng Israel sẽ không bao giờ nhượng lại chủ quyền cho họ, đã ủng hộ việc chuyển sang đấu tranh giành quyền trong một quốc gia duy nhất bao gồm Israel và vùng đất mà nước này chiếm đóng năm 1967.

Các nhà phê bình cho rằng điều đó là phi thực tế, lưu ý rằng các phe phái chính của Palestine không ủng hộ việc này và Israel sẽ không bao giờ chấp nhận một ý tưởng có thể gây nguy hiểm cho sự tồn tại của mình với tư cách là một nhà nước Do Thái.

Tổng thư ký Liên hiệp quốc Antonio Guterres, trong bài phát biểu ngày 23/1, cho biết giải pháp hai nhà nước vẫn là cách duy nhất để giải quyết nguyện vọng của người Israel và người Palestine. Ông chỉ trích “sự bác bỏ rõ ràng và liên tục đối với giải pháp hai nhà nước ở cấp cao nhất của chính phủ Israel.”

“Việc từ chối này và việc từ chối quyền trở thành nhà nước đối với người dân Palestine sẽ kéo dài vô thời hạn một cuộc xung đột đã trở thành mối đe dọa lớn đối với hòa bình và an ninh toàn cầu.”

Diễn đàn

Liên quan

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG