Đường dẫn truy cập

Cơ quan gián điệp Hàn Quốc: Hamas dùng vũ khí Triều Tiên đánh Israel


Rốc-két F-7 của Triều Tiên được trưng bày tại Tzrifin, Israel, ngày 28/12/2023.
Rốc-két F-7 của Triều Tiên được trưng bày tại Tzrifin, Israel, ngày 28/12/2023.

Cơ quan tình báo Hàn Quốc hôm 8/1 xác nhận rằng nhóm chiến binh Hamas người Palestine đã sử dụng vũ khí do Triều Tiên sản xuất trong cuộc xung đột với Israel, giữa những báo cáo về các bức ảnh mới cho thấy vũ khí có khắc ký tự Triều Tiên được thu hồi trong cuộc xung đột.

Cơ quan Tình báo Quốc gia (NIS) đưa ra xác nhận này đáp bản tin của VOA công bố hôm 5/1 cho thấy những bức ảnh mới về súng phóng rốc-két F-7 của Triều Tiên có khắc chữ Triều Tiên được Hamas sử dụng, thông tấn xã Yonhap của Hàn Quốc loan tin hôm 8/1.

NIS nói “đánh giá của họ giống như bản tin của VOA” và rằng họ đang “thu thập và tích lũy” thông tin về số lượng và thời điểm vũ khí của Triều Tiên được chuyển giao cho Hamas.

NIS nói: “Nhưng hiện tại rất khó để cung cấp bằng chứng như vậy do cần phải bảo vệ các nguồn thông tin và xem xét các mối quan hệ ngoại giao.”

Những hình ảnh vừa kể được Ban tiếng Hàn của VOA thu thập được thông qua một nguồn ngoại giao hôm 4/1.

Nhiều nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc cấm Triều Tiên xuất khẩu vũ khí.

Lực lượng Phòng vệ Israel IDF cho biết họ đã thu hồi vũ khí của Triều Tiên ở Gaza và trên đất Israel kể từ cuộc tấn công bất ngờ mà Hamas phát động vào Israel vào ngày 7/10 năm ngoái.

Trung tá Idan Sharon-Kettler, phó chỉ huy đơn vị thu thập thiết bị của kẻ thù, nói với đài VOA hôm 28/12 tại Tzrifin, Israel, rằng hàng chục nghìn vũ khí của Triều Tiên đã được thu hồi.

Ông cho biết số vũ khí thu hồi được cho thấy Hamas đã lấy động cơ rốc-két của Triều Tiên từ những chiếc F-7 và lắp ráp chúng để chế tạo súng chống tăng RPG, giúp loại vũ khí này có khả năng “xuyên vỏ thép dày” và gây sát thương lớn hơn.

NIS nói trong cuộc họp ủy ban tình báo quốc hội vào tháng 11/2023 rằng họ đã nhận được thông tin về việc nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un ra lệnh cho các quan chức của mình vạch ra kế hoạch hỗ trợ Palestine, Yonhap cho biết trong cùng một bản tin về việc NIS xác nhận Hamas sử dụng vũ khí của Triều Tiên được công bố hôm 8/1.

Triều Tiên phủ nhận vũ khí của nước này đã được Hamas sử dụng.

Đại sứ Triều Tiên tại Liên hiệp quốc Kim Song cho biết tại cuộc họp của Liên hiệp quốc vào tháng 10/2023 về cuộc khủng hoảng Israel-Hamas rằng “một số nước phương Tây đang sử dụng chiến dịch bôi nhọ Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên để liên kết cuộc khủng hoảng Trung Đông với chúng tôi.”

Ông nói tiếp: “Một số truyền thông đại chúng thuộc chính quyền Hoa Kỳ đang lan truyền những tin đồn vô căn cứ và sai sự thật rằng vũ khí của Triều Tiên dường như được sử dụng để tấn công Israel”.

Triều Tiên nói thông qua truyền thông nhà nước là Thông tấn xã Trung ương Triều Tiên (KCNA) vào tháng 12 năm ngoái rằng Mỹ “chịu trách nhiệm” hỗ trợ Israel và “đã biến Dải Gaza thành một địa ngục thực sự”.

Việc NIS xác nhận vũ khí Triều Tiên được Hamas sử dụng được đưa ra trong khi Tòa Bạch Ốc cho biết Nga đã phóng phi đạn đạn đạo của Triều Tiên vào Ukraine.

Triều Tiên đã cung cấp cho Nga các phi đạn đạn đạo mà Moscow đã sử dụng để tấn công Ukraine vào ngày 30/12/2023 và ngày 2/1/2024, ông John Kirby, điều phối viên về truyền thông chiến lược tại Hội đồng An ninh Quốc gia, cho biết hôm 4/1.

Ông Kirby nói: “Đây là sự leo thang đáng kể và đáng lo ngại trong việc hỗ trợ của Triều Tiên dành cho Nga”. Ông nói tiếp: “Chúng tôi dự đoán rằng Nga sẽ sử dụng thêm phi đạn của Triều Tiên để nhắm mục tiêu vào cơ sở hạ tầng dân sự của Ukraine và giết hại thường dân Ukraine vô tội”.

Vào tháng 10 năm ngoái, Tòa Bạch Ốc đã công bố những bức ảnh vệ tinh cho thấy hơn 1.000 công-tơ-nơ chứa đầy vũ khí mà họ cho rằng Triều Tiên đã vận chuyển tới Nga.

Hội đồng Bảo an Liên Hiệp quốc dự kiến tổ chức một cuộc họp vào ngày 10/1 để thảo luận về phi đạn của Triều Tiên trong cuộc tấn công vào Ukraine.

Diễn đàn

Liên quan

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG