Đường dẫn truy cập

Kim Jong Un kêu gọi tăng sản xuất vũ khí hạt nhân để đối phó với ‘Chiến tranh Lạnh mới’


Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un họp Bộ Chính trị Đảng Lao dộng Triều Tiên ngày 20/9/2023.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un họp Bộ Chính trị Đảng Lao dộng Triều Tiên ngày 20/9/2023.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un kêu gọi đất nước tăng cường gấp bội sản xuất vũ khí hạt nhân và phấn đấu để đóng vai trò lớn hơn trong liên minh các quốc gia đối đầu với Hoa Kỳ trong cuộc “Chiến tranh Lạnh mới”, truyền thông nhà nước loan tin ngày 28/9.

Thông tấn xã Trung ương Triều Tiên cho biết ông Kim đã đưa ra lời kêu gọi này trong phiên họp kéo dài hai ngày của quốc hội. Quốc hội Triều Tiên cũng vừa tu chính hiến pháp để bao gồm chính sách mở rộng chương trình vũ khí hạt nhân của ông Kim.

Phiên họp của Hội đồng Nhân dân Tối cao vào ngày 26/9 và 27/9 diễn ra sau khi ông Kim tới Viễn Đông của Nga trong tháng này để gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin và thăm các địa điểm quân sự và công nghệ.

Chuyến đi làm dấy lên mối lo ngại của phương Tây về một liên minh vũ khí tiềm năng, trong đó Triều Tiên sẽ cung cấp cho ông Putin những loại đạn dược cần thiết để thúc đẩy cuộc chiến với Ukraine để đổi lấy viện trợ kinh tế và các công nghệ tiên tiến của Nga nhằm tăng cường hệ thống phi đạn và hạt nhân của Triều Tiên.

Khi Triều Tiên dần dần chấm dứt lệnh phong tỏa vì đại dịch, ông Kim đã tích cực tăng cường quan hệ đối tác với Moscow và Bắc Kinh trong lúc cố gắng thoát ra khỏi sự cô lập ngoại giao và tham gia một mặt trận thống nhất chống lại Washington. Ông mô tả thế giới đang bước vào cuộc “Chiến tranh Lạnh mới” và Triều Tiên nên tăng cường năng lực hạt nhân để đáp trả.

Các bản tin của KCNA về bình luận của ông Kim được đưa ra một ngày sau khi Triều Tiên xác nhận việc thả binh nhì Hoa Kỳ Travis King, hai tháng sau khi ông ta chạy qua biên giới đi vào lãnh thổ Triều Tiên.

Việc trục xuất tương đối nhanh chóng ông King đã đi ngược lại những đồn đoán rằng Triều Tiên có thể kéo dài thời gian giam giữ ông để ép Mỹ nhượng bộ, và có thể phản ánh sự không quan tâm của Triều Tiên trong ngoại giao với Washington.

KCNA cho biết các thành viên quốc hội đã nhất trí thông qua một điều khoản mới trong hiến pháp nhằm “đảm bảo quyền tồn tại và phát triển của đất nước, ngăn chặn chiến tranh và bảo vệ hòa bình khu vực và toàn cầu bằng cách nhanh chóng phát triển vũ khí hạt nhân lên cấp độ cao hơn”.

Ông Kim nói trong bài phát biểu tại hội nghị: “Chính sách xây dựng lực lượng hạt nhân của Triều Tiên đã được coi là vĩnh viễn như luật cơ bản của nhà nước, không ai được phép coi thường với bất cứ điều gì”. Ông nhấn mạnh sự cần thiết phải “thúc đẩy công việc tăng cường sản xuất vũ khí hạt nhân theo cấp số nhân và đa dạng hóa các phương tiện tấn công hạt nhân”, KCNA loan tin.

Ông Kim chỉ ra điều mà ông mô tả là mối đe dọa ngày càng tăng do một nước Mỹ thù địch gây ra và việc nước này mở rộng hợp tác quân sự với Hàn Quốc và Nhật Bản, cáo buộc họ tạo ra “phiên bản châu Á của NATO, nguyên nhân sâu xa của chiến tranh và xâm lược”.

Ông nói: “Đây là mối đe dọa thực tế tồi tệ nhất, không phải luận điệu đe dọa hay một thực thể tưởng tượng”.

Ông Kim kêu gọi các nhà ngoại giao của mình “tăng cường hơn nữa tình đoàn kết với các quốc gia chống lại chiến lược bá quyền của Mỹ và phương Tây”.

Bộ Thống nhất Hàn Quốc, nơi xử lý các mối quan hệ với Triều Tiên, nói việc sửa đổi hiến pháp của Triều Tiên xác nhận ông Kim không sẵn lòng từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân và cam kết kiên định của ông trong việc phát triển kho vũ khí đó. Bộ này cho biết trong một tuyên bố rằng Hàn Quốc sẽ tiếp tục mở rộng hợp tác quân sự với Mỹ và Nhật Bản, đồng thời hợp tác chặt chẽ hơn với các đối tác quốc tế khác để tăng áp lực lên Triều Tiên từ bỏ tham vọng hạt nhân.

Căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên đang ở mức cao nhất trong nhiều năm trong lúc Triều Tiên bắn thử hơn 100 phi đạn kể từ đầu năm 2022 và Mỹ mở rộng các cuộc tập trận với các đồng minh châu Á để đáp trả.

Năm ngoái, quốc hội Triều Tiên đã thông qua học thuyết hạt nhân mới đưa vô thành luật, cho phép tấn công hạt nhân phủ đầu nếu giới lãnh đạo Triều Tiên được xem là đang bị đe dọa.

Diễn đàn

Liên quan

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG