Đường dẫn truy cập

Chiến tranh Ukraine, căng thẳng Mỹ-Trung là trọng tâm Hội nghị An ninh Munich


Ông Christoph Heusgen, đại sứ Đức tại Liên hiệp quốc, chủ tọa Hội nghị An ninh Munich.
Ông Christoph Heusgen, đại sứ Đức tại Liên hiệp quốc, chủ tọa Hội nghị An ninh Munich.

Các nhà lãnh đạo thế giới trong tuần này sẽ tham dự Hội nghị An ninh Munich trước ngày đánh dấu một năm ngày Nga xâm lược Ukraine, giữa lúc căng thẳng Mỹ-Trung gia tăng về các cáo buộc gián điệp.

Phó Tổng thống Hoa Kỳ Kamala Harris, nhà ngoại giao cấp cao của Trung Quốc Vương Nghị, Thủ tướng Đức Olaf Scholz, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và người đứng đầu NATO Jens Stoltenberg nằm trong số những người tham dự cuộc họp thường niên kéo dài ba ngày.

Sự kiện này, bắt đầu từ 17/2, diễn ra chỉ vài hôm trước ngày tròn một năm Moscow đưa quân vào Ukraine mang chiến tranh trở lại châu Âu sau nhiều chục năm.

Với việc Ukraine đang chuẩn bị đối phó với một cuộc tấn công mới từ Moscow, các nhà lãnh đạo có khả năng sẽ tái cam kết hỗ trợ Kyiv trong thời gian cần thiết để đánh trả sự xâm lược của Nga.

Ông Christoph Heusgen, chủ tọa hội nghị, cho biết một năm sau khi Tổng thống Vladimir Putin quyết tâm “phá vỡ nền văn minh”, hội nghị phải đối mặt với câu hỏi làm thế nào “trật tự quốc tế dựa trên luật lệ” có thể được tôn trọng.

“Trong [tương lai], có chăng một trật tự mà sức mạnh của pháp luật sẽ thống trị? Hay sẽ có một trật tự trong đó luật của kẻ mạnh nhất sẽ thắng thế?” ông nêu câu hỏi tại một cuộc họp báo.

Ông cho biết câu hỏi “làm thế nào để đối phó với những ai, những nhà lãnh đạo chính trị không tôn trọng pháp quyền” sẽ nằm trong chương trình nghị sự.

Căng thẳng Mỹ-Trung có thể sẽ nổi bật tại cuộc họp ở thành phố Đức thuộc bang Bavaria, với mối quan hệ đã đi xuống kể từ khi Washington bắn hạ một khinh khí cầu gián điệp Trung Quốc vào đầu tháng Hai.

Bắc Kinh đã khẳng định khinh khí cầu đó mang mục đích dân sự và hôm 13/2 đã đáp trả, cáo buộc Hoa Kỳ thả khinh khí cầu trên lãnh thổ của Trung Quốc – một cáo buộc bị Washington nhanh chóng bác bỏ.

Ông Heusgen không nghĩ rằng ông Vương sẽ dùng bài phát biểu tại sự kiện tới đây để nói “xin lỗi, đó là khinh khí cầu gián điệp của chúng tôi đã bay qua.”

Nhưng ông nói thêm “Tôi hy vọng rằng sẽ có các cuộc đàm phán... bên lề. Tôi đã chỉ ra rằng chúng ta có một phái đoàn cấp cao của Mỹ” tham dự.

Mối quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã xấu đi trong những năm gần đây về các vấn đề từ nhân quyền ở Hong Kong đến chính sách kinh tế và cách Trung Quốc đối xử với người thiểu số Uighur theo đạo Hồi ở Tân Cương.

Diễn đàn

Liên quan

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG