Đường dẫn truy cập

Viện trợ cho Gaza bị kẹt, Ai Cập nói Israel không hợp tác


Người Palestine có hai quốc tịch đợi tại cửa khẩu Rafah hy vọng được vào Ai Cập, ngày 14/10/2023.
Người Palestine có hai quốc tịch đợi tại cửa khẩu Rafah hy vọng được vào Ai Cập, ngày 14/10/2023.

Ai Cập ngày 16/10 cho biết Israel không hợp tác trong việc chuyển viện trợ vào Gaza và sơ tán những người có hộ chiếu nước ngoài thông qua lối đi duy nhất mà họ không hoàn toàn kiểm soát, khiến hàng trăm tấn vật tư bị mắc kẹt.

Cairo cho biết cửa khẩu Rafah, một cửa ngõ quan trọng để vận chuyển hàng hóa cấp thiết vào vùng đất Palestine bị Israel bao vây, chưa chính thức bị đóng cửa nhưng đã không thể hoạt động do các cuộc không kích của Israel vào phía Gaza.

Trong lúc Israel bắn phá và bao vây Gaza ngày càng tăng, trên 2 triệu cư dân trên lãnh thổ này không có điện, đẩy các dịch vụ y tế và dịch vụ cung cấp nước đến bờ vực sụp đổ, khiến nhiên liệu cho máy phát điện của bệnh viện cạn kiệt.

Ngoại trưởng Ai Cập Sameh Shoukry nói với các phóng viên: “Có một nhu cầu cấp thiết là giảm bớt nỗi đau khổ của thường dân Palestine ở Gaza”. Ông nói thêm là những cuộc thảo luận với Israel đã không thành công.

“Cho đến nay, chính phủ Israel vẫn chưa có lập trường mở cửa khẩu Rafah từ phía Gaza để cho phép viện trợ vào và cho công dân của các nước thứ ba đi ra.”

Phát ngôn Liên hiệp quốc Stephane Dujarric nói với các phóng viên rằng cuộc chiến đang diễn ra khiến việc chuyển hàng viện trợ qua Rafah trở nên “rất khó khăn”.

Đài phát thanh Aqsa có liên hệ với Hamas cho biết, đạn pháo của Israel lại đổ vào khu vực cửa khẩu Rafah vào ngày 16/10. Phía biên giới Ai Cập dường như vắng tanh vào chiều 16/10, hàng viện trợ được dự trữ ở thành phố Al Arish gần đó.

Người dân Gaza đã bị bao vây kể từ khi Israel tiến hành cuộc bắn phá và phong tỏa dữ dội nhất từ trước đến nay sau cuộc tấn công xuyên biên giới tàn khốc của các phần tử hiếu chiến Hồi giáo Hamas vào ngày 7/10.

Hàng trăm nghìn người Palestine đã phải di dời ở Gaza, một số người mang ô tô và vali về phía nam tới cửa khẩu Rafah nhưng những người khác quay trở lại phía bắc sau khi không tìm được nơi ẩn náu.

Nỗi sợ di dời

Giống như những nước khác, Ai Cập đã lên tiếng phản đối bất kỳ cuộc di cư ồ ạt nào của cư dân Gaza, phản ánh nỗi lo ngại sâu sắc của người Ả Rập rằng cuộc chiến mới nhất có thể gây ra thêm một làn sóng di dời vĩnh viễn nữa đối với người Palestine ra khỏi vùng đất mà họ đang tìm cách xây dựng một nhà nước.

Ai Cập đã kêu gọi tổ chức một hội nghị thượng đỉnh về cuộc khủng hoảng, mà hãng tin Al Qahera News của Ai Cập cho biết dự kiến sẽ được tổ chức vào ngày 21/10 tại thành phố Sharm el-Sheikh ở Biển Đỏ. Văn phòng của ông Sisi ngày 16/10 cho biết, Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah al-Sisi đã nhận được cuộc gọi từ Tổng thống Nga Vladimir Putin để thảo luận về tình hình leo thang ở Gaza.

Ngoại trưởng Shoukry cho biết Ai Cập muốn khôi phục quyền tiếp cận thông thường qua Rafah, bao gồm cả việc cho phép những người Palestine đang tìm cách điều trị y tế hoặc đi lại bình thường.

Sáng ngày 16/10, các nguồn tin an ninh Ai Cập cho biết lệnh ngừng bắn tạm thời ở miền nam Gaza đã được thống nhất để tạo điều kiện thuận lợi cho viện trợ và sơ tán tại Rafah, nhưng truyền hình nhà nước Ai Cập sau đó dẫn lời một nguồn tin cấp cao cho biết chưa có lệnh ngừng bắn nào được đồng ý.

Hamas và Israel nói chưa có thỏa thuận nào về việc mở cửa khẩu được đồng ý.

Hàng trăm tấn viện trợ từ các tổ chức phi chính phủ và một số quốc gia đang chờ ở Al Arish để được phép vào Gaza.

“Điều quan trọng là viện trợ cứu người phải được phép di chuyển qua cửa khẩu Rafah không chậm trễ,” cơ quan nhân đạo Liên hiệp quốc OCHA cho biết trong một tuyên bố, đồng thời thông báo rằng người đứng đầu cơ quan này là Martin Griffiths sẽ tới Cairo vào ngày 17/10.

Việc di chuyển hàng hóa và người qua Rafah đã được kiểm soát chặt chẽ dưới sự phong tỏa Gaza do Israel và Ai Cập áp đặt kể từ khi Hamas nắm quyền kiểm soát khu vực này vào năm 2007 và chỉ những du khách đã đăng ký mới có thể đi qua.

Trong khi đó, Liên hiệp Châu Âu ngày 16/10 cho hay họ sẽ mở một cầu không vận nhân đạo bao gồm “một số chuyến bay” đến Ai Cập nhằm mang hàng hóa đến các tổ chức nhân đạo trên thực địa ở Gaza.

Tuyên bố của EU nói: “Hai chuyến bay đầu tiên sẽ diễn ra trong tuần này, chở hàng hóa nhân đạo từ UNICEF, bao gồm các vật dụng tạm trú, thuốc men và dụng cụ vệ sinh”.

Những nỗ lực ngoại giao nhằm sắp xếp lệnh ngừng bắn để viện trợ đến Dải Gaza đã thất bại trước đó và Israel đã ra lệnh sơ tán các ngôi làng trong dải lãnh thổ gần biên giới với Lebanon, làm dấy lên lo ngại chiến tranh có thể lan sang một mặt trận mới.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen phát biểu trong cuộc họp báo ở Tirana: “Người Palestine ở Gaza đang cần sự giúp đỡ và viện trợ nhân đạo, họ không thể trả giá cho sự man rợ của Hamas”.

Bà Von der Leyen đang tham dự hội nghị thượng đỉnh của Tiến trình Berlin, một sáng kiến do chính phủ Đức khởi xướng nhằm cải thiện hợp tác giữa sáu quốc gia Tây Balkan mong muốn trở thành thành viên EU. Bà lưu ý rằng cuối tuần qua EU đã quyết định tăng gấp ba lần viện trợ nhân đạo, lên hơn 75 triệu euro, để hỗ trợ dân thường gặp khó khăn ở Gaza.

Israel đã thề sẽ tiêu diệt phong trào Hamas đang cai trị Gaza, sau khi các chiến binh Hamas xông qua hàng rào xung quanh khu vực này vào ngày 7/10, bắn chết 1.300 người Israel, chủ yếu là dân thường, trong ngày đẫm máu nhất trong lịch sử 75 năm của Israel.

Israel đã đặt Gaza, nơi sinh sống của 2,3 triệu người Palestine, dưới sự phong tỏa hoàn toàn và tấn công bằng các cuộc không kích chưa từng có, đồng thời được cho là sẽ tiến hành một cuộc tấn công trên bộ. Chính quyền Gaza cho biết ít nhất 2.750 người đã thiệt mạng ở đó, trong đó có nhiều dân thường.

Diễn đàn

Liên quan

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG