Đường dẫn truy cập

Giới phân tích: Quan hệ quân sự Nga-Triều khiến Trung Quốc khó xử


Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Tôn Vệ Đông, trái, gặp Ngoại trưởng Triều Tiên Choe Son Hui vào ngày 26/1/2024 tại Bình Nhưỡng, đồng ý “tăng cường hợp tác chiến thuật và đồng hành với nhau để bảo vệ lợi ích cốt lõi chung”.
Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Tôn Vệ Đông, trái, gặp Ngoại trưởng Triều Tiên Choe Son Hui vào ngày 26/1/2024 tại Bình Nhưỡng, đồng ý “tăng cường hợp tác chiến thuật và đồng hành với nhau để bảo vệ lợi ích cốt lõi chung”.

Trung Quốc, thất vọng trước sự hợp tác quân sự ngày càng sâu sắc giữa Triều Tiên với Nga, có thể tìm cách giữ sao cho mối quan hệ đó không phá vỡ sự ổn định khu vực vì lợi ích của chính họ chứ không phải của Washington, theo các nhà phân tích.

Các chuyên gia lo ngại rằng Triều Tiên có thể có được công nghệ vũ khí từ Nga để đẩy nhanh các chương trình phát triển phi đạn và hạt nhân của Bình Nhưỡng nhằm tạo ra mối đe dọa lớn hơn trong khu vực.

Sự hiếu chiến ngày càng tăng của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đã làm trầm trọng thêm những lo ngại đó. Ông đã ra lệnh cho nước ông sẵn sàng chiếm đóng Hàn Quốc nếu chiến tranh nổ ra và hủy bỏ chính sách thống nhất.

“Chúng tôi quan ngại sâu sắc về mối quan hệ ngày càng phát triển giữa Nga và Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Triều Tiên cũng như điều đó có thể có ý nghĩa gì đối với ý định của ông Kim”, một quan chức cấp cao của Tòa Bạch Ốc cho biết trong cuộc gọi với các báo ngày 27/1 sau cuộc hội đàm giữa cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan và Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị.

Quan chức này nói: “Chúng tôi đã nêu những lo ngại đó trực tiếp với Trung Quốc, do ảnh hưởng của họ đối với Bình Nhưỡng”.

Ông Kim đã gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Nga vào tháng 9/2023, có lẽ là thảo luận về loại đạn dược mà Triều Tiên có thể cung cấp để hỗ trợ cuộc chiến của Nga ở Ukraine để đổi lấy sự trợ giúp kỹ thuật mà Bình Nhưỡng có thể nhận được từ Moscow để cải thiện vũ khí.

Ông Lưu Bằng Vũ, phát ngôn viên của Toà đại sứ Trung Quốc tại Washington, nói với VOA hôm 31/1 qua email rằng ông “không biết về sự hợp tác giữa Triều Tiên và Nga” và “không có gì để chia sẻ” về chủ đề này.

Tuy nhiên, các nhà phân tích nói Trung Quốc có thể lo ngại rằng bất kỳ giao dịch vũ khí nào giữa ông Putin và ông Kim đều có thể khiến khu vực trở nên bất ổn hơn.

Ông Robert Manning, một thành viên cấp cao thuộc Trung tâm Stimson, nói: “Tôi nghi người Trung Quốc đang lo lắng rằng ông Putin là kẻ gây rối và không mấy quan tâm đến sự ổn định, đang tạo điều kiện cho chương trình phi đạn và hạt nhân của ông Kim, đồng thời khoan dung hơn với hành vi khiêu khích của Bình Nhưỡng”.

Ông Manning nói với VOA qua email: “Sự kết hợp giữa thái độ thù địch mạnh mẽ của ông Kim đối với Mỹ và Hàn Quốc cùng với sức ảnh hưởng giảm dần khiến [người Trung Quốc] lo ngại hơn về sự ổn định và chúng ta có thể thấy một số hợp tác khiêm tốn với Mỹ”.

Trung Quốc coi Triều Tiên là quốc gia đệm chống lại lực lượng Mỹ đồn trú tại Hàn Quốc. Bắc Kinh đang tìm cách duy trì nguyên trạng trong khu vực.

Ông Ken Gause, chuyên gia phân tích đối thủ cấp cao tại Trung tâm Phân tích Hải quân, cho biết Bắc Kinh lo ngại rằng nếu Bình Nhưỡng gia tăng các hành động khiêu khích bằng cách sử dụng vũ khí tiên tiến được cải tiến bằng công nghệ của Nga, họ có thể nhận được những phản ứng mạnh mẽ hơn từ Mỹ.

“Nếu người Nga thực sự có thể đẩy nhanh tiến độ” để Triều Tiên tăng cường khả năng phi đạn hạt nhân nhằm nhắm vào Mỹ và “đe doạ các thành phố của Mỹ bằng vũ khí của họ”, thì Mỹ sẽ cảm thấy cần phải “giải quyết tình hình”.

Ông Gause tiếp tục: “Nếu Triều Tiên về cơ bản kéo Mỹ đến gần khu vực hơn thì đó không phải là lợi ích của Trung Quốc”.

Trung Quốc đã coi gói biện pháp răn đe hạt nhân mà Washington và Seoul nhất trí tại hội nghị thượng đỉnh hồi tháng 4/2023 là mối đe dọa.

Ông John Erath, giám đốc chính sách cấp cao tại Trung tâm Kiểm soát vũ khí và Không phổ biến Vũ khí Hạt nhân, tin rằng Trung Quốc sẽ theo đuổi lợi ích riêng của mình với Triều Tiên, bất chấp bất kỳ thỏa thuận nào giữa Moscow và Bình Nhưỡng. Và một trong những lợi ích đó, ông nói với VOA, là “giữ cho Mỹ bận rộn và ít có khả năng can thiệp hơn trong trường hợp xảy ra khủng hoảng Đài Loan”.

Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với đảo độc lập Đài Loan và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố sẽ tái thống nhất đất nước trong bài phát biểu vào Đêm Giao thừa.

Ông Dennis Wilder, thành viên cấp cao của Sáng kiến Đối thoại Mỹ-Trung về Các vấn đề Toàn cầu tại Đại học Georgetown, nói: “Nếu Trung Quốc sử dụng đòn bẩy đối với Triều Tiên thì đó là vì mục đích riêng của họ chứ không phải vì Mỹ”.

Điều mà Bắc Kinh muốn tránh là "một cường quốc khác lợi dụng Triều Tiên và tạo ra vấn đề cho Trung Quốc ở Đông Bắc Á. Người Trung Quốc thích giữ nguyên trạng hơn bất cứ điều gì khác”, ông Wilder, người từng là giám đốc Hội đồng An ninh Quốc gia về Trung Quốc từ năm 2004-2005, nói tiếp.

Ông nói, điều mà Hoa Kỳ muốn ở Trung Quốc vào thời điểm này “có lẽ là thông tin. Tôi nghĩ Hoa Kỳ đang cố gắng đánh giá những gì đang diễn ra giữa Triều Tiên và Putin”.

Ông cho biết một phái đoàn Trung Quốc đến thăm Bình Nhưỡng trong tuần này có thể đã cố gắng tìm hiểu mối quan hệ của nước này với Nga.

​Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Tôn Vệ Đông đã gặp Ngoại trưởng Triều Tiên Choe Son Hui vào ngày 26 tháng 1 tại Bình Nhưỡng, nơi hai bên đồng ý “tăng cường hợp tác chiến thuật và đồng hành với nhau để bảo vệ lợi ích cốt lõi chung”, theo truyền thông nhà nước Triều Tiên KCNA.

Theo Bộ Ngoại giao Nga, vào ngày 30 tháng 1, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov và Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Mã Triêu Húc đã gặp nhau tại Moscow và thảo luận về một “giải pháp chính trị và ngoại giao” nhằm “giảm bớt căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên” cùng nhiều vấn đề khác.

Diễn đàn

Liên quan

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG