Đường dẫn truy cập

Lãnh đạo EU đồng ý về kế hoạch phục hồi niềm tin vào thị trường


Giới lãnh đạo Liên Hiệp Châu Âu đã đồng ý về một kế hoạch mà họ hy vọng sẽ khích lệ các ngân hàng cho mượn tiền và giữ cho các định chế tài chính khỏi sụp đổ. Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy cho hay chính phủ của 15 quốc gia Châu Âu đã đồng ý để bảo đảm cho các khoản tiền vay mới giữa các ngân hàng đến 5 năm.

Đây là một trong nhiều biện pháp được khối 15 nước Châu Âu sử dụng đồng Euro chấp thuận tại cuộc họp có cả sự tham dự của thủ tướng Anh Gordon Brown.

Theo dự kiến lãnh tụ của 27 quốc iga liên hiệp Châu Âu sẽ duyệt xét thỏa thuận này khi họ họp tại Bruxelles vào thứ tư sắp tới.

Các giới chức thuộc ngân hàng thế giới đồng ý bảo vệ cho các quốc gia nghèo và dễ gặp nguy cơ trong cuộc khủng hoảng tài chính này.

Trong lúc các nhà lãnh đạo Châu Âu hội họp tại Pháp thì ngân Hàng Thế giới và quĩ tiền Tệ Quốc Tế tiếp tục tham khảo tạo Washington, nơi các bộ trưởng tài chính của khối G-7 đã họp với nhau tuần qua.

Mặc dù cuộc họp chưa giúp các quốc gia công nghiệp hóa hàng đầu của thế giới đưa ra được hành động cụ thể ngay tức thời nhưng các nước thành viên tham dự cam kết hợp tác chặt chẽ để cứu nguy các ngân hàng đang gặp khó khăn, ngăn chặn tình trạng khai khánh tận và bảo đảm rằng tín dụng sẽ được vận hành điều hòa trở lại.

Trong những tuần lễ gần đây, người ta được chứng kiến các quốc gia đưa ra những biện pháp triệt để hơn để nâng đỡ các định chế tài chính, nới lỏng bớt tín dụng đang bị siết chặt và trấn an các nhà đầu tư đang hoảng hốt.

Giờ đây, chính quyền của Tổng thống Bush đang đề nghị chính phủ liên bang đầu tư trực tiếp vào các ngân hàng Mỹ đang gặp khó khăn, và điều này nếu được đem áp dụng sẽ tạo nên tình trạng quốc hữu hóa một phần khu vực ngân hàng của Hoa Kỳ. Nhiều quốc gia Châu Âu cũng đã có sáng kiến tương tự.

Cựu bộ trưởng tài chính Hoa Kỳ Lawrence Summers nói rằng củng cố hệ thống ngân hàng là điều vô cùng thiết yếu. Ông lên tiếng trên đài truyền hình ABC rằng thị trường chứng khoán chỉ là điều phụ trong bối cảnh này, điểm chính là hệ thống ngân hàng cần phải chỉnh đốn lại, và chỉnh đốn lại thật nhanh.

Tuần trước, người ta chứng kiến thấy các thị trường chứng khoán chính trên thế giới đã sụt giảm mạnh tới mức kỷ lục khoảng 20% hay hơn.

Theo giám đốc học viện Kinh Tế Quốc Tế trụ sở tại Washington, ông Fred Bergsten, thì chỉ có hành động cụ thể có phối hợp của các chính phủ trên toàn thế giới mới có thể giúp chặn đứng sự tuột dốc này.

Ông phát biểu trên đài truyền hình CBS rằng: hiện giờ chúng ta đang ở giữa một cơn khủng hoảng lòng tin. Các thị trường tài chính đang gần như hoảng hốt, và cần có những biện pháp trấn an từ các chính phủ và các ngân hàng trung ương.

Chính phủ và ngân hàng trung ương các nước cần phải có một loạt những biện pháp hết sức đặc biệt để giúp cho các thị trường tín dụng vận hành trở lại. Và mọi người cần đến những quyết định đó trong một vài ngày tới để tạo dựng lại niềm tin.

Tình trạng tín dụng co cụm trên toàn cầu khởi đi từ Hoa Kỳ, do một loạt những vụ ngân hàng tịch biên nhà cửa của khách hàng sau một thời kỳ rất lâu các ngân hàng và các định chế tài chính cho vay bừa bãi để cho hàng triệu người Mỹ mượn được tiền mua nhà, những món nợ mà họ không có khả năng thanh toán.

Trong những tuần lễ gần đây, căn bệnh tài chính này đã lan sang Châu Âu, Châu Á và hàng chục các quốc gia dang phát triển.

Để đối phó với tình trạng này, chính quyền của tổng thống Bush đã giúp chống đỡ và tiếp thu quyền kiểm soát các định chế tài chính lụn bại của Hoa Kỳ, tung ra một kế hoạch cứu nguy lớn chưa từng có của chính phủ, và tìm cách tạo dễ dàng hơn cho các doanh nghiệp được vay tiền trong ngắn hạn.

Càng ngày càng có sự đồng thuận giữa các kinh tế gia và các giới chức chính phủ cho rằng trong lúc từng quốc gia một phải tự đưa ra những biện pháp riêng của họ, thì chỉ có những nỗ lực phối hợp toàn cầu mới mong giải quyết được cuộc khủng hoảng.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG