Đường dẫn truy cập

Thị trường chứng khoán Hoa Kỳ tiếp tục dao động


Các thị trường tài chánh tiếp tục dao động mạnh trong ngày thứ Năm giữa lúc các nhà đầu tư đánh giá những tác động của những kế hoạch can thiệp của chính phủ vào khu vực ngân hàng ở Mỹ và Châu Âu. Mời quí vị theo dõi thêm các chi tiết dựa theo tường thuật của thông tín viên Barry Wood của đài VOA.

Lần này, các thị trường chứng khoán tăng giá với chỉ số Công nghiệp Dow Jones tăng vọt gần 5% sau khi bị sụt mạnh trước đó trong ngày thứ năm. Chỉ số được nhiều người theo dõi sát này tăng 401 điểm, lên tới 8,079 điểm vào lúc đóng cửa. Trước đó, chỉ số Dow Jones cũng tăng mạnh trong ngày thứ hai nhưng lại cũng sụt mạnh như vậy trong ngày thứ tư.

Trong khi đó, giá cả của các mặt hàng nông khoáng sản đã giảm mạnh vì các nhà đầu tư nghĩ rằng nhu cầu sẽ giảm đi vì nền kinh tế thế giới phát triển chậm lại. Giá dầu thô lại sụt thêm 4 đôla, xuống còn chưa đầy 70 đôla một thùng. Đây là mức thấp nhất của giá dầu trong vòng 14 tháng; và như vậy là đã sút giảm 52% tính từ ngày 11 tháng 7, khi lên tới mức kỷ lục là 147 đôla một thùng. Giá vàng cũng giảm 4%, xuống còn 804 đôla một ounce, là mức thấp nhất trong một tháng. Một nhà phân tích thị trường vàng, ông Thomas Winmill của Quĩ Midas ở New York dự kiến giá vàng rốt cuộc sẽ tăng trong khi đồng đôla sụt giá.

Ông Winmill nói: "Điều gây nhiều thú vị cho chúng tôi là hôm nay tỉ giá của đồng đôla có thể nói là không thay đổi nhưng giá vàng lại giảm mạnh. Tuy nhiên, trong dài hạn thì đồng đôla sẽ yếu đi, vì lượng cung ứng gia tăng quá nhanh. Các chính sách tài chánh và tiền tệ đều rất yếu kém, cho nên chúng tôi nghĩ rằng giá vàng sẽ tăng trong khi giá đôla sút giảm."

Ông Winmill cho biết như thế trong cuộc phỏng vấn trên đài truyền hình Bloomberg. Tỉ giá của đôla hôm nay được bình ổn: 1 đôla 34 cents đổi một Euro, trong khi 101 Yen đổi 1 đôla.

Sản lượng công nghiệp của Mỹ đã giảm mạnh trong tháng 9, với mức sút giảm trong một tháng lớn nhất trong vòng hơn 30 năm. Ông Stephen Roach, một nhà phân tích của ngân hàng đầu tư Morgan Stanley cho biết tình trạng suy thoái của thị trường nhà ở giờ đây đã lan sang các khu vực khác của nền kinh tế.

Ông Roach nói: "Vụ suy thoái của thị trường nhà ở, vốn có mức độ không nghiêm trọng lắm trong 8 tháng đầu năm nay, giờ đây đã trở thành một vụ suy thoái toàn diện trong khu vực chi tiêu của người tiêu thụ. Sự suy thoái này có tác động lớn hơn nhiều đối với các khu vực khác của nền kinh tế Hoa Kỳ."

Xét về mặt lý thuyết, nền kinh tế Hoa Kỳ vẫn chưa suy thoái vì các báo cáo kinh tế cho thấy tỉ lệ tăng trưởng vẫn còn là số dương trong quí ba, từ tháng 7 tới tháng 9. Tuy nhiên các hoạt động kinh tế ở Mỹ đã sút giảm rất nhiều kể từ khi cuộc khủng hoảng tài chánh trở nên nghiêm trọng hơn từ đầu tháng 9.





Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG