Đường dẫn truy cập

Chủ tịch IMF lạc quan về nỗ lực của các nhà lãnh đạo quốc tế


Trong khi lãnh đạo các nước sử dụng đồng Euro loan báo những biện pháp để bảo vệ các định chế tài chánh và bảo đảm việc cho vay giữa các ngân hàng, Chủ tịch Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế, ông Dominique Strauss-Kahn, tuyên bố tại thủ đô Washington rằng, một chương trình phối hợp và có hiệu quả để chống lại cuộc khủng hoảng tài chánh trên thế giới giờ đây đã thành hình. Mời quý vị theo dõi thêm chi tiết về vấn đề này qua bài tường thuật của thông tín viên đài VOA Barry Wood.

Ông Strauss Kahn đã lên phát biểu vào lúc kết thúc một hội nghị Bộ Trưởng tài chánh các nước tân tiến và đang phát triển. Ông nói rằng, các biện pháp khẩn cấp được lãnh đạo các nước Châu Âu loan báo hôm Chủ Nhật tại Paris là rất tích cực.

Ông Kahn nói: "Tôi tin tưởng bởi vì tôi nghĩ rằng những gì đã được thực hiện trong mấy ngày mới đây, bắt đầu bằng tuyên bố của khối G7 hôm Thứ Sáu vừa qua, tiếp sau đó là hội nghị thường niên của Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế và Ngân Hàng Thế Giới, và kết thúc vài giờ hay vài phút trước đây bởi cuộc họp của các nước trong khu vực sử dụng đồng Euro chính là loại hành động mà chúng ta cần thực hiện."

Pháp, Đức, Ý và những nước khác trong khối các quốc gia sử dụng đồng euro sẽ bảo đảm việc cho vay giữa các ngân hàng và cung cấp tiền mặt cho các ngân hàng có nhu cầu. Các biện pháp vừa kể có mục đích phục hồi niềm tin của các nhà đầu tư và giúp cho thị trường tín dụng hoạt động thích đáng. Hôm Thứ Bảy, ông Strauss-Kahn đã cảnh cáo rằng hệ thống tài chánh toàn cầu đang đứng trước bờ vực sụp đổ.

Theo Chủ tịch Ngân Hàng Thế Giới Robert Zoellick thì cuộc khủng hoảng tài chánh cùng với tình trạng gia tăng giá thực phẩm và giá xăng dầu trước đó đã khiến hằng trăm triệu người rơi vào cảnh nghèo khó trong năm nay.

Hôm qua, ông Zoellick đã nói với các nhà báo rằng vụ xáo trộn trong các thị trường tài chánh từ trước tới nay chưa từng có này là một mối đe dọa đặc biệt đối với các nước đang phát triển.

Ông Zoellick nói: "Đây chính là một tai họa do con người gây ra. Những hành động và biện pháp ứng phó hầu khắc phục khó khăn này nằm trong tay chúng ta. Chúng ta cũng cần bảo đảm rằng khi chính phủ và dân chúng các nước quay sang chú ý tới những vấn đề thiết thân tại quốc nội thì vẫn không chùn bước với những cam kết gia tăng sự trợ giúp các nước ngoài."

Cuộc khủng hoảng kinh tế khiến nhiều thị trường chứng khoán thế giới mất đi khoảng 20% trị giá trong tuần lễ vừa qua đã nắm bắt sự chú ý của các giới chức tài chánh ở thủ đô Washington tại hội nghị thường niên của Ngân Hàng Thế Giới và Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế.

Đại biểu các nước tham dự hội nghị này đã chấp thuận một kế hoạch hành động về các biện pháp phối hợp khẩn cấp được Bộ Trưởng tài chánh các nước Châu Âu, Nhật Bản, và Hoa Kỳ loan báo hôm Thứ Sáu vừa qua.



Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG