Đường dẫn truy cập

Triều Tiên phóng ICBM trước thượng đỉnh Nhật-Hàn


Phi đạn đạn đạo liên lục địa (ICBM) Hwasong-17 của Triều Tiên trong cuộc diễn hành tại Bình Nhưỡng, ngày 8/2/2023.
Phi đạn đạn đạo liên lục địa (ICBM) Hwasong-17 của Triều Tiên trong cuộc diễn hành tại Bình Nhưỡng, ngày 8/2/2023.

Triều Tiên bắn một phi đạn tình nghi ICBM (phi đạn đạn đạo liên lục địa) ra vùng biển giữa bán đảo Triều Tiên và Nhật Bản ngày 16/3, vài giờ trước khi Tổng thống Hàn Quốc bay tới Tokyo để tham dự hội nghị thượng đỉnh thảo luận về các cách đối phó với chương trình vũ trang hạt nhân của Triều Tiên.

Triều Tiên đã tiến hành nhiều vụ phóng phi đạn trong tuần này trong bối cảnh Hàn Quốc-Mỹ đang tập trận chung mà Bình Nhưỡng lên án là hành động thù địch.

Tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc cho biết phi đạn được bắn vào lúc 7:10 sáng ngày 15/3 từ Bình Nhưỡng, bay khoảng 1.000 km theo quỹ đạo cao.

Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết phi đạn loại ICBM dường như đã bay cao hơn 6.000 km trong khoảng 70 phút.

Bộ này cho biết nhiều khả năng nó đã rơi bên ngoài vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản, cách đảo Oshima-Oshima ở Hokkaido, miền bắc Nhật Bản 200 km về phía tây.

Bộ này đã công bố đoạn video do phi hành đoàn của một máy bay chiến đấu F-15 của Nhật Bản ghi nhận được về những gì họ tin là các mảnh vỡ đang cháy từ phi đạn rơi trên bầu trời.

Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Hirokazu Matsuno nói Nhật Bản chưa xác nhận bất kỳ thông tin nào về thiệt hại từ phi đạn, đồng thời cho biết thêm rằng họ đã gửi công hàm phản đối thông qua Đại sứ quán Triều Tiên tại Bắc Kinh.

“Vụ phóng phi đạn của Triều Tiên là một hành động dã man leo thang khiêu khích đối với toàn xã hội quốc tế”, ông Matsuno nói. “Chúng tôi sẽ xác nhận sự hợp tác chặt chẽ với Hàn Quốc và Hoa Kỳ hướng tới phi hạt nhân hóa hoàn toàn Triều Tiên tại hội nghị thượng đỉnh Nhật Bản-Hàn Quốc.”

Hàn Quốc đã triệu tập cuộc họp của hội đồng an ninh quốc gia và “lên án mạnh mẽ” vụ phóng phi đạn, coi đây là hành động khiêu khích nghiêm trọng đe dọa hòa bình quốc tế.

Văn phòng của ông cho biết Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol đã ra lệnh cho quân đội nước này tiến hành các cuộc tập trận với Hoa Kỳ theo kế hoạch, nói rằng Triều Tiên sẽ phải trả giá cho “những hành động khiêu khích liều lĩnh”.

Các lực lượng Hàn Quốc và Mỹ đã bắt đầu cuộc tập trận chung ‘Lá chắn Tự do 23’ kéo dài 11 ngày từ hôm 13/3, được tổ chức với quy mô chưa từng thấy kể từ năm 2017 để chống lại các mối đe dọa ngày càng tăng của Triều Tiên.

Phát biểu tại Hội nghị Tài giảm Binh bị có trụ sở tại Geneva hôm 16/3, Đại sứ Triều Tiên tại Liên hiệp quốc Han Tae Song cho biết các cuộc tập trận phóng phi đạn gần đây của Triều Tiên là biện pháp đối phó với các mối đe dọa đối với an ninh của nước này.

Ông cho rằng cuộc tập trận chung giữa Mỹ và Hàn Quốc là một “hành động khiêu khích quân sự cực kỳ nguy hiểm” có thể đẩy tình hình vào một “cuộc khủng hoảng không thể kiểm soát và khó lường”.

Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida cho biết sau vụ phóng rằng hòa bình và ổn định khu vực là vấn đề quan trọng nhất, và phát ngôn viên của Hội đồng An ninh Quốc gia Tòa Bạch Ốc Adrienne Watson cho biết Hoa Kỳ “lên án mạnh mẽ” vụ phóng mới nhất của Triều Tiên vì đã làm gia tăng căng thẳng trong khu vực một cách không cần thiết.

Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Hoa Kỳ đánh giá phi đạn không gây ra mối đe dọa ngay lập tức đối với nhân viên hoặc lãnh thổ của Hoa Kỳ hoặc các đồng minh của Hoa Kỳ.

‘Hwasong-17?’

Vụ phóng ngày 16/3 diễn ra khi ông Yoon đang tới Nhật Bản để tham dự hội nghị thượng đỉnh đầu tiên với ông Kishida sau hơn một thập niên, một phần trong nỗ lực vượt qua các tranh chấp lịch sử, chính trị và kinh tế dưới danh nghĩa hợp tác tốt hơn để đối phó với Triều Tiên và các thách thức khác.

Là một phần của những nỗ lực, hai đồng minh của Hoa Kỳ đã đồng ý chia sẻ theo dõi thời gian thực các vụ phóng phi đạn của Triều Tiên và cam kết sẽ tăng cường hợp tác quân sự hơn nữa.

Ông Cheong Seong-chang, một thành viên cấp cao tại Viện Sejong, nói: “Vụ phóng phi đạn hôm nay là một sự phản đối rõ ràng không chỉ đối với các cuộc tập trận giữa Hàn Quốc và Hoa Kỳ mà còn đối với việc Hàn Quốc và Nhật Bản đang tăng cường hợp tác quân sự”.

“Nhưng một cuộc phản đối như vậy sẽ chỉ thúc đẩy chính phủ ông Yoon tăng cường hơn nữa hợp tác với Nhật Bản và ba bên với Hoa Kỳ, và có phản ứng dội ngược,” ông nói thêm.

Hiện chưa rõ loại ICBM nào được phóng ngày 16/3, nhưng một quan chức quân đội Hàn Quốc nói rằng phi đạn này có vẻ tương tự như Hwasong-17 - một phi đạn nhiên liệu lỏng mà Triều Tiên đã thử nghiệm trước đây - và rằng khó có thể là một ICBM nhiên liệu rắn mới.

Hwasong-17 là phi đạn lớn nhất của Triều Tiên và là ICBM đốt bằng nhiên liệu lỏng, di động, lớn nhất trên thế giới, được cho là có khả năng mang đầu đạn hạt nhân đến bất cứ nơi đâu trên nước Mỹ.

Một số nhà phân tích suy đoán nó có thể mang nhiều đầu đạn và mồi nhử để xuyên thủng hệ thống phòng thủ phi đạn tốt hơn.

Các chương trình phi đạn đạn đạo và vũ khí hạt nhân của Triều Tiên bị cấm theo các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc, nhưng Bình Nhưỡng nói rằng việc phát triển vũ khí là cần thiết để chống lại “các chính sách thù địch” của Washington và các đồng minh.

Hãng thông tấn nhà nước Triều Tiên KCNA hôm 12/3 cho biết nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đã chủ trì một cuộc họp của đảng cầm quyền để thảo luận và quyết định về biện pháp răn đe chiến tranh “thực tế quan trọng”. Ông nói “khiêu khích của Mỹ và Hàn Quốc đã tới lằn ranh đỏ.”

Diễn đàn

Liên quan

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG