Đường dẫn truy cập

Bắc Kinh muốn tham gia 'Trục Ác'?


Thứ tư vừa qua, hải quân Trung Quốc đã bắt đầu một cuộc tập trận bằng đạn thật ở vùng biển đông bắc, ngoài khơi thành phố Thanh Đảo. Cuộc thao dượt dài 5 ngày này được tiến hành sau khi Trung Quốc phản đối Hoa Kỳ về việc thực hiện những cuộc thao dượt hải quân với Nam Triều Tiên ở Hoàng Hải và chỉ trích Việt Nam về những hoạt động cải thiện quan hệ quân sự và chính trị với Washington. Cũng trong ngày thứ tư, các giới chức lãnh đạo quân sự của Trung Quốc và Bắc Triều Tiên cam kết tăng cường quan hệ hợp tác song phương. Một số các nhà quan sát cho rằng những diễn tiến này tuy có mục đích chứng tỏ lập trường cứng rắn của Bắc Kinh đối với Hoa Kỳ về vấn đề quyền lợi chiến lược ở Đông Á, nhưng Trung Quốc không muốn bị xem là có ý định thiết lập một liên minh quân sự với Bắc Triều Tiên, là nước từng bị cựu Tổng thống George W Bush của Mỹ gán cho nhãn hiệu “trục ác” vào năm 2002 cùng với Iraq và Iran. Mời quí vị nghe Duy Ái trình bày thêm chi tiết trong tiết mục Nhìn Về Á Châu sau đây.

Tin tức từ Seoul hôm thứ 3 vừa qua cho biết quân đội Nam Triều Tiên và Hoa Kỳ đang chuẩn bị thực hiện một cuộc thao dượt hỗn hợp chống tàu ngầm ở vùng biển phía tây bán đảo Triều Tiên, bắt đầu từ chủ nhật mồng 5 tháng 9. Hãng tin Yonhap trích lời một nguồn tin quân sự nói rằng cuộc tập trận 5 ngày ở Hoàng Hải sẽ có qui mô nhỏ hơn và không có sự tham gia của hàng không mẫu hạm và tàu ngầm nguyên tử của Mỹ như cuộc tập trận hồi tháng 7 ở biển Nhật Bản.

Những kế hoạch thao dượt Mỹ-Hàn đã gặp phải sự chống đối dữ dội của cả Bắc Triều Tiên lẫn Trung Quốc với lý do là việc này gây thêm căng thẳng trong khu vực. Một số giới chức cao cấp của quân đội Trung Quốc nói rằng hành động của Mỹ là “diệu võ dương oai trước cổng nhà” của Trung Quốc.

Ông Vương Khôn Nghĩa, giáo sư môn quan hệ quốc tế của Đại học Đạm Giang ở Đài Loan, cho biết:

"Cuộc tập trận Mỹ-Hàn lần này thật ra đã có nhượng bộ so với những hành động được thực hiện từ tháng 7. Lẽ ra cuộc thao dượt này có sự tham dự của hàng không mẫu hạm của Mỹ, nhưng bây giờ tàu sân bay George Washington sẽ không tới dự. Tuy nhiên, đối với Trung Quốc, cho dù có hàng không mẫu hạm hay không, thì việc tập trận trong vùng này cũng đáng chỉ trích vì nằm quá gần thủ đô Bắc Kinh."

Hôm thứ tư vừa qua, không lâu sau khi Bắc Kinh tuyên bố phản đối kế hoạch thao dượt hải quân Mỹ-Hàn, hạm đội Bắc Hải của Trung Quốc đã bắt đầu một cuộc tập trận bằng đạn thật, kéo dài 5 ngày, ở vùng biển đông bắc, ngoài khơi thành phố Thanh Đảo. Tin tức báo chí cho biết trong cuộc thao dượt này, Trung Quốc sẽ sử dụng những loại máy bay, tàu chiến và vũ khí tối tân mà họ phô trương lần đầu tiên hôm mồng 1 tháng 10 năm ngoái tại cuộc diễn binh ở Bắc Kinh nhân dịp ăn mừng ngày Lễ Quốc Khánh lần thứ 60.

Ông Beak Soong Joo là Giám đốc Trung tâm An ninh và Chiến lược của Viện Phân tích Quốc phòng Triều Tiên ở Hán Thành. Ông cho rằng cuộc tập trận của Trung Quốc có phần chắc là một hành động đáp lại những vụ thao dượt của Hoa Kỳ và Nam Triều Tiên. Ông nói thêm như sau:

"Ông Beak nói đại ý rằng đây một cách để Trung Quốc biểu dương sức mạnh quân sự, nhưng không phải là một hành động khiêu khích và càng không phải là để chứng tỏ mối liên hệ quốc phòng gần gũi hơn với Bắc Triều Tiên."

Trong năm vừa qua, các hoạt động giao lưu quân sự cấp cao giữa Bắc Kinh và Bình Nhưỡng đã có dấu hiệu gia tăng đáng kể: tháng 9 năm ngoái, Phó Tham mưu trưởng Quân đội Trung Quốc, ông Mã Hiểu Thiên đã tiếp kiến phái đoàn quân sự Bắc Triều Tiên; tháng 11, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lương Quang Liệt cầm đầu phái đoàn sang thăm Bình Nhưỡng; tháng 5 và tháng 8, lãnh tụ Kim Jong Il hai lần tới thăm Trung Quốc với sự tháp tùng của ông Kim Yong Chul, Bộ trưởng Bộ Vũ lực Nhân dân Bắc Triều Tiên. Và trong cùng ngày thứ tư, khi Trung Quốc bắt đầu cuộc diễn tập ở Hoàng Hải, Chủ tịch Quốc hội Bắc Triều Tiên Kim Yong Nam đã tiếp kiến phái đoàn quân sự Trung Quốc do Trung tướng Trương Du Hiệp, Tư lệnh Quân khu Thẩm Dương, cầm đầu. Theo tin của hãng thông tấn Trung ương của Bắc Triều Tiên, tại cuộc họp này ông Kim Yong Nam cho biết nước ông muốn tăng cường mối quan hệ hữu nghị giữa quân đội hai nước và ông Trương Du Hiệp đáp lại là ông sẽ cố gắng góp phần thúc đẩy cho công cuộc hợp tác quân sự với Bình Nhưỡng.

Bà Củng Khắc Du, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Á châu Thái bình dương của Viện Nghiên cứu các vấn đề quốc tế ở Thượng Hải, cho biết tại những cuộc gặp gỡ đó Bắc Triều Tiên đã yêu cầu Trung Quốc cung cấp viện trợ quân sự nhưng không được đáp ứng.

Ông Bình Khả Phu, một chuyên gia quân sự vùng Đông Á của Tạp chí quốc phòng Janes ở Anh, tán đồng ý kiến của bà Củng Khắc Du. Ông nói rằng vì Bắc Triều Tiên đã bày tỏ ý muốn quay lại với cuộc đàm phán 6 bên để bàn về việc giải trừ vũ khí hạt nhân, nên họ cũng muốn tranh thủ sự cam kết của Trung Quốc đối với an ninh của mình, trong khi Bình Nhưỡng tiếp tục bị Liên hiệp quốc áp dụng lệnh cấm vận vũ khí và những biện pháp chế tài khác.

Ông nói: "Tôi nghĩ rằng mục đích của Bắc Triều Tiên khi mời phái đoàn quân sự cao cấp của Trung Quốc tới Bình Nhưỡng lần này trên cơ bản cũng in hệt như những lần trước. Đó là làm thế nào để có được sự ủng hộ hay cam kết của Trung Quốc đối với an ninh của Bắc Triều Tiên. Đây là một điều rất quan trọng vì họ muốn biết chắc là một khi có chuyện gì xảy ra thì Trung Quốc sẽ làm gì để bảo vệ cho họ, và dĩ nhiên, trong đó có việc cung cấp vũ khí."

Bà Củng Khắc Du của Viện Nghiên cứu các vấn đề quốc tế ở Thượng Hải cho rằng các chương trình giao lưu quân sự giữa Trung Quốc và Bắc Triều Tiên vốn là một chuyện bình thường nhưng lại có một ý nghĩa đặc biệt trong bối cảnh tình hình căng thẳng trong vùng Đông Bắc Á đang gia tăng sau vụ đổ vỡ của cuộc đàm phán 6 bên và vụ chiến hạm Cheonan của Nam Triều Tiên bị đánh chìm. Bà nói thêm rằng tuy Bắc Kinh không muốn thiết lập quan hệ đồng minh với Bình Nhưỡng, nhất là đồng minh quân sự, nhưng việc tiếp xúc chặt chẽ với Bắc Triều Tiên cũng nhắm tới mục đích truyền đạt một thông điệp:

"Chúng tôi muốn xác định mối quan hệ với Bắc Triều Tiên như một mối quan hệ bình thường hay đang tiến tới chỗ bình thường, chứ không phải là Trung Quốc và Bắc Triều Tiên liên minh với nhau để đối phó với Hoa Kỳ và Nam Triều Tiên. Mặc dù vậy, dựa trên những diễn tiến của tình hình hồi gần đây, hoạt động giao lưu giữa đôi bên có lẽ cũng có một mục đích là cảnh báo Hoa Kỳ và Nam Triều Tiên."

Tuy nhiên, phân tích gia Bình Khả Khu của Tạp chí quốc phòng Janes cho rằng Bắc Kinh không muốn thế giới nghĩ rằng họ đang che chở cho Bắc Triều Tiên và càng không hề có ý định tham gia “trục ác”:

"Bình Nhưỡng muốn chứng tỏ với các nước xung quanh là họ có sự hậu thuẫn của Trung Quốc. Đó là một việc không thể tránh khỏi. Nhưng Trung Quốc thì ngược lại: Trung Quốc không hề muốn thế giới cảm thấy như vậy. Họ không hề muốn các nước khác nghĩ rằng Trung Quốc và Bắc Triều Tiên là hai nước đồng minh quân sự và khi Bắc Triều Tiên có xảy ra xung đột quân sự thì Trung Quốc sẽ ra tay để giúp Bắc Triều Tiên."

Trung Quốc nhiều lần nói rằng họ muốn theo đuổi việc phi hạt nhân hoá bán đảo Triều Tiên. Trong thời gian gần đây, Thứ trưởng Ngoại giao Võ Đại Vĩ, đặc sứ hàng đầu của Trung Quốc về vấn đề hạt nhân Bắc Triều Tiên, đã đến thăm Bình Nhưỡng, Tokyo, Seoul và Washington để vận động cho việc mở lại cuộc đàm phán 6 bên vốn bị chính thức đổ vỡ từ tháng tư năm 2009.

Đường dẫn liên quan

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG