Đường dẫn truy cập

Quốc hội Triều Tiên sửa hiến pháp để bảo vệ chính sách hạt nhân


Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đang kiểm tra đầu đạn hạt nhân tại một địa điểm không được tiết lộ (KRT/Handout via Reuters)
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đang kiểm tra đầu đạn hạt nhân tại một địa điểm không được tiết lộ (KRT/Handout via Reuters)

Quốc hội Triều Tiên thông qua tu chính hiến pháp để xây dựng chính sách của Bình Nhưỡng về lực lượng hạt nhân, truyền thông nhà nước Triều Tiên KCNA đưa tin hôm 27/9.

Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) cho biết, Hội đồng Nhân dân Tối cao đã nhất trí thông qua “đề mục chương trình nghị sự quan trọng nhằm xây dựng chính sách của Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên về lực lượng hạt nhân là luật cơ bản của nhà nước”.

Phát biểu trước quốc hội, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un tuyên bố việc “đẩy nhanh quá trình hiện đại hóa vũ khí hạt nhân để giữ vững lợi thế răn đe chiến lược” là “hết sức quan trọng.”

Trước đó hôm 26/9, Đại sứ Triều Tiên tại Liên hiệp quốc cáo buộc Hoa Kỳ và Hàn Quốc đã đẩy bán đảo Triều Tiên đến gần bờ vực chiến tranh hạt nhân, đồng thời nói với Đại hội đồng Liên hiệp quốc rằng kết quả là đất nước của ông không có lựa chọn nào khác hơn là đẩy nhanh hơn nữa việc xây dựng khả năng tự vệ.

“Năm 2023 được ghi nhận là một năm cực kỳ nguy hiểm”, Đại sứ Kim Song phát biểu vào ngày cuối cùng trong cuộc họp thường niên của các nhà lãnh đạo thế giới tại Liên hiệp quốc. “Bán đảo Triều Tiên đang trong tình trạng căng thẳng với nguy cơ bùng nổ chiến tranh hạt nhân.”

Phát biểu trước Đại hội đồng gồm 193 thành viên, ông Kim nói: “Trong hoàn cảnh hiện tại, Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên phải khẩn trương đẩy nhanh hơn nữa việc xây dựng khả năng tự vệ để không bị đánh bại”.

Triều Tiên chịu các chế tài của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc vì các chương trình phi đạn và hạt nhân của nước này kể từ năm 2006. Các biện pháp này đã được tăng cường đều đặn trong những năm qua.

Tuy nhiên, trong nhiều năm qua, Hội đồng Bảo an gồm 15 thành viên đã bị chia rẽ về cách đối phó với Bình Nhưỡng.

Nga và Trung Quốc (hai cường quốc có quyền phủ quyết cùng với Hoa Kỳ, Anh và Pháp) cho rằng các chế tài sẽ không giúp ích gì và muốn các biện pháp đó được nới lỏng.

Trung Quốc và Nga cho rằng các cuộc tập trận chung của Mỹ và Hàn Quốc đã khiêu khích Bình Nhưỡng, trong khi Washington cáo buộc Bắc Kinh và Moscow khuyến khích Triều Tiên bằng cách bảo vệ nước này khỏi bị thêm chế tài.

Triều Tiên đã thử hàng chục phi đạn đạn đạo trong 18 tháng qua. Hoa Kỳ từ lâu đã cảnh báo rằng Bình Nhưỡng đã sẵn sàng thực hiện vụ thử hạt nhân lần thứ bảy.

Diễn đàn

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG