Đường dẫn truy cập

Cảnh giác với Nga, Đức sẵn sàng đóng quân lâu dài ở Lithuania


Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius.
Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius.

Berlin sẵn sàng đồn trú lâu dài một lữ đoàn gồm 4.000 quân ở Lithuania để phối hợp với kế hoạch phòng thủ của NATO sau cuộc xâm lược của Nga tại Ukraine, Bộ trưởng Quốc phòng Đức tuyên bố hôm 26/6.

“Đức giữ cam kết là thành viên NATO, với tư cách là nền kinh tế lớn nhất châu Âu, đứng lên bảo vệ sườn phía đông,” ông Boris Pistorius khẳng định trong chuyến thăm Vilnius hôm 26/6 nhưng không đưa ra mốc thời gian.

Tuy nhiên, ông nói rằng cơ sở hạ tầng cần thiết phải được đặt ra như một điều kiện tiên quyết. Trước đây, Berlin cho biết Lithuania sẽ mất nhiều năm để cung cấp doanh trại, khu nhà ở cho các gia đình quân nhân, kho chứa hàng và khu huấn luyện.

“Chúng tôi đồng ý rằng lữ đoàn sẽ phát triển từng bước khi cơ sở hạ tầng được thiết lập,” ông Pistorius nói, đồng thời cho biết thêm rằng việc triển khai như vậy không thể hoàn thành trong vòng “vài tháng”.

Bộ trưởng Quốc phòng Đức nhấn mạnh việc triển khai cũng phải tương thích với các kế hoạch khu vực của NATO mà trong đó nêu chi tiết cách tổ chức này sẽ phản ứng trước một cuộc tấn công của Nga.

Tổng thống Lithuania Gitanas Nausea cho biết ông đang đặt mục tiêu xây dựng cơ sở hạ tầng vào năm 2026.

“Chúng tôi đang đơn giản hóa các thủ tục... để có thể hoàn thành việc xây dựng cơ sở hạ tầng vào năm 2026,” ông nói.

Đức đã lãnh đạo nhóm tác chiến đa quốc gia của NATO ở Lithuania, một tiểu đoàn được tăng cường có khoảng 1.000 quân.

Ngoài ra, một lữ đoàn Đức đang sẵn sàng ở Đức để nhanh chóng tăng viện cho quân đội ở Lithuania nếu cần. Tuy nhiên, Vilnius từ lâu đã yêu cầu sự hiện diện thường trực của một lữ đoàn Đức đầy đủ.

Ông Pistorius và Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã tới Lithuania để tham dự một cuộc tập trận kiểm tra khả năng tăng cường nhanh chóng của nhóm chiến đấu NATO do Đức lãnh đạo hiện nay với quy mô của một lữ đoàn, một kịch bản sẽ được thi hành trong trường hợp căng thẳng gia tăng hoặc xung đột với Nga.

Ông Stoltenberg hoan nghênh loan báo của Đức nhưng từ chối lời kêu gọi tăng cường quân đội ngay lập tức dọc theo sườn phía đông của liên minh để đối phó với cuộc binh biến ở Nga.

“Mọi chuyện không phải chỉ là ở sự hiện diện, mà là khả năng đưa ra những cảnh báo và chỉ dẫn sớm, sau đó phản ứng nhanh chóng nếu có nhu cầu – và cuộc tập trận này thể hiện chính xác điều đó,” ông nói.

Các nhà lãnh đạo NATO sẽ gặp nhau trong một hội nghị thượng đỉnh ở Vilnius vào ngày 11 và 12 tháng 7.

Trong một diễn biến khác liên quan tới Ukraine, Hoa Kỳ dự định sớm nhất là ngày 27/6 sẽ loan báo một gói viện trợ quân sự mới cho Ukraine trị giá lên tới 500 triệu đô la, giữ quyết tâm của Hoa Kỳ giúp Ukraine chống lại Nga.

Hai quan chức Mỹ cho biết gói hỗ trợ sẽ bao gồm các xe trên bộ khi Ukraine tăng cường phản công. Dự kiến sẽ có 30 xe chiến đấu Bradley và 25 xe bọc thép chở quân Stryker, một trong các quan chức cho biết.

Là một phần của gói viện trợ, Ukraine sẽ nhận được đạn cho Hệ thống Rốc-két Pháo binh Cơ động Cao (HIMARS), vũ khí chống tăng bao gồm Javelin và đạn cho hệ thống phòng không Patriot và Stinger, theo các quan chức giấu tên.

Gói này vẫn đang được hoàn thiện và có thể thay đổi, họ nói.

Gói này sẽ được tài trợ bằng cách sử dụng Thẩm quyền Rút tiền của Tổng thống, cho phép tổng thống chuyển các vật phẩm và dịch vụ từ kho hàng của Hoa Kỳ mà không cần sự chấp thuận của quốc hội trong trường hợp khẩn cấp. Vật liệu sẽ đến từ hàng tồn kho dư thừa của Hoa Kỳ.

Gói hỗ trợ an ninh lần này sẽ là gói hỗ trợ thứ 41 được Hoa Kỳ chấp thuận cho Ukraine kể từ cuộc xâm lược của Nga vào tháng 2 năm 2022, với tổng trị giá hơn 40 tỷ đô la.

Diễn đàn

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG