Đường dẫn truy cập

Ukraine đang thảo luận với đồng minh các thỏa thuận an ninh gì?


Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, trái, Thủ tướng Anh Rishi Sunak, giữa, và Tổng thống Mỹ Joe Biden, phải, tại Hội nghị Thượng đỉnh NATO ở Vilnius, Lithuania, ngày 12/7/2023.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, trái, Thủ tướng Anh Rishi Sunak, giữa, và Tổng thống Mỹ Joe Biden, phải, tại Hội nghị Thượng đỉnh NATO ở Vilnius, Lithuania, ngày 12/7/2023.

Ukraine đã đàm phán với một nhóm ngày càng nhiều các nước hầu đạt các thỏa thuận song phương về các cam kết an ninh trong khi cố gắng đạt được mục tiêu chiến lược là trở thành thành viên NATO và gây sức ép để đảm bảo sự hỗ trợ của nước ngoài chống lại cuộc xâm lược của Nga.

Những gì đang được thảo luận?

Nhóm G7 đã ký tuyên bố chung tại hội nghị thượng đỉnh NATO ở Vilnius vào tháng 7 năm ngoái, cam kết thiết lập “các cam kết và thỏa thuận an ninh lâu dài” với Ukraine vốn sẽ được đàm phán song phương.

Các thỏa thuận này sẽ cam kết tiếp tục cung cấp viện trợ quân sự và an ninh, hỗ trợ phát triển cơ sở công nghiệp quốc phòng Ukraine, đào tạo binh lính Ukraine, chia sẻ và hợp tác tình báo cũng như hỗ trợ phòng thủ mạng.

Các bên cũng sẽ ngay lập tức tổ chức tham vấn với Ukraine để xác định “các bước tiếp theo thích hợp” trong trường hợp xảy ra “một cuộc tấn công vũ trang của Nga trong tương lai”.

Hơn 30 quốc gia đã ký tuyên bố này.

Đây có phải là sự thay thế cho tư cách thành viên NATO không?

Kyiv nói rằng các thỏa thuận phải bao gồm các cam kết an ninh quan trọng và cụ thể, nhưng các thỏa thuận này sẽ không thay thế được mục tiêu chiến lược của nước này là gia nhập NATO.

NATO coi bất kỳ cuộc tấn công nào vào một trong 31 thành viên của tổ chức là tấn công vào tất cả các nước theo Điều 5 của hiệp định.

Ông Ihor Zhovkva, cố vấn đối ngoại của tổng thống Ukraine, nói: “Đã có suy đoán rằng bằng cách ký kết đủ các thỏa thuận này, chúng tôi không cần tư cách thành viên. Sai. Chúng tôi cần tư cách thành viên NATO”.

Những nước nào đã ký thỏa thuận?

Vào tháng 1 năm nay, Anh đã trở thành quốc gia đầu tiên ký một trong các thỏa thuận an ninh với Ukraine có thời hạn 10 năm, thời điểm mà Kyiv hy vọng sẽ gia nhập NATO.

London cho biết thỏa thuận này đã chính thức hóa một loạt hỗ trợ mà Anh “đã và sẽ tiếp tục cung cấp an ninh cho Ukraine, bao gồm chia sẻ thông tin tình báo, an ninh mạng, huấn luyện y tế và quân sự cũng như hợp tác công nghiệp quốc phòng”.

Theo thỏa thuận, Anh cam kết tổ chức tham vấn với Kyiv trong vòng 24 giờ nếu Ukraine phải đối mặt với một cuộc tấn công vũ trang của Nga trong tương lai và sẽ cung cấp hỗ trợ an ninh “nhanh chóng và bền vững”. London sẽ cung cấp “thiết bị quân sự hiện đại trên tất cả các lĩnh vực khi cần thiết và hỗ trợ kinh tế; áp đặt các chế tài kinh tế và các chế tài khác đối với Nga”, thỏa thuận nói.

Ông Zhovkva cho biết cũng có những bổ sung trong thỏa thuận của Anh chưa được công khai.

“Ngoài ra còn có những phần bổ sung cho thỏa thuận, là những điều tối mật. Trong những phần bổ sung này, chúng tôi xác định phạm vi cụ thể, những điều cụ thể, những lĩnh vực cụ thể. Và, rất tiếc, những điều này sẽ không được công chúng hoặc kẻ xâm lược biết đến, nhưng sẽ được thực hiện.”

Nước nào khác sẽ ký thỏa thuận?

Ukraine đã tổ chức ít nhất hai vòng đàm phán về các thỏa thuận với tất cả các nước G7, ông Zhovkva cho biết. Ông nói thêm, hơn 10 quốc gia đang trong giai đoạn đàm phán tích cực hoặc có khả năng bắt đầu sớm. Các quốc gia bổ sung bao gồm Hà Lan, Romania, Ba Lan và Đan Mạch.

Pháp và Đức mong muốn sớm đạt được các cam kết an ninh với Ukraine.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron dự kiến sẽ hoàn tất thỏa thuận cam kết an ninh song phương tại Ukraine trong tháng này, nhưng ông đã hoãn chuyến đi vì lý do an ninh. Hiệp định sẽ phác thảo khuôn khổ viện trợ nhân đạo và tài chính dài hạn, hỗ trợ tái thiết và viện trợ quân sự.

Tuy nhiên, họ sẽ không cung cấp các cam kết tài chính cụ thể về việc cung cấp vũ khí vì Paris sẽ cần phải quay lại quốc hội để phê duyệt. Thay vào đó, ông Macron sẽ đưa ra thông báo trước công chúng và cho biết Pháp sẽ gửi nguồn cung cấp phi đạn không đối đất và phi đạn hành trình tầm xa thường xuyên.

Ukraine muốn gì từ các thỏa thuận?

Ông Zhovkva của Ukraine chỉ ra điều khoản “rất quan trọng” trong thỏa thuận với Anh mà theo đó các cuộc tham vấn có thể được tổ chức trong vòng 24 giờ để cung cấp viện trợ nhanh chóng và lâu dài.

Ông nói, điều này vượt xa Bản ghi nhớ Budapest năm 1994, theo đó Ukraine được Anh, Nga và Mỹ cung cấp “sự đảm bảo” an ninh để đổi lấy việc từ bỏ vũ khí hạt nhân khỏi lãnh thổ của mình.

Ông Zhovkva cho rằng Ukraine không cần phải vội vàng đạt được thỏa thuận. Ông nói: “Tôi không cần 10 hoặc 15 thỏa thuận được ký kết trong vòng một tuần. Thay vào đó, tôi sẽ có 10 hoặc 15 thỏa thuận tương tự như vậy được cân nhắc kỹ lưỡng, được đàm phán tốt và có những dấu hiệu cụ thể về sự hỗ trợ đa dạng và lâu dài dành cho Ukraine”.

Diễn đàn

Liên quan

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG