Đường dẫn truy cập

Trải nghiệm của những ‘nhân viên tuyến đầu’ sau ngày chích vaccine Covid


Các nhân viên y tế là những người đầu tiên được tiêm vaccine Covid-19 ở Mỹ
Các nhân viên y tế là những người đầu tiên được tiêm vaccine Covid-19 ở Mỹ

Một y tá gốc Việt làm việc nơi tuyến đầu ở Mỹ được tiêm chủng Covid-19 nói với VOA rằng anh vẫn phải tuân thủ các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm như trước trong khi nột bác sỹ nói ông 'chờ đợi niềm vui này trong gần 1 năm qua.

Trong chiến dịch huy động lớn nhất kể từ Đệ nhị Thế chiến, nước Mỹ triển khai tiêm chủng ngừa virus corona bắt đầu từ giữa tháng 12 với hai vaccine đã được cấp phép khẩn cấp của Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) của các hãng Pfizer-BioNTech và Moderna.

Chỉ tính riêng trong tuần rồi, có hơn 128.000 người ở nước Mỹ được tiêm mũi đầu tiên của vaccine Pfizer-BioNTech, theo tường thuật của tờ New York Times.

Đối tượng được tiêm vaccine đầu tiên là những nhân viên y tế trên tuyến đầu tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân Covid-19 và cư dân cao tuổi ở các viện dưỡng lão – những đối tượng có nguy cơ cao nhất trước đại dịch.

‘Hơi đau nhức’

Tại San Jose, bang California, tâm chấn hiện tại của dịch Covid ở Mỹ, anh Nguyễn Kiên Dũng, một y tá làm việc tại bệnh viện Kaiser, vừa được chích vaccine vào tối ngày 21/12. Bệnh viện nơi anh làm đã chữa trị cho rất nhiều bệnh nhân Covid trong thời gian qua.

Trao đổi với VOA sau hơn 8 giờ được tiêm vaccine – khoảng thời gian để các tác dụng phụ của vaccine phát tác nếu có – anh Dũng nói anh ‘thấy hơi nhói’ ở chỗ vai được chích.

“Chích xong người ta biểu mình ngồi đó chờ khoảng chừng 15 phút để coi có gì không thì không có gì hết. Sau hai tiếng thì hơi đau đau một chút,” anh Dũng nói và so sánh cơn đau này giống như sau khi được chích ngừa cảm cúm.

“Chưa biết có phản ứng phụ gì không nhưng trong người hệt mệt mỏi nhưng có lẽ đó là do hổm rày tôi đi làm nhiều, ngủ ít,” anh nói thêm và cho biết anh ‘phải chăm sóc cho bệnh nhân Covid rất nhiều’.

Trong đợt chích đầu tiên ở bệnh viện, không chỉ có bác sỹ, y tá, các nhân viên phòng thí nghiệm mà ngay cả những người dọn phòng bệnh đều được chích, cũng theo lời anh Dũng. Tuy nhiên, việc tiêm vaccine là ‘tự nguyện chứ không bắt buộc’.

Trước khi được tiêm, anh nói các chuyên gia cũng có xuống nói chuyện và giải thích ‘phải sau 3 tháng từ ngày chích thì cơ thể mới tạo ra kháng thể’ và lúc đó ‘vaccine mới có hiệu nghiệm’. Ba tuần nữa, anh Dũng và các đồng nghiệp sẽ được tiêm mũi thứ hai.

Những tác dụng phụ được cảnh báo là ‘nhức đầu, thân nhiệt cao, ói mửa’, anh nói thêm và lưu ý rằng các vaccine Covid chỉ mới được FDA cấp phép sử dụng khẩn cấp trong tình hình đại dịch chứ ‘vẫn chưa được phê chuẩn’.

Theo lời anh Dũng thì mặc dù đã được tiêm vaccine, anh ‘không hề lơi lỏng các biện pháp phòng ngừa khi tiếp xúc bệnh nhân Covid’.

“Thậm chí mình có chích đủ hai liều đi chăng nữa thì mình vẫn phải mang khẩu trang N95 khi gặp bệnh nhân Covid và phải mang tấm chắn chứ không phải vaccine ngăn ngừa hết được,” anh nói.

Theo anh giải thích thì mục đích của việc tiêm vaccine là ‘ngăn chặn virus corona phát tán thêm’ bằng cách ‘ngăn nó thâm nhập vào cơ thể và nếu có thâm nhập thì ngăn không cho nó lây cho người khác’.

Dù sao, việc được tiêm vaccine làm anh ‘cảm thấy yên tâm hơn một chút’ vì các trang thiết bị bảo hộ y tế của Mỹ ‘không che kín hết cơ thể khi làm việc’. Theo lời anh thì khi làm việc hiện nay anh đeo vào đến bốn lớp bảo vệ: khẩu trang N95, mặt nạ phẫu thuật, tấm chắn và cuối cùng là quấn thêm một chiếc khăn nữa ‘giống như đạo Hồi’.

Anh cho biết nhờ anh rất cẩn thận mà trong suốt thời gian qua khi anh chăm sóc cho bệnh nhân Covid kể từ mùa Xuân anh không hề bị nhiễm trong khi có một số đồng nghiệp đã mắc bệnh, trong đó có một nữ y tá phải nhập viện vì bệnh nặng.

Là người đầu tiên trong gia đình được tiêm vaccine Covid, anh Dũng nói mẹ anh hiện trên 70 tuổi nhưng muốn được chích thì phải chờ đến lượt theo trình tự.

“Tôi có bà chị bên Việt Nam hôm qua mới gọi qua hỏi làm sao giúp con bả đang du học ở bang Maryland được chích sớm,” anh kể. “Tôi nói với bả là bên này là Mỹ chứ đâu phải Việt Nam đút tiền vô là được chích đâu. Mọi việc phải theo trình tự hết.”

‘Một ngày vui’

Trong khi đó, ngày 18 tháng 12 là 'một ngày vui' của bác sỹ Nguyễn Đặng Lam Sơn. Ông cùng các đồng nghiệp của mình ở ngoại ô thủ đô Washington nhận được thông báo đi chích mũi vaccine Covid đầu tiên của Pfizer-BioNtech giành cho các nhân viên y tế tuyến đầu.

Đây là mũi vaccine mà ông đã chờ đợi suốt gần 1 năm qua kể từ khi đại dịch Covid – 19 bùng phát tại Mỹ. Bác sỹ Lam Sơn hy vọng đây sẽ là 'hồi kết cho tất cả những gì đã xảy ra trong gần 1 năm qua.'

“Có thể nói là quá vui. Bởi trong suốt 9 – 10 tháng qua trong mùa dịch bệnh thì tôi đã khám cho quá nhiều bệnh nhân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh này. Và những người bạn của tôi làm việc trong bệnh viện thì cũng đã kể nhiều câu chuyện về những người qua đời vì Covid.” Theo lời bác sỹ Lam Sơn.

Bác sỹ này nói cả hai loại vaccine đều có hiệu quả cao, với tỉ lệ là 95 và 94,1%. Riêng ông cũng đã có những tìm hiểu cẩn thận về vaccine của Pfizer-BioNtech trước khi cá nhân mình được chích mũi đầu tiên.

“Tin mừng của vaccine của Pfizer-BioNtech này là nó không dùng chất bảo quản nào hết. Người ta lấy mảng di truyền của Covid và bao trong một cái màng mỡ và cái màng mỡ này sẽ không ra phản ứng dị ứng nhiều.”

‘Vaccine an toàn’

Từ thành phố Pomona, miền Nam California, một bác sỹ gốc Việt nói với VOA ông đã được bệnh viện nơi ông làm việc kêu chích vaccine từ ngày hôm kia nhưng ông quyết định không chích.

“Các bác sỹ và y tế trong bệnh viện đã được chích gần hết. Người nào chích cũng ổn hết. Cả bệnh viện không ai có triệu chứng hết,” người bác sỹ này nói với VOA với điều kiện ẩn danh.

Lý do mà vị bác sỹ này đưa ra để chọn không tiêm vaccine là ông ‘muốn cơ thể phát triển miễn dịch tự nhiên thay vì đưa một vật thể ngoại lai vào người’ và ‘lo ngại tác dụng của vaccine trước một biến chủng mới của virus corona vừa xuất hiện ở nước Anh’.

Tuy nhiên, ông kêu gọi tất cả mọi người ‘đều đi chích hết’ vì vaccine, theo lời ông, ‘rất an toàn’.

Ông cũng cảnh báo những người đã được chích vaccine không nên chủ quan mà vẫn phải tuân thủ các khuyến cáo phòng dịch vì ‘không biết kháng thể kéo dài bao lâu, có thể 1, 2, 6 tháng hay 1 năm’. “Vẫn có người bệnh khỏi rồi nhưng vẫn mắc bệnh lại,” ông giải thích.

“Quan trọng nhất là phải đeo khẩu trang, đứng cách xa, rửa tay, tránh tụ tập đông người, ăn uống đầy đủ, uống nước nhiều, ngủ đầy đủ, uống thêm vitamin, giữ vững tinh thần và đầy đủ sức khỏe để chống lại bệnh tật,” vị bác sỹ khuyên.

Trong tuần đầu tiên tiêm chủng, hãng Pfizer đã chuyển giao 2.9 triệu liều vaccine cho các địa điểm trên khắp nước Mỹ, theo Wall Street Journal. Tuy nhiên, do yêu cầu hậu cần phức tạp là cần tủ đông ở nhiệt độ cực thấp để trữ vaccine mà nhiều bệnh viện và cơ sở dưỡng lão ở những vùng nông thôn vẫn chưa thể được phân phối vaccine.

Tuy nhiên, với việc FDA cấp phép cho vaccine của Moderna, vốn cũng cần được trữ lạnh nhưng chỉ cần những tủ lạnh y khoa tiêu chuẩn là đáp ứng được, hồi tuần trước, những nơi đang chờ có vaccine cũng sắp sửa được nhận.

Trong tuần này, chính quyền liên bang có kế hoạch vận chuyển 5,9 triệu liều vaccine của Moderna và hai triệu liều của Pfizer, cũng theo Wall Street Journal.

Tiếp sau các nhân viên y tế tuyến đầu và cư dân viện dưỡng lão sẽ tới các nhân viên y tế khác, nhân viên làm việc trong các lĩnh vực thiết yếu như cảnh sát, siêu thị… và người cao tuổi sẽ là đối tượng được ưu tiên.

VOA Express

XS
SM
MD
LG