Đường dẫn truy cập

Thượng đỉnh Trump-Kim: Trung Quốc được lợi nhiều nhất?


Truyền thông Nhà nước Bắc Triều Tiên mô tả cuộc gặp thượng đỉnh Trump-Kim là 'thắng lợi lớn' cho nước này
Truyền thông Nhà nước Bắc Triều Tiên mô tả cuộc gặp thượng đỉnh Trump-Kim là 'thắng lợi lớn' cho nước này

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã cam kết với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đúng như những gì mà Trung Quốc mong muốn nhất tại cuộc gặp Thượng đỉnh hôm 12/6 vừa qua ở Singapore, các báo Mỹ dẫn lời các nhà bình luận nhận định.

Sau cuộc họp với ông Kim, ông Trump bày tỏ ý muốn đình chỉ các cuộc tập trận Mỹ-Hàn đúng như những gì mà phía Bắc Kinh đòi hỏi trước đó. Ông cũng công bố công khai rằng ông muốn rút quân ra khỏi Hàn Quốc mà nếu điều này thành hiện thực thì đó là lợi ích to lớn mà Trung Quốc không thể ngờ đến. Ông cũng giúp cho chế độ của Triều Tiên tính chính danh – mở đầu một quá trình lâu dài mà Bắc Kinh sẽ là nước có vai trò chủ chốt với nhiều đòn bẩy lớn với cả hai miền Triều Tiên.

Hãng tin Bloomberg đưa dòng tít: “Trung Quốc đã có tất cả những gì họ muốn tại cuộc gặp của Trump với Kim”, còn tờ Washington Post thì giật tít: “Kẻ chiến thắng lớn nhất trong thượng đỉnh Trump-Kim là Trung Quốc”.

“Trong giấc mơ hoang đường nhất của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, có lẽ ông cũng không hình dung ra một kết quả tốt hơn nữa của cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Trump với nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un, ít nhất là trên các vấn đề liên quan đến lợi ích của Bắc Kinh,” tờ Washington Post viết.

“Ông Trump muốn dùng cách mô tả là kẻ thắng và người thua, và ông Tập Cận Bình dường như là người thắng lớn nhất sau cuộc gặp thượng đỉnh Trump-Kim lịch sử,” bà Theresa Fallon, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Nga châu Âu châu Á, được Washington Post dẫn lời nói.

Theo tờ báo này thì chỉ mới mấy tháng trước đây quan hệ giữa Bắc Kinh và Bình Nhưỡng còn trở ngại. Nhưng ông Tập và ông Kim đã hàn gắn những khác biệt, cùng phối hợp chiến lược và giờ đây, nhờ vào ông Trump, họ đã đạt được kết quả mong muốn từ cuộc gặp thượng đỉnh.

Trong khi đó, những nhượng bộ của ông Trump có nguy cơ đẩy đồng minh ra xa, phá hoại vị thế chiến lược của Mỹ ở Đông Á và làm theo khung chiến lược đối ngoại mong muốn của Trung Quốc.

Washington Post nhận định thỏa thuận mà Trump và Kim đạt được ở Singapore về thực chất là ‘đóng băng đổi lấy đóng băng’ mà Bắc Kinh đã đưa ra ngay từ đầu.

“Làm xói mòn lòng tin vào các liên minh của Mỹ là chiến thắng chiến lược của ông Tập Cận Bình,” bà Fallon nói. “Bắc Kinh mong muốn ‘đóng băng đổi lấy đóng băng’ và không có tập trận chung nữa, và điều đó đúng là những gì mà Trump đã tuyên bố mà gần như là không đổi lại lợi ích gì cho Mỹ.”

Ông Trump không chỉ muốn ngưng các cuộc tập trận Mỹ-Hàn. Ông còn sử dụng đúng những ngôn từ của Bắc Kinh và Bình Nhưỡng đã sử dụng để lên án các cuộc tập trận này mà Washington từng nói là cần thiết cho việc sẵn sàng chiến đấu và tính răn đe.

“Chúng ta sẽ dừng các trò chơi chiến tranh,” ông Trump nói tại cuộc họp báo hôm thứ Ba ngày 12/6. “Chúng ta sẽ tiết kiệm được một số tiền khổng lồ. Thêm nữa, các cuộc tập trận còn hết sức khiêu khích,” ông nói thêm.

Hãng tin Reuters nhận định rằng với việc gọi các cuộc tập trận chung của Mỹ với Hàn Quốc là ‘hết sức khiêu khích’, ông Trump đã khiến cho các đồng minh của ông ở Seoul và Tokyo vốn dựa vào liên minh quân sự với Mỹ để đảm bảo an ninh cho mình cảm thấy lo lắng.

Cũng tại cuộc họp báo sau thượng đỉnh, ông Trump đã thừa nhận công khai rằng ông muốn rút toàn bộ quân đội Mỹ ra khỏi Hàn Quốc. Ông từng nói về điều này rất lâu trước đây. Nhưng giờ đây, ông nói rằng ông mong muốn sẽ đưa vấn đề giảm quân số Mỹ vào trong các cuộc thương thảo với Bình Nhưỡng.

“Tôi muốn đưa binh sỹ của chúng ta trở về nước. Hiện giờ chúng ta có 32.000 quân đóng ở Hàn Quốc,” ông nói. “Hiện giờ đó chưa phải là một phần trong vấn đề Triều Tiên. Vào một lúc nào đó, tôi hy vọng nó sẽ được đưa vào nghị trình.”

Ông Trump cũng cho Bắc Kinh một thắng lợi nữa trong nỗ lực của nước này muốn phá hoại chiến dịch ‘sức ép tối đa’ mà Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản phối hợp lên Triều Tiên. Ông Trump nói rằng ông không chỉ hoãn lại việc áp đặt những lệnh cấm vận mới lên Triều Tiên mà còn thừa nhận rằng Bắc Kinh không nghiêm túc thực thi các lệnh cấm vận.

“Chủ tịch Tập của Trung Quốc đã thực sự đóng cửa biên giới, nhưng có lẽ là nới lỏng hơn một chút trong những tháng vừa qua, nhưng điều đó cũng không sao,” ông Trump nói.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 12/6 đã kêu gọi nới lỏng các lệnh cấm vận nhắm vào Triều Tiên để tạo thiện chí từ cuộc gặp thượng đỉnh Trump-Kim. Bắc Kinh hài lòng đồng ý với Trump rằng cuộc gặp thượng đỉnh chỉ cần diễn ra là đã thành công.

“Việc nhà lãnh đạo hai nước có thể ngồi lại cùng với nhau và có cuộc nói chuyện bình đẳng đã có ý nghĩa rất lớn. Điều này tạo ra một chương mới trong lịch sử, và Bắc Kinh đương nhiên là hoan nghênh và ủng hộ kết quả đó bởi vì đó là mục tiêu mà chúng tôi đã hy vọng và hướng đến” Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị ra thông cáo cho biết.

Một thắng lợi nữa cho Trung Quốc là Tổng thống Trump đã khiến cho quan hệ đồng minh với Mỹ và Hàn Quốc trở nên rối loạn.

“Vào lúc này, ý nghĩa và dự định của những tuyên bố của Tổng thống Trump cần phải được hiểu rõ thêm,” phát ngôn nhân phủ Tổng thống Hàn Quốc tuyên bố hôm 12/6.

Ông Trump nói ông dựa vào trực giác của mình và ông tin rằng ông Kim ‘nghiêm túc về vấn đề phi hạt nhân hóa’.

“Tôi nghĩ rằng ông ấy (Kim Jong-un) sẽ thực hiện những việc đó. Có thể tôi đã sai. Tôi có thể đứng trước quý vị trong sáu tháng tới và nói rằng tôi đã sai,” ông Trump nói. “Tôi không biết là liệu tôi sẽ thừa nhận như vậy hay không, nhưng tôi sẽ tìm một cách bào chữa nào đó.”

Bài xã luận của Washington Post cho rằng ‘đặt niềm tin mù quáng vào sự thành thật của Triều Tiên không phải là cơ sở chắc chắn để đánh mất vị thế chiến lược của Mỹ ở châu Á, đặt nghi vấn về các mối quan hệ đồng minh và dỡ bỏ áp lực đối với Bắc Triều Tiên.

“Nếu mục tiêu chiến lược của Bắc Kinh là làm suy yếu vị thế của Mỹ trong khu vực thì ông Trump đã làm công việc đó cho họ một cách rất tốt,” tờ Washington Post nhận định.

Cùng chung nhận định với Washington Post, Bloomberg cho rằng ông Tập Cận Bình ‘không nghi ngờ gì nữa là người chiến thắng lớn nhất’ sau cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều do những gì mà ông Trump đưa ra đích thị là những gì mà lâu nay Bắc Kinh vẫn đòi hỏi.

Do Bình Nhưỡng đã chấm dứt các thử nghiệm tên lửa và hạt nhân, việc Mỹ ngừng tập trận với Hàn Quốc chính là mô hình ‘đóng băng đổi lấy đóng băng’ mà lâu nay Bắc Kinh vẫn kêu gọi.

“Ngoại giao của ông Trump đã gửi đi thông điệp sai lầm đến Trung Quốc, Triều Tiên và Nga,” ông Malcolm Davis, một nhà phân tích cao cấp tại Viện Chính sách Chiến lược Úc, được Bloomberg dẫn lời nói. “Nếu nước Mỹ sẵn sàng hứa hẹn với một nhà độc tài tàn bạo, thì liệu ông ấy đáng tin được như thế nào trong việc duy trì các cam kết đối với các đồng minh?”

Cả Chính phủ Mỹ lẫn Hàn Quốc đều không thể xác nhận là Chính quyền ông Trump đã cảnh báo cho Tổng thống Moon Jae-in trước về việc Mỹ sẽ ngừng tập trận.

Nhật Bản, đồng minh chính của Mỹ trong khu vực, chẳng đạt được gì cả. Ông Kim không hứa hẹn gì về vấn đề công dân Nhật bị Bình Nhưỡng bắt cóc và ông ta cũng không đưa ra hạn chế nào đối với các chương trình tên lửa đạn đạo.

Ông Trump đã nhiều lần nhắc đi nhắc lại rằng cuộc gặp thượng đỉnh giữa ông với ông Kim chỉ là khởi đầu của một quá trình và rằng Hoa Kỳ sẽ không nới lỏng sức ép đối với Triều Tiên cho đến khi họ đạt được mục tiêu về phi hạt nhân hóa hoàn toàn, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược.

Nhưng điều đó lại không hề được đề cập trong tuyên bố chung do hai ông Trump và Kim ký kết và không có khung thời gian nào được đưa ra để Bình Nhưỡng cuối cùng từ bỏ vũ khí hạt nhân.

“Nếu mục tiêu là bắt đầu tháo dỡ các liên minh Mỹ-Nhật và Mỹ-Hàn thì đây là cách bắt đầu quá trình,” Bloomberg dẫn lời ông Evans Revere, một nhà cựu ngoại giao Mỹ ở Hàn Quốc, nhận định. “Mỹ đã đưa ra những nhượng bộ lớn – trong đó có bản thân cuộc gặp thượng đỉnh và việc chấm dứt tập trận phòng vệ - để đổi lấy cái dường như là lời hứa mơ hồ và không xác định từ phía nhà lãnh đạo Triều Tiên.”

Triều Tiên cũng được cho là bên thắng lợi tại cuộc gặp thượng đỉnh này với việc ông Kim Jong-un nhận được lời hứa từ phía ông Donald Trump là sẽ tiến tới dỡ bỏ các lệnh trừng phạt trong khi các cam kết của ông về phi hạt nhân hóa lại thiếu những chi tiết cụ thể.

Hãng tin Reuters dẫn lời ông Brad Glosserman, giáo sư thỉnh giảng tại Đại học Tama của Nhật, nói: “Ông Kim muốn có cơ hội chụp hình chung, ông ấy đã có, ông ấy cũng nhận được lời mời đến thăm Nhà Trắng. Ông ấy có cánh cửa mở ra để tiến đến việc giảm nhẹ các lệnh trừng phạt. Sẽ không có ai gây sức ép với Bình Nhưỡng nữa. Tất cả mọi thứ mà Bắc Triều Tiên mong muốn. Tôi không thấy có bất lợi nào đối với họ cả.”

Trung Quốc cũng đã nhanh chóng kêu gọi điều chỉnh lại các lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Quốc nếu như Bình Nhưỡng đã xử sự đàng hoàng.

Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng được Reuters dẫn lời nói tại một cuộc họp báo thường kỳ rằng theo các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc nếu Triều Tiên tuân thủ và hành động trong khuôn khổ nghị quyết thì các biện pháp trừng phạt có thể được điều chỉnh, bao gồm tạm dừng hay dỡ bỏ.

Tờ Hoàn cầu Thời báo viết trong một bài xã luận rằng “đã đến lúc xem xét các biện pháp giảm trừng phạt Triều Tiên một cách phù hợp.”

Trong một bài bình luận trên tờ The Hill, ông Chuck Downs, cựu phó giám đốc các vấn đề khu vực và quan hệ với quốc hội của Văn phòng chính sách Đông Á của Ngũ Giác Đài, nhận định rằng ông Kim Jong-un đã “đem về nhiều thắng lợi” sau cuộc gặp tại Singapore.

Ông Downs cho rằng ông Kim đã đưa ra cam kết phi hạt nhân hóa hoàn toàn để đổi lại những đảm bảo về an ninh. Ông Trump nhắc lại các lời hứa của Tổng thống Donald Trump như ‘ngừng tập trận, hướng đến giảm quân đội đóng ở Hàn Quốc và có thể thay đổi việc triển khai các máy bay ném bom ở đảo Guam’.

“Không có nhượng bộ nào trên đây là nhỏ cả,” ông Downs nói. Nhưng chưa hết, phía Mỹ còn cam kết những biện pháp dẫn đến việc thúc đẩy nền kinh tế Triều Tiên và giúp cho chế độ của họ thịnh vượng với một số các lện trừng phạt sẽ được tháo dỡ khi quá trình phi hạt nhân hóa diễn ra.

“Trong cuộc họp báo của Tổng thống Trump ở Singapore, ông ấy nói rằng quá trình phi hạt nhân hóa của Triều Tiên sẽ là một quá trình dài hơi. Triều Tiên lâu nay vẫn liên tục cho thấy họ lợi dụng thời gian (kéo dài) để thúc đẩy năng lực hạt nhân, tên lửa và năng lực mạng trong khi sự quan tâm của thế giới chuyển đến nơi khác,” ông Downs viết.

Ông Downs cũng nhận định ông Kim Jong-un biết rằng các cuộc thảo luận (với Mỹ) sẽ giúp tăng cường sức mạnh chính trị của ông ở trong nước vào lúc ông ấy đang yếu thế. “Các thỏa thuận ở Singapore sẽ khiến cho người dân Triều Tiên cảm nhận rằng ông Kim Jong-un không thể bị tổn thương gì ở trong nước và sẽ chuyển hướng chú ý ra khỏi các khó khăn kinh tế và chính trị trầm trọng của đất nước.”

“Đúng. Thỏa thuận ngày hôm nay chắc chắn là mang tính lịch sử, nhưng nó không thay đổi bản chất của chế độ Triều Tiên. Thay vào đó, nó lại giúp đảm bảo duy trì sự sống còn cho chế độ đó.”

Tuy nhiên, ông Trump bác bỏ việc Mỹ là bên thua trong cuộc gặp này. “Chúng tôi không từ bỏ cái gì cả,” ông nói. “Cuộc gặp hoàn toàn tốt cho Mỹ cũng như cho Triều Tiên.”

Vài giờ sau khi cuộc gặp thượng đỉnh diễn ra, ông Trump đã lên Twitter để phản bác lại sự đả kích của truyền thông và bảo vệ những gì ông đạt được tại cuộc gặp với ông Kim Jong-un.

“Việc tôi đi gặp thượng đỉnh là một thất bại lớn đối với Mỹ, bọn thù ghét và bọn thua cuộc nói,” ông Trump viết trên dòng tweet.

“Chúng ta đã nhận về con tin của chúng ta, và các cuộc thử nghiệm, nghiên cứu và phóng hỏa tiễn đã chấm dứt, và những kẻ học giả này, những kẻ đã cho tôi là sai lầm ngay từ đầu, không còn có thể nói gì thêm! Chúng ta sẽ ổn thôi!”

Trong một bài phân tích trên trạng mạng news.com.au của Úc, tác giả Malcolm Farr nhận định rằng ‘không nên coi nhẹ thành tích của ông Trump trên hồ sơ Triều Tiên nhưng cũng không nên thổi phồng quá mức”.

“Ông ấy đã trở thành Tổng thống Mỹ đầu tiên ngồi vào bàn đàm phán với một nhà lãnh đạo Triều Tiên sau khi đã một loạt những hành động mạnh mẽ về cấm vận kinh tế và trả đũa quân sự,” bài phân tích viết.

“Hơn nữa, ông ấy đã định hình lại mối quan hệ giữa Mỹ với Triều Tiên với sự ủng hộ ngầm của Trung Quốc đằng sau hậu trường và với sự hậu thuẫn của Hàn Quốc.”

Về phần mình, Seoul cho rằng việc ngừng tập trận chung với Mỹ “có lẽ cần thiết để xúc tiến các cuộc đàm phán về việc phi hạt nhân hóa của Triều Tiên”, hãng tin Yonhap của Hàn Quốc dẫn thông cáo báo chí của Phủ Tổng thống nước này cho biết.

Phản ứng sau cuộc gặp thượng đỉnh, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe hoan nghênh việc ông Trump nói trong một cuộc họp báo rằng ông đã nêu vấn đề các công dân Nhật bị bắt cóc với nhà lãnh đạo Bình Nhưỡng mặc dù trong văn kiện được ông Trump và ông Kim ký kết không hề có dòng nào nhắc đến vấn đề này, theo Reuters.

Trong một cuộc thăm dò dư luận do Reuters/Ipsos tiến hành hôm thứ Tư ngày 13/6, trên một nửa người dân Mỹ (51%) cho biết họ tán thành cách ông Trump xử lý vấn đề Triều Tiên nhưng chỉ có một phần tư nghĩ rằng cuộc gặp thượng đỉnh ở Singapore sẽ dẫn đến việc phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.

Có 40% số người được hỏi cho biết họ không tin rằng các bên sẽ giữ đúng cam kết đưa ra tại cuộc gặp so với 26% tin là Triều Tiên và Mỹ sẽ giữ lời. Số còn lại phân vân.

Về nguy cơ cuộc chiến tranh hạt nhân giữa hai nước, 39% cho rằng cuộc gặp thượng đỉnh đã giúp hạ nhiệt nguy cơ này trong khi 37% nói rằng họ không tin cuộc gặp này sẽ thay đổi gì cả.

Cuộc thăm dò đã vấn ý của hơn 1.000 người trưởng thành thuộc hai xu hướng chính trị là Dân chủ và Cộng hòa. Kết quả cho thấy các cử tri Dân chủ đánh giá thấp thành tích của ông chủ Nhà Trắng. Chỉ có 30% nói họ ủng hộ cách ông Trump xử lý vấn đề Triều Tiên.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG