Đường dẫn truy cập

Tàu chiến Mỹ, Úc, Nhật tập trận chung ở Biển Đông bất chấp Bắc Kinh


Tàu khu trục mang phi đạn dẫn đường USS John Finn và tàu chiến USS Gabrielle Giffords đã thực hiện các hoạt động với các tàu hải quân từ Nhật Bản và Úc hôm 7/2 và 8/2/2024
Tàu khu trục mang phi đạn dẫn đường USS John Finn và tàu chiến USS Gabrielle Giffords đã thực hiện các hoạt động với các tàu hải quân từ Nhật Bản và Úc hôm 7/2 và 8/2/2024

Các tàu chiến của Hoa Kỳ, Úc và Nhật Bản đã tổ chức các cuộc tập trận chung ở Biển Đông bất chấp Bắc Kinh, nước tuyên bố chủ quyền gần như toàn bộ tuyến đường thủy chiến lược này.

Hạm đội 7 của Hoa Kỳ giám sát hầu hết các hoạt động của Hải quân Hoa Kỳ trong khu vực cho biết tàu khu trục mang phi đạn dẫn đường USS John Finn và tàu chiến USS Gabrielle Giffords đã thực hiện các hoạt động với các tàu hải quân từ Nhật Bản và Úc hôm 7/2 và 8/2.

Không có thông tin nào về việc liệu các cuộc tập trận có được tiến hành gần các đảo và bãi cạn mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền hay không. Trung Quốc đã xây dựng căn cứ quân sự trên ít nhất bảy hòn đảo bằng cách đổ bê tông và cát lên trên các đảo san hô. Bắc Kinh phản đối mạnh mẽ các hoạt động hải quân nước ngoài trong khu vực, nói rằng các ghi chép lịch sử chứng minh khu vực này thuộc về Trung Quốc.

Mỗi năm, ước tính có khoảng 5 nghìn tỷ đô la thương mại quốc tế đi qua Biển Đông, nơi cũng chứa trữ lượng cá và tài nguyên khoáng sản dưới nước quan trọng.

Hoa Kỳ không có quan điểm chính thức về chủ quyền trong khu vực nhưng bác bỏ các yêu sách của Trung Quốc, một phần dựa trên phán quyết năm 2016 của tòa án do Liên hiệp quốc hậu thuẫn ở The Hague. Bộ Quốc phòng Trung Quốc chưa lên tiếng bình luận về cuộc tập trận vừa kể.

Trung Tá Hải quân Earvin Taylor, sĩ quan chỉ huy của chiếc John Finn, nói trong một tuyên bố từ Hạm đội 7: “Cuộc hải hành này củng cố mối quan hệ của chúng tôi giữa các đồng minh Hoa Kỳ, Nhật Bản và Úc”. Ông nói thêm “Chúng tôi thúc đẩy tính minh bạch, pháp quyền, tự do hàng hải và tất cả các nguyên tắc nhấn mạnh an ninh và thịnh vượng ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.”

Phó đề đốc Úc Jonathan Ley cho biết trong tuyên bố rằng việc triển khai như vậy là “rất quan trọng để tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau và khả năng hoạt động cùng nhau của chúng tôi”.

Mỹ, Úc và Nhật Bản cũng hoạt động cùng nhau trong một liên minh chiến lược được gọi là Bộ tứ, bao gồm cả Ấn Độ, một đối thủ của Trung Quốc ở châu Á.

Bộ Tứ thường xuyên cáo buộc Trung Quốc phô trương sức mạnh quân sự ở Biển Đông và thúc đẩy mạnh mẽ các yêu sách lãnh thổ trên biển.

Bắc Kinh khẳng định rằng quân đội của họ hoàn toàn mang tính phòng thủ và bảo vệ quyền chủ quyền của mình, đồng thời gọi Bộ tứ là nỗ lực nhằm kiềm chế sự tăng trưởng kinh tế và ảnh hưởng của Bắc Kinh.

Hải quân của bốn nước thường xuyên tổ chức các cuộc tập trận được coi là một phần trong sáng kiến nhằm chống lại sự quyết đoán ngày càng tăng của Trung Quốc ở Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương và các vùng biển xung quanh Đài Loan. Trung Quốc và Nhật Bản cũng tuyên bố quyền sở hữu độc quyền đối với một nhóm đảo không có người ở trên Biển Hoa Đông do Tokyo kiểm soát, với việc Trung Quốc thường xuyên cử tàu và máy bay đến khu vực này.

Trung Quốc áp dụng chiến thuật tương tự với Đài Loan, một đảo tự trị theo chế độ cộng hòa với 23 triệu dân mà Bắc Kinh tuyên bố là lãnh thổ của mình. Bắc Kinh nói sẽ chinh phục Đài Loan bằng vũ lực nếu cần thiết. Bộ Quốc phòng Đài Loan hôm 8/2 cho biết họ đã phát hiện 4 tàu Trung Quốc hoạt động trong khu vực, và như thường lệ, họ đã nâng cấp an ninh trước Tết Nguyên đán.

Diễn đàn

Liên quan

XS
SM
MD
LG