Đài truyền hình Syria nói quân đội quốc gia đã khởi sự các cuộc hành quân hôm thứ Sáu để gọi là “vãn hồi an ninh” tại thành phố Jisr al-Shughour ở Bắc Syria, gần biên giới Thổ nhĩ kỳ.
Đài truyền hình nhà nước nói quân đội Syria đã có hành động nhằm chiếm lại quyền kiểm soát thành phố này, theo yêu cầu của các cư dân, mà theo bản tin của nhà nước Syria, đề nghị quân đội bắt giữ “các băng đảng vũ trang” mà chính phủ nói là đã sát hại 120 nhân viên an ninh hồi đầu tuần này.
Trước đó, cư dân tại thành phố này nói rằng các binh sĩ trung thành với chính quyền Syria đã tấn công các binh sĩ đào ngũ, hoặc từ chối không chịu nổ súng vào thường dân, sau một cuộc tuần hành ủng hộ dân chủ tại thành phố này hồi tuần trước.
Những người mục kích nói rằng binh sĩ và xe tăng đã tập hợp bên ngoài thành phố hôm qua. Nhưng các thành phần hoạt động cho biết là đa số trong 50.000 cư dân ở Jisr al-Shughour đã bỏ chạy, nhiều người sang Thổ Nhĩ Kỳ, trước khi cuộc hành quân bắt đầu.
Trong khi đó, nhiều nhà hoạt động đòi dân chủ kêu gọi tổ chức thêm các cuộc biểu tình trong ngày hôm nay, chống lại chính quyền của Tổng Thống Bashar al-Assad.
Các nhóm bênh vực nhân quyền nói rằng có ít nhất 1.100 người đã bị sát hại và hơn 10.000 người bị bắt giữ trong cuộc đàn áp do chính phủ Syria khởi sự từ tháng Ba.
Tại Genève, Hội Chữ Thập Đỏ kêu gọi Syria hãy cho phép họ thực sự được tiếp cận những người bị thương hoặc bị bắt giữ.
Cũng trong ngày hôm nay, Thổ nhĩ kỳ Recep Tayyip Erdogan cho biết ông đã hội đàm với nhà lãnh đạo Syria trong mấy ngày qua, và hối thúc ông hãy cải tổ chính phủ.
Ông Erdogan mô tả cuộc đàn áp tại Syria là “không thể chấp nhận được”, và nói rằng cách thức lực lượng Syria xử lý với xác chết của những phụ nữ bị sát hại là một hành động “tàn bạo.”
Tại Brussells, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Robert Gates nói tất cả mọi người nên quan tâm về vụ “thảm sát những người vô tội” tại Syria.
Ngoại trưởng Thổ nhĩ kỳ Ahmet Davutoglu hôm qua nói rằng hơn 2.500 người Syria đã chạy vào Thổ Nhĩ Kỳ, và nước ông không có ý định đóng cửa biên giới.
Làn sóng người chạy nạn dã khiến các giới chức Thổ Nhĩ Kỳ phải lập ra 3 trại tạm trú để đối phó với cuộc khủng hoảng này.
Cư dân nói hàng ngàn người khác đã chạy đến những ngôi làng kế cận bên trong Syria, và đang chuẩn bị băng biên giới sang Thổ Nhĩ Kỳ, bất cứ lúc nào.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1