Đường dẫn truy cập

Israel-Palestine tiếp tục thương thuyết dù vẫn còn thách thức


Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas có thể không đồng ý với nhau về hầu hết những gì đang diễn tiến tại các cuộc thương thuyết nhưng giới phân tích thời cuộc cho rằng hai bên có chung một điều, là cả đôi bên đều trong tình trạng chính trị bấp bênh.

Báo chí tại Israel và các vùng lãnh thổ của người Palestine không cho thấy có mấy hy vọng rằng các cuộc thương thuyết này sẽ đạt được điều mà các nỗ lực tìm hòa bình kéo dài nhiều thập niên đã không đạt được.

Tại những nơi khác thì báo chí tỏ ra lạc quan rằng các cuộc thảo luận ít nhất đã kéo dài được sang đến ngày thứ nhì.

Nhận thức rằng cả hai nhà lãnh đạo này đều đang thương thuyết trong tư thế yếu càng làm cho người ta ngờ vực, khó tin là các cuộc thảo luận sẽ đạt được kết quả.

Thủ tướng Benjamin Netahyahu đang phải chịu áp lực của liên minh cánh hữu không muốn nhượng bộ trong việc xây các khu định cư của người Do Thái tại vùng Bờ Tây mà Israel chiếm của người Ả Rập.

Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas đã ở lại chức vụ quá thời hạn và không đại diện cho giải Gaza, nơi có đến hơn 1 triệu cư dân Palestine.

Nhà phân tích Rami Nasrallah, đứng đầu Trung Tâm Hợp Tác và Hòa Bình Quốc Tế, IPCC, tại Jerusalem, nói rằng ông Abbas không thể rút lại lời đe dọa sẽ bỏ họp nếu như Israel không chịu triển hạn thêm lệnh ngưng xây cất một phần các khu định cư. Lệnh này sẽ hết hạn vào ngày 26 tháng 9. Ông nói:

“Nỗi lo ngại lớn nhất của Tổng thống Abbas là một quốc gia Palestine với thực thể đường biên giới sẽ không thể nào hình thành được nếu Israel cứ tiếp tục mở rộng các khu định cư. Đó là lý do tại sao ông lo ngại cuộc thương thuyết này sẽ thất bại, vì thất bại trong thương thuyết mang ý nghĩa trực tiếp là ông sẽ mất tính hợp pháp."

Người Israel và người Palestine khác biệt với nhau trong vấn đề là liệu có nên có một quốc gia Palestine hay không hoặc là liệu Israel có nên giải tán các khu định cư ở Bờ Tây hay không. Nhưng dân chúng thuộc cả đôi bên đều đồng ý rằng cần phải có hòa bình và họ phải sống chung với nhau.

Một cư dân Palestine trong thành phố Hebron ở bờ Tây, một điểm nóng thường xuyên xảy ra căng thẳng giữa người Ả Rập và người Do Thái , sống ở bên kia hàng rào thép gai của khu định cư Do Thái Kiryat Arba.

Ông hồi tưởng lại thời yên bình hơn trước đây khi mà ông và dân trong khu định cư Kiryat Arba sống hòa hợp với nhau. Nhưng ông cho biết khi bắt đầu có đổ máu giữa người Israel và người Palestine thì những mối tương quan đã thoái hóa.

Một cư dân Do Thái trong khu định cư Beit Haggai ở gần đó cho biết là bà muốn được trở lại những ngày mà người Do Thái và Ả Rập đến mua hàng tại các cửa hàng của nhau và sống mà không phải lo sợ.

Bà nói là khi ngồi trong chiếc xe có kính đá ném không vỡ để khỏi bị vỡ đầu, và có thể thấy người Ả Rập đi bộ bên lề đường mà không phải sợ hãi, bà cũng thèm muốn được làm như họ. Bà muốn được sống trong một khu vực an ninh mà không phải nơm nớp lo sợ bị bắn hay bị ném đá cho đến chết.

Nhà phân tích Rami Nasrallah nói rằng ông sẽ rất ngạc nhiên nếu như hai nhà lãnh đạo của đôi bên đạt được bất kỳ một thỏa thuận nào đó. Ông cho biết đối với người Palestine một thỏa thuận chỉ có ý nghĩa khi nào nó cho họ quyền tự quyết. Ông nói:

"Ngày nay điều quan trọng hơn là có những quyền tập thể, quyền quốc gia, thay vì tương tác. Có thể về sau này, tương tác và giao tiếp sẽ dễ dàng hơn nhiều,khi đã có được hòa bình toàn diện giữa hai cộng đồng, trên căn bản bình đẳng hơn - nhưng không phải dưới sự chiếm đóng - giữa cộng đồng người Ả Rập tại Ðông Jerusalem với cộng đồng của người Do Thái “

Bất kể điều mà ông cho là nhược điểm chính trị của cả giới lãnh đạo Palestine và Israel, ông Nasrallah cho là vẫn có những điểm lạc quan nhờ vai trò tiên phong mà Hoa Kỳ đang đảm nhận.

Theo ông thì sự thành công của tiến trình hòa bình có thể phải tùy thuộc vào nỗ lực của Hoa Kỳ để thúc đẩy đôi bên tiến tới một thỏa thuận.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG