Đường dẫn truy cập

Pháp: Người Do Thái, Hồi Giáo bàng hoàng sau vụ nổ súng ở Toulouse


Chính phủ Pháp đã nâng mức độ báo động khủng bố tại vùng Toulouse lên đến mức cao nhất
Chính phủ Pháp đã nâng mức độ báo động khủng bố tại vùng Toulouse lên đến mức cao nhất

Sau những vụ nổ súng tại miền nam nước Pháp, người Do Thái và người Hồi Giáo đang cố định thần với biến cố kinh khiếp đã làm rúng động cộng đồng của họ.

Tại khu vực đông bắc Paris, bà Lea Chicheportiche, mẹ của 5 đứa con nói là những sự kiện này gây nên những lo ngại. Bà tin kẻ giết người là một tên kỳ thị chủng tộc vì anh ta bắn chết cả người Hồi Giáo lẫn người Do Thái.

Thời điểm các vụ tấn công

  • Chủ Nhật 11 tháng 3: Trung sĩ nhảy dù Imad Ibn Ziaten, 30 tuổi, bị bắn chết tại một khu dân cư thành phố Toulouse. Cảnh sát tin rằng người bắn ông đã tìm ra ông qua một quảng cáo bán một chiếc xe gắn máy. Quảng cáo nói ông là một quân nhân.
  • Thứ Năm 15 tháng 3: Hạ sĩ Abel Chennouf, 25 tuổi, và binh nhì Mohamed Legouad, 26 tuổi, đều bị bắn chết bởi một người đàn ông đi xe gắn máy, bên ngoài trại quân của họ tại Montauban, phía bắc Toulouse. Một quân nhân khác, Loic Liber, cũng bị thương nặng trong vụ tấn công.
  • Thứ Hai 19 tháng 3: Giáo sĩ Do Thái Jonathan Sandler, một giáo viên 30 tuổi, bị bắn chết cùng hai con trai nhỏ--Arieh, 5 tuổi, và Gabriel, 4 tuổi--tại trường học Do Thái Ozar Hatorah tại Toulouse. Bé Myriam Monsonego, 7 tuổi, con gái hiệu trưởng trường này, cũng bị bắn chết. Cả 4 người có song tịch Pháp và Israel. Một thiếu niên 17 tuổi không nêu tên cũng bị thương nặng trong vụ tấn công.
  • Thứ Tư 21 tháng 3: Hai cảnh sát viên bị thương khi định xông vào căn hộ tại Toulouse của nghi can Mohamed Merah, 24 tuổi.

Những vụ giết hại này làm rúng động cả nước. Chính phủ Pháp đã nâng mức độ báo động khủng bố tại vùng Toulouse lên đến mức cao nhất. Tổng thống Nicolas Sarkozy ngưng một thời gian ngắn chiến dịch vận động tranh cử Tổng thống, giống như một số đối thủ của ông. An ninh được thắt chặt chung quanh các nhà thờ và trường học.

Tổng thống Sarkozy cũng gặp đại diện cộng đồng Hồi Giáo và Do Thái. Phát biểu với các phóng viên sau cuộc gặp, Tổng thống Sarkozy nói quốc gia cần phải đoàn kết-không nhường bước trước bạo động hay những thành kiến. Ông nói Pháp không thể đối đầu với những sự kiện như vậy trừ phi có sự đoàn kết quốc gia, và đất nước đang mắc nợ các nạn nhân.

Như các nơi khác trên toàn nước Pháp, người dân tại Paris đang tìm hiểu vụ giết hại khủng khiếp này.

Giáo sĩ Do Thái giáo Mendel Azimov quen với những gia đình các nạn nhân. Ông nói:

“Đây không chỉ là một vấn đề của cộng đồng, đây không chỉ là vấn đề tôn giáo mà là một vấn đề quốc tế. Gia đình nào, trẻ em nào cũng rất xúc động về việc này. Và chúng tôi hy vọng công lý sẽ được thi hành như Tổng thống Sarkozy đã hứa.”

Vụ nổ súng đã gây nên một đám mây u ám bao trùm mùa bầu cử vốn đã bị khuấy động bằng những lời trao đổi gay gắt về di trú và tôn giáo, đặc biệt là những đối nghịch về lễ nghi giết gia súc của người Do Thái và người Hồi Giáo.

Một số người tin những sự kiện khủng khiếp vừa qua sẽ mang hai cộng đồng gần lại nhau hơn. Tuy nhiên theo ông Victor Levy, chủ một cửa hàng bán dụng cụ văn phòng, thì điều này không chắc chắn lắm.

Ông Levy không tin những vụ nổ súng này sẽ giúp người Hồi Giáo và người Do Thái tại Pháp đoàn kết lại, mà chỉ làm tăng thêm nghi ngờ giữa hai cộng đồng.

Người Hồi Giáo và người Do Thái từ lâu đã là láng giềng với nhau tại khu vực nhiều màu sắc, bụi bặm tại Paris được biết dưới tên quận 19. Những cửa hàng thịt của người Hồi Giáo có tên là Halal và cửa hàng bán thịt nướng lụi Kabob tranh nhau mời chào khách hàng cùng với những siêu thị Kosher của người Do Thái và những tiệm bánh nướng truyền thống Pháp.

Nhiều người Hồi Giáo và người Do Thái đến từ Bắc Phi. Tuy nhiên đã có những căng thẳng kéo dài từ nhiều năm nay, thường là phản ánh những gì xảy ra tại Trung Đông xa xôi. Những người trẻ Hồi Giáo thỉnh thoảng đụng độ với người trẻ Do Thái lân cận.

Ông Levy nói dù có căng thẳng, hai cộng đồng cũng thân thiện với nhau. Ông là người Do Thái, và một người bạn tốt của ông là người Hồi Giáo Iraq. Tuy nhiên ông lo ngại những sự kiện tại Toulouse có thể làm cho các sự việc nóng lên.

Giáo sĩ Azimov chú trọng đến việc hàn gắn những sứt mẻ:

“Chúng tôi có một truyền thống đặc biệt là một khi có những chuyện không hay xảy ra, bạn cần có thêm sự tử tế, lòng tốt và cầu nguyện... chúng tôi có tin là một khi có ánh sáng, bóng tối sẽ biến mất.”

Các nhà lãnh đạo Hồi Giáo và Do Thái tại Pháp định tổ chức một cuộc tuần hành tưởng niệm những nạn nhân ở Toulouse. Họ nói cuộc tuần hành này không có ý nghĩa gì cả trừ khi hai bên cùng cộng tác tổ chức.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG