Đường dẫn truy cập

Người trẻ hải ngoại với những hành trình y tế giúp người nghèo tại VN


Các tình nguyện viên trẻ của Project Vietnam
Các tình nguyện viên trẻ của Project Vietnam

Project Vietnam hằng năm tổ chức những chuyến đi nhân đạo về Việt Nam để khám chữa bệnh, phẫu thuật, cấp thuốc miễn phí cho người nghèo.

Chương trình này đến với các bạn khi tiết xuân vẫn còn vương vấn. Mùa xuân là mùa để tôn vinh cái đẹp, vẻ đẹp của muôn hoa giao hoà với đất trời và con người. Và câu chuyện hôm nay của chúng ta sẽ được dành để nói về những nét đẹp tâm hồn, những tấm lòng nhân ái của thế hệ trẻ gốc Việt tại Mỹ đã vượt ngàn dặm đường lặn lội tìm tới những vùng quê xa xôi hẻo lánh tại Việt Nam để chăm sóc sức khoẻ cho những người bất hạnh. Đó là các tình nguyện viên trẻ tuổi rất tích cực trong các hoạt động của Project Vietnam, một tổ chức bất vụ lợi có trụ sở tại bang California, Hoa Kỳ.

Được thành lập từ năm 1996, Project Vietnam hằng năm đều đặn tổ chức những chuyến đi nhân đạo về Việt Nam để khám chữa bệnh, phẫu thuật, cấp thuốc miễn phí cho người nghèo, hướng dẫn, huấn luyện, cũng như cung cấp thiết bị y tế và hỗ trợ kỹ thuật cho các y bác sĩ trong nước. Mỗi năm Project Vietnam tổ chức hai chuyến công tác y tế thiện nguyện về Việt Nam vào cuối tháng 2 và tháng 10. Kể từ năm 2007, tổ chức này tăng cường thêm chuyến đi vào đầu tháng 7 gọi là trại hè, dành cho các bạn trẻ đang còn bận đi học không tham gia hai chuyến đi đầu năm và cuối năm thì có thể tranh thủ kỳ nghỉ hè để cùng Project Vietnam về nước thực hiện sứ mạng nhân đạo.

Trong số các tình nguyện viên của Project Vietnam có rất đông người trẻ gốc Việt sinh trưởng tại Mỹ, thuộc hay không thuộc ngành y.

Nữ bác sĩ trẻ
Nữ bác sĩ trẻ

Chị Võ Thị Yến Phượng, cư ngụ tại thành phố Houston, tiểu bang Texas, đã tham gia các chuyến đi y tế nhân đạo của Project Vietnam gần 4 năm nay, dù là một người ngoài ngành y. Chị cho biết trong các chuyến đi này, chị cùng nhiều tình nguyện viên khác hỗ trợ cho các y bác sĩ rất nhiều việc, từ khâu sắp xếp, tổ chức, phát thẻ khám bệnh, phân phối thuốc, đến làm thông ngôn cho bệnh nhân, vì trong đoàn có những bác sĩ người nước ngoài, hoặc những bác sĩ trẻ gốc Việt nhưng do sinh trửơng tại Mỹ nên không rành tiếng Việt. Chị Phượng nói rằng mỗi chuyến đi của Project Vietnam kéo dài từ 1 đến 2 tuần, nhưng lịch làm việc thì vô cùng bận bịu. Vì phải thu xếp ghé qua rất nhiều nơi, nên mỗi địa điểm, đoàn chỉ dừng chân được một hai ngày.

Chị Phượng kể lại:

“Trong hai lần mình đã tham gia, mình đi phía Bắc nhiều, như Nghệ Tĩnh, Nghệ An..v..v, những nơi xa thành phố. Đoàn đến khám chữa bệnh, phẫu thuật cho ngừơi nghèo tại các nhà thương, rồi đi thăm các côi nhi viện, các làng nghèo để khám bệnh cho ngừơi lớn và trẻ em. Sau này, các anh chị đi về phía miền Tây của Việt Nam.”

Còn chị Nguyễn Thị Mai, ở New York, gắn bó với Project Vietnam từ năm 2004 tới nay, thì cho biết:

“Mình thì đi ra Vinh, Huế, Rạch Giá, Hà Tiên. Mỗi chuyến đi rất nhiều nơi. Phái đoàn cố gắng đến đựơc càng nhiều nơi càng tốt. Mình có theo nhóm bác sĩ ra Vinh để huấn luyện cho các bác sĩ khác.”

Bệnh nhân và thân nhân đang đợi được khám bệnh, lãnh thuốc, lãnh quà
Bệnh nhân và thân nhân đang đợi được khám bệnh, lãnh thuốc, lãnh quà

Chị Đỗ Nguyễn Phương Khanh, cư dân của tiểu bang Texas, đến với các hoạt động của Project Vietnam từ tháng 11/2008, cho hay đoàn công tác của Project Vietnam thường được chia làm nhiều nhóm, lo các nhiệm vụ chính như giải phẫu, khám chữa bệnh, huấn luyện y bác sĩ, cứu trợ thiên tai, hay xây sửa trường học..v..v..

Chị Khanh chia sẻ cảm nghĩ về các chuyến đi này:

“Thật sự mỗi chuyến đi đều có cảm nhận khác nhau. Những em bé và các cụ già rất đáng thương. Thay vì số tiền mình về Việt Nam đi du lịch, thì đi như thế này cũng là du lịch, nhưng là một chuyến du lịch rất hữu ích, mình đi được vô tận lòng dân, giúp đỡ những người nghèo, đến những nơi mà mình không bao giờ nghĩ là sẽ có cơ hội đến như vậy.”

Còn chị Yến Phượng nói rằng tham gia các chuyến công tác nhân đạo của Project Vietnam mang lại cho chị rất nhiều niềm vui:

“Khi đi như vậy không chỉ vui là vì tình đồng hương về giúp đồng bào Việt Nam, mà mình còn được về thăm xứ sở của mình, và còn tìm được những người bạn đồng chí hướng với mình. Những chuyến đi này mang lại rất nhiều niềm vui và ngạc nhiên cho nhiều người.”

Nhắc lại những dấu ấn khó quên trong các chuyến công tác với Project Vietnam, chị Mai thuật lại:

“Tụi em phải có mặt ở đó là 8 giờ, khi mình tới, họ đã ngồi đợi sẵn rất đông. Có trường hợp vì quá đông, tụi em phải chia số người ra và đóng cổng vào. Có nhiều người phải trèo lên cổng, đi ngõ trước, ngõ sau, thấy rất thương tâm.”

Tương lai của đất nước
Tương lai của đất nước

Vẫn nói về những vui buồn trong các chuyến đi thiện nguyện này, tình nguyện viên Phương Khanh cho biết chị cảm thấy tiếc rằng không phải bệnh nhân nghèo nào cũng được tạo điều kiện để được tiếp cận với sự chăm sóc y tế nhân đạo của Project Vietnam:

“Có một cái trăn trở, nhiều khi mình cảm thấy hơi bực vì mình biết là có một số dân nghèo không được mình khám. Dĩ nhiên mình hiểu đoàn về khám được cho 2/3 dân nghèo là cũng mừng lắm rồi. Còn 1/3 còn lại phải bắt buộc khám cho 'người của họ', không thuộc vào diện dân nghèo mà mình muốn khám, vì mỗi lần phát phiếu khám bệnh thì mình phải qua chính quyền thị xã mới tiếp cận được với dân.”

Dược sĩ Lý Bá Anh đang hành nghề tại Nam California, tham gia với Project Vietnam được 2 năm nay, hy vọng ngày sẽ càng có nhiều ngừơi trẻ góp sức với các hoạt động của Project Vietnam, vì những ý nghĩa to lớn mà nó mang lại không những cho những người được giúp đỡ, mà còn cho chính những người biết san sẻ, cảm thông với những hoàn cảnh kém may mắn hơn mình. Dược sĩ Anh nói:

“Các bạn có thời gian nên trở về Việt Nam để giúp đỡ ngừơi nghèo. Vì một chút thời gian của mình mà giúp được nhiều người nên rất vui trong lòng. Ở Việt Nam mình nhiều người nghèo, không có cơ hội đựơc khám bệnh và được phát thuốc, mình giúp người ta thấy người ta vui thì mình cũng vui lây. Đúng là cực nhưng rất vui.”

Tham gia những sứ mạng y tế nhân đạo của Project Vietnam, các bạn trẻ không nhất thiết phải cần có những kiến thức chuyên môn trong ngành y, mà chỉ cần có một trái tim nhân ái, một tấm lòng thiện nguyện, và một tinh thần phục vụ xã hội. Chỉ bấy nhiêu thôi là bạn đã đóng góp một phần không nhỏ, giúp thay đổi số phận của rất nhiều người. Đó cũng là thông điệp mà các thành viên của Project Vietnam nhắn gửi Tạp chí Thanh Niên chuyển đến các bạn nghe đài hôm nay.

Đã tới lúc Tạp chí Thanh Niên phải nói lời chia tay với các bạn rồi. Hẹn gặp lại quý vị và các bạn trong một chủ đề mới, vào giờ này, tối thứ ba tuần sau. Trà Mi mong các bạn trẻ không quên điểm hẹn này trên làn sóng của đài VOA, các bạn nhé.

Đường dẫn liên quan

VOA Express

XS
SM
MD
LG