Đường dẫn truy cập

Project Vietnam tới VN trong sứ mạng đầu tiên của 2010


Các bác sĩ của Project Vietnam
Các bác sĩ của Project Vietnam

Phái đoàn y tế thiện nguyện Project Vietnam đã đến Bến Tre trong chuyến đi nhân đạo đầu tiên của năm 2010. Trong lịch trình dày đặc của một tuần làm việc tại Việt Nam, các chuyên gia y tế người Mỹ và người Mỹ gốc Việt chăm sóc sức khoẻ cho những người nghèo khó-bệnh tật, và biến ước mơ của họ trở thành hiện thực. Trà Mi có thêm chi tiết.

Đây là cuộc hành trình đầu tiên trong lịch trình làm việc của Project Vietnam trong năm, với 3 chuyến đi thường niên vào cuối tháng 2, cuối tháng 10, và đầu tháng 7. Khác với những chuyến đi trước thường kết hợp phẫu thuật sứt môi, hở hàm ếch, và mắt lát, lần này Project Vietnam chỉ thực hiện phẫu thuật chữa mắt lát và điểm dừng chân tập trung tại tỉnh Bến Tre. Phái đoàn gồm trên 80 thành viên, 2/3 là các y bác sĩ người nước ngoài. Số còn lại là các chuyên gia và tình nguyện viên gốc Việt định cư tại Hoa Kỳ.

Đoàn được chia thành 3 nhóm. Nhóm thứ nhất với 12 chuyên gia gồm các giáo sư của các đại học danh tiếng tại Mỹ, thuộc Hàn Lâm viện Nhi khoa Hoa Kỳ, có nhiệm vụ đến các bệnh viện ở Sài Gòn, Đà Nẵng, và Hà Nội để tập huấn cho các y bác sĩ tại đây. Toán thứ hai khoảng 50 người kể cả các bác sĩ, y tá, và tình nguyện viên, lo khâu khám chữa bệnh cho bà con nghèo tại các xã, huyện. Còn toán giải phẫu gồm 2 bác sĩ chuyên môn, 3 bác sĩ gây mê hồi sức, và hơn chục y tá trực chỉ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bến Tre và Bệnh viện Nhi đồng 2 để mổ cho những bệnh nhi bị mắt lát.

Tre già và măng non
Tre già và măng non

Bác sĩ Kiều Quang Chẩn, chuyên khoa gây mê-hồi sức nhi đồng, hiện hành nghề tại miền Nam tiểu bang California, Hoa Kỳ, là trưởng toán các chuyên viên phẫu thuật. Ông cũng là chồng của bác sĩ trưởng đoàn Quỳnh Kiều, người sáng lập ra Project Vietnam. Bác sĩ Chẩn cho biết thêm:

“Càng ngày chúng tôi càng chú trọng đến công tác tập huấn, vì nếu chúng tôi chữa trị cho bệnh nhân ở bất cứ tỉnh nào, chúng tôi làm hết năm này đến năm khác cũng không bao giờ hết. Cho nên chúng tôi muốn đào tạo để các bác sĩ địa phương có thể tự làm lấy được.”

Khi được hỏi về những cảm nhận trong chuyến đi lần này, bác sĩ Chẩn nhận xét:

“Mới đầu cũng hơi gặp khó khăn vì chính quyền cũng tương đối dè dặt, rất cẩn thận đối với những người Việt kiều và những người ngoại quốc. Sau khi thấy chúng tôi làm việc chỉ vì mục đích nhân đạo thì chính quyền cũng nới rộng ra, niềm nở hơn, và thân thiện hơn nhiều. Khi gặp đồng bào, chúng tôi rất cảm động.”

Bác sĩ Johnathan, chuyên khoa nhi tổng quát là một trong số các bác sĩ Mỹ góp mặt trong chuyến đi thiện nguyện lần này. Ông cho biết ông biết tới Project Việt Nam qua sự giới thiệu của một người bạn và đây là lần tham gia đầu tiên của ông với chương trình. Bác sĩ Johnathan nói nhiệm vụ chính của ông là khám bệnh, đến bệnh viện thăm bệnh nhân và thuyết trình về chuyên môn, huấn luyện cho các bác sĩ Việt Nam. Vẫn theo lời ông, mỗi ngày đoàn tiếp nhận đến 400 bệnh nhân, tuy bận bịu, nhưng ông cảm thấy rất vui, vì:

“Họ đang làm những công việc mà tôi rất muốn làm là cung cấp sự chăm sóc y tế trực tiếp cho bệnh nhân nghèo và tập huấn cho các y bác sĩ. Qua đó, tôi có thể đào tạo các bác sĩ bản xứ, giúp họ có ảnh hưởng lâu dài hơn đối với sức khoẻ của người dân Việt Nam. Những người bệnh nhân nghèo ở đây hầu hết bị bệnh lâu năm mà không có điều kiện đi khám chữa bệnh và không có tiền mua thuốc. Cho nên chúng tôi mang đến họ những sự giúp đỡ trong khả năng của mình.”

Nụ cười ban mai
Nụ cười ban mai

Anh Nguyễn Đức Hiển, một thanh niên trẻ đang công tác trong ngành du lịch ở Sài Gòn, biết đến Project Vietnam qua sự giới thiệu của người thân. Trong thời gian Project Vietnam có mặt tại Bến Tre, anh Hiển đã tạm gác công việc của mình qua một bên để về đây góp sức với phái đoàn. Anh cho biết cảm nghĩ:

“Rất là vui mừng khi đựơc giúp đỡ những người nghèo. Mình là người Việt ở đây thông thạo phong tục, tạp quán, và địa lý nên mình góp sức hỗ trợ cho phái đoàn. Mình cũng có giới thiệu với bạn bè về Project Vietnam, và cảm thấy rất may mắn khi được tham gia với phái đoàn lần này.”

Chị Huỳnh Thị Mỹ Lệ ở xã Long Thới, huyện Chợ Lấp, tỉnh Bến Tre, có con gái nhỏ bị loạn đồng tử nói rằng gia đình chị cố dành dụm lắm mới có đủ tiền đưa con gái đi chữa mắt hồi năm 2004, nhưng không hết. Nhờ các soeur thông báo, chị đã tìm tới đây và con gái của chị vừa được các bác sĩ của Project Vietnam phẫu thuật chỉnh mắt. Chị nghẹn ngào chia sẻ:

“Em rất vui, em nghẹn ngào lắm. Em vừa báo cho mẹ và ông xã biết là con em được đi mổ mắt. Ở nhà hỏi làm gì có tiền đi mổ vì gia đình em cũng khó khăn lắm, em nói có một hội từ thiện ở nước ngoài về. Ai cũng mừng hết. Ông xã em mừng còn hơn trúng số nữa. Mổ ra con còn đau nhưng em cũng kêu nó mở mắt cho em coi thử vì nóng ruột quá. Giờ mắt nó chỉnh rồi, em vui lắm. Em ước nguyện phái đoàn này có thể về nhiều lần nữa để cho các bà mẹ và các em bé đồng cảnh ngộ cũng có được nỗi vui mừng và ngạc nhiên như em vậy.”

Bé Nguyễn Thị Mỹ Trâm, 8 tuổi, bị mắt lát từ nhỏ, vừa được các bác sĩ trong đoàn Project Vietnam phẫu thuật. Em vui mừng khoe rằng:

“Mắt con giờ sáng, nhìn rõ hơn. Con rất vui vì mổ xong con không bị lé nữa, các bạn sẽ không chê cười con nữa. Con cảm ơn các bác sĩ đã mổ cho con.”

Chuyến công tác nhân đạo lần này của Project Vietnam kết thúc vào ngày 5/3/2010. Project Vietnam là một tổ chức phi lợi nhuận được thành lập vào năm 1996, có trụ sở tại miền Nam bang California, Hoa Kỳ.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG