Đường dẫn truy cập

Kinh nghiệm của 1 bạn trẻ gốc Việt qua các chương trình tình nguyện


Đan Chi ở Phi Châu (với vết thương trên trán bắt đầu lành và 1 răng cửa giả sau tai nạn), 24/7/2010
Đan Chi ở Phi Châu (với vết thương trên trán bắt đầu lành và 1 răng cửa giả sau tai nạn), 24/7/2010

Đan Chi, một cô gái trẻ gốc Việt đang tham gia chương trình thiện nguyện về giáo dục, cùng lúc lại muốn theo đuổi một nghề nghiệp khác nữa ngoài lãnh vực sư phạm. Dường như những hoạt động đó chưa đủ để làm suy giảm bớt năng lực cuả cô gái trẻ này, Đan Chi còn tham gia một chương trình thiện nguyện khám bệnh, phát thuốc tại châu Phi trong mùa hè. Câu chuyện Nước Mỹ hôm nay mời quí vị theo dõi những hoạt động thiện nguyện, những kinh nghiệm và sự dấn thân của một cô gái có thể nói là tiêu biểu cho tinh thần phóng khoáng, lý tưởng và có đôi chút mạo hiểm của thế hệ trẻ tại nước Mỹ, nói lên sự hòa nhập của thế hệ người Việt thứ nhì vào giòng chính của quốc gia này, mặc dù vẫn giữ được tiếng mẹ đẻ.

Đan Chi, tốt nghiệp cử nhân về 2 bộ môn thần kinh và tâm lý năm 2008, dự tính học lên y khoa, nhưng vì còn trẻ và nhiều năng lực, cô muốn làm công việc thiện nguyện trước khi đi chuyên hẳn về một ngành nghề nào đó. Do vậy, thay vì thi để rồi xin vào trường y, cô tham gia chương trình "Teach For America", tình nguyện tham gia dạy học tại những nơi nghèo nhất nước Mỹ với mục đích làm sao để nâng cao trình độ học sinh tại những khu vực đó lên ngang với trình độ ở những nơi khác. Để làm công việc này cô phải được phỏng vấn và qua một khóa huấn luyện ráo riết trong 6 tuần lễ, làm việc từ sáng đến tối khuya, để vừa học hỏi về kỹ năng sư phạm vừa thực tập dạy tại trường.

Đan Chi mô tả ngôi trường mà cô được chương trình Teach for America gửi đến dạy:

"Trường con dạy chỉ mới có 5 năm nay, năm đầu tiên trường con là một trường kinh nhất ở vùng này. Chỉ có 11% học sinh đủ điểm thi toán, và chỉ có 6% đủ điểm thi viết luận văn. Con rất ngạc nhiên vì làm sao lại có một trường tệ như vậy, nhưng nhờ có ông hiệu trưởng rất hay, khi đến ông thay đổi hết, còn cải đổi được cả tính tình học trò để các em thương ông và nghe lời ông. Từ đó trường này là trường số một trong học khu."

Đan Chi đã hòan tất 2 năm cam kết dạy cho chương trình này. Trong 2 năm vừa dạy vừa học thêm, Đan Chi đã lấy được mảnh bằng cao học (thạc sỹ) về giáo dục. Tuy nhiên vì quyến luyến với học trò, Đan Chi chọn ở lại thêm 1 năm nữa dạy cho trường cấp hai Carl T. Smith tại Phoenix, bang Arizona. Cô giải thích lý do:

Đan Chi dán hình cầu thủ bóng rổ Kevin Duran trong lớp học như tấm gương của sự phấn đấu, khuyến khích tinh thần vươn lên của học trò
Đan Chi dán hình cầu thủ bóng rổ Kevin Duran trong lớp học như tấm gương của sự phấn đấu, khuyến khích tinh thần vươn lên của học trò

"Trường có những ông thầy, bà giáo kiên nhẫn, có ông hiệu trưởng kiên nhẫn, mình phải giữ như vậy. Nếu không giữ thì trường này sẽ bị băng đảng trở lại vì vùng nghèo này có rất nhiều học trò theo băng đảng làm mình phải lo. Từ khi ông hiệu trưởng tới đã thay đổi hết, không cho học trò ăn mặc theo kiểu băng đảng, biến nhà trường thành một chỗ đúng để học tập. Trước đây học trò đến trường chỉ phá, nghịch, làm cho các thầy cô phải khóc hoài. Nhưng bây giờ trường không phải như vậy nữa.

Học trò ở trường này dễ thương lắm, con chỉ muốn cố gắng làm sao giúp đỡ được cho các em có một đời sống đàng hoàng."


Vừa bận rộn dạy học, lại chuẩn bị cho một nghề nghiệp khác mà cô muốn theo đuổi sau này, kỳ nghỉ hè vừa rồi, cô còn ghi tên tham gia vào chương trình giúp đỡ cho các bệnh nhân bệnh AIDS ở Kenya và dạy học cho các em nhỏ ở quốc gia này với tổ chức có tên là Sadhili thông qua trung tâm giới thiệu các việc làm tình nguyện International Volunteer Headquarters, bất chấp điều kiện sinh hoạt ở đó quá thiếu thốn, kể cả vấn đề vệ sinh ở quốc gia châu Phi này.

Đan Chi kể lại những ấn tượng của cô về những phụ nữ chẳng may nhiễm HIV/AIDS và các em học sinh tại Kenya:

"Bên đó đàn bà bị HIV/AIDs nhiều gấp 5 lần nam giới. Mỗi bà lại có đến 5, 6 đứa con. Cũng có những đứa con bị lây bệnh AIDS. Nhưng mỗi bà vẫn cố gắng làm lụng, buôn bán, làm nữ trang. Cuộc đời cực như vậy mà vẫn cố gắng làm việc, thật là hay. Con cũng đi dạy học ở bên đó, chỉ dẫn cho các em về dinh dưỡng, về vệ sinh. Các em học trò bên đó rất dễ thương, chịu nghe lời, rất vui và quí thầy cô lắm. Con có cảm tưởng là học trò bên đó biết quí ông thầy bà giáo hơn là bên Mỹ!"

Trong thời gian ở Kenya, Đan Chi đã một lần bị xe đụng ngất xỉu, máu me bê bết, nhưng may cô được đưa vào bệnh viện kịp thời và thương tích không trầm trọng nên cô chỉ bị mấy vết thương trên trán và gãy mất một cái răng, trong lúc đó ở nhà cha mẹ không hề hay biết vì phương tiện thông tin hiếm hoi, cho đến khi cô khỏe khoắn trở lại mới gửi e-mail về nhà báo tin.

Mặc dù còn dạy học, phụ nữ trẻ 24 tuổi này đang nghĩ đến một ngành nghề mà cô sẽ theo đuổi trong tương lai, đó là ngành y, với mục đích đến phục vụ ở những vùng nghèo:

"Bên Mỹ đang thiếu những bác sỹ ở những vùng nghèo, nhất là ngành primary care (chăm sóc tuyến đầu), trong vòng 8 năm sẽ thiếu 45 ngàn bác sỹ về ngành này vì primary care kiếm không ra tiền như những ngành chuyên môn khác. Con thấy rõ là học trò lại rất cần có bác sỹ chăm sóc tuyến đầu. Đa số học trò con không có tiền để đi bác sỹ thường xuyên. Đó là điều con muốn thay đổi, và con nghĩ là bác sỹ đâu cần phải làm nhiều tiền quá mức, nếu muốn giúp đỡ những người trong các vùng nghèo thì mình nên làm."

Lối sống và cách suy nghĩ của cô giống như tuổi trẻ tại nước Mỹ, độc lập, dấn thân, lý tưởng. Vậy gia đình có ảnh hưởng gì đến việc hình thành cá tính hoặc những quyết định của cô hay không?

Bà Mai Phương, mẹ cô, cho biết:

"Mình và ông xã hồi còn trẻ cũng rất thích tham gia các hoạt động xã hội. Mình luôn luôn khuyến khích các cháu tham gia vào những hoạt động nào có thể đem lại những lợi ích cho xã hội, bởi vì có sự ủng hộ ngấm ngầm của bố mẹ như vậy, những đứa con của mình khi đi vào những chọn lựa như vậy thì bố mẹ không hề ngăn cản, thành ra cháu cứ việc phát triển, đi tới mà thôi."

Dĩ nhiên làm cha mẹ ai cũng lo lắng cho con, nhất là khi con đi xa, đến những chốn xa lạ, nơi bất cứ chuyện gì cũng có thể xảy ra, tuy nhiên bà Mai Phương nói rằng hai ông bà không hề ngăn cản con làm những chuyện tốt lành cho người khác, và bà cho biết các con bà luôn luôn được cha dạy dỗ theo tôn chỉ: sharing (chia xẻ), caring (ân cần, chăm sóc), loving (thương yêu) và forgiving (tha thứ) đối với mọi người.

Thân phụ cô Đan Chi từng là bác sỹ quân y thuộc binh chủng nhảy dù trong quân lực Việt Nam Cộng Hòa cũ. Sang tới Hoa Kỳ ông đã lấy được bằng bác sỹ y khoa Mỹ nhưng đã chuyển ngành sang medical computing (viết software cho bệnh viện). Hiện ông đã nghỉ hưu và cư ngụ tại Salt Lake City, bang Utah.

Đường dẫn liên quan

VOA Express

XS
SM
MD
LG