Đường dẫn truy cập

Internet: Mặt trận mới nhất giữa các phe phái chính trị Thái Lan


Chính quyền đang tiếp tục hù dọa những người sử dụng Internet nào tham gia những cuộc thảo luận bị đánh giá là “nhạy cảm chính trị”
Chính quyền đang tiếp tục hù dọa những người sử dụng Internet nào tham gia những cuộc thảo luận bị đánh giá là “nhạy cảm chính trị”

Chính phủ Thái Lan đang tìm cách đóng cửa các trang web hay chỉ trích chế độ quân chủ, nhưng chủ nhân các trang web nói rằng họ có nhiều cách khác để tiếng nói của họ được cất lên.

Internet đã trở thành bãi chiến trường mới giữa phe Áo Đỏ và Áo Vàng sau khi các cuộc biểu tình hồi tháng 5 bị truy quét với kết quả khoảng 90 người chết và hơn 1.400 người bị thương.

Nhưng cuộc chiến lại tiếp tục trên Internet.

Chính phủ đã sử dụng bộ luật Chống Tội Ác Trên Máy Tính và sắc lệnh về tình trạng khẩn cấp để đóng cửa các trang web ủng hộ phe Áo Đỏ. Khoảng 50.000 trang web loại này đã bị đóng.

Phát ngôn viên chính phủ Panitan Wattanaygorn bênh vực quyết định này:

“Tình hình dựa trên sắc lệnh về tình trạng khẩn cấp là một tình hình đặc biệt. Một mặt chính phủ vẫn muốn giữ tự do báo chí, nhưng một mặt cũng cần theo dõi những hoạt động tạo ra căng thẳng, đối đầu, hoặc đẩy người dân vào chỗ có thể đối đầu với nhau.”

Ông Chris Baker, một người am hiểu về tình hình Thái Lan nói các công nghệ mới rất khó kiểm soát:

“Trước đây, chính quyền có thể kiểm soát thật chặt các đài phát thanh phát hình và nói chung thì có thể gây ảnh hưởng lên báo chí. Nhưng bây giờ tình hình hoàn toàn thay đổi, vì đã có truyền hình giây cáp, truyền hình vệ tinh, chưa kể Internet.”

Bà Pinpaka Ngamson, Tổng biên tập của trang web Prachatai.com cũng đồng ý với nhận xét này:

“Bây giờ chúng tôi không còn thấy vất vả để đối phó với chuyện đóng cửa của chính quyền. Chúng tôi chỉ cần đổi máy chủ và sử dụng một địa chỉ khác rồi cứ thế mà tiếp tục.”

Các nhà bình luận Thái Lan đang yêu cầu chính phủ rút lại chuyện kiểm duyệt Internet, lý do điều đó sẽ làm quốc tế nghĩ rằng báo chí Thái Lan bây giờ ngày càng bớt tự do.

Dường như mối quan tâm đó đã được chính quyền lắng nghe phần nào, theo như lới của ông Panitan, phát ngôn viên chính phủ:

“Một mặt chúng tôi cố gắng điều tiết các sinh hoạt trên Internet để làm thế nào không hại đến lợi ích quốc gia nhưng mặt khác chúng tôi cũng muốn mở đối thoại với những ai quan tâm.”

Nhưng vẫn có nhiều nhóm bênh vực báo chí cho rằng chính quyền đang tiếp tục hù dọa những người sử dụng Internet nào tham gia những cuộc thảo luận bị đánh giá là “nhạy cảm chính trị.”

Có nhóm còn cảnh báo rằng đóng cửa các trang web sẽ phản tác dụng và khiến những người có trang web bị đóng cửa trở nên cực đoan hơn.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG