Đường dẫn truy cập

Ông Biden cảnh báo ông Tập sẽ có ‘hậu quả’ nếu ủng hộ Nga


Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 18/3/2022 gặp trực tuyến Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình về vấn đề Ukraine.
Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 18/3/2022 gặp trực tuyến Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình về vấn đề Ukraine.

Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 18/3 cảnh báo Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình rằng sẽ có ‘những hậu quả’ nếu Bắc Kinh ủng hộ vật chất cho cuộc xâm lược của Nga tại Ukraine, dù cả hai phía đều nhấn mạnh cần phải có một giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng, theo Toà Bạch Ốc.

Trong cuộc điện đàm kéo dài gần hai giờ tại thời điểm sự bất đồng giữa hai cường quốc lớn nhất thế giới ngày càng sâu rộng, ông Biden nêu chi tiết về những nỗ lực của Mỹ và đồng minh đáp trả cuộc xâm lược của Nga, trong đó có việc áp đặt những biện pháp gây tác hại cho Nga.

“Ông mô tả những ảnh hưởng và hậu quả nếu Trung Quốc cung cấp hỗ trợ vật chất cho Nga trong lúc Nga tiến hành các cuộc tấn công tàn bạo vào các thành phố và thường dân Ukraine,” Tòa Bạch Ốc cho hay trong một tuyên bố, và nói thêm rằng Tổng thống Biden “nhấn mạnh ủng hộ một giải pháp ngoại giao cho cuộc khủng hoảng.”

Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho hay ông Tập nói với ông Biden rằng chiến tranh ở Ukraine phải chấm dứt càng sớm càng tốt và kêu gọi các nước NATO đối thoại với Nga. Tuy nhiên ông Tập không quy lỗi cho Nga về cuộc xâm lược.

“Ưu tiên hàng đầu hiện nay là tiếp tục đối thoại và thương thuyết, tránh thiệt hại thường dân, ngăn chặn cuộc khủng hoảng nhân đạo, ngưng bắn và chấm dứt chiến tranh càng sớm càng tốt,” ông Tập nói.

Ông Tập cũng kêu gọi tất cả các bên nên ủng hộ cuộc đối thoại và thương thuyết Nga-Ukraine trong khi Washington và NATO cũng nên tiến hành đàm phán với Nga để giải quyết “những điểm nan giải” của cuộc khủng hoảng Ukraine và giải quyết những quan ngại vể an ninh của Nga lẫn Ukraine.

“Cuộc khủng hoảng Ukraine là điều chúng ta không muốn thấy,” truyền thông nhà nước Trung Quốc trích lời ông Tập nói trong cuộc điện đàm. Phía Trung Quốc nói cuộc điện đàm được thực hiện theo yêu cầu của phía Mỹ.

Hôm 17/3, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tuyên bố chính quyền Tổng thống Biden e rằng Trung Quốc đang xem xét hỗ trợ trực tiếp Nga bằng trang bị quân sự để dùng tại Ukraine. Bắc Kinh phủ nhận chuyện này.

Washington cũng lo ngại là Trung Quốc có thể giúp Nga né tránh chế tài kinh tế của phương Tây.

Cuộc xâm lược của Nga tại Ukraine hiện bước vào tuần lễ thứ tư, đã giết chết hàng trăm thường dân, biến thành thị thành các đống đổ nát và gây nên cuộc khủng hoảng nhân đạo với hàng triệu người rời khỏi nước.

Hôm 18/3, Nga bắn tên lửa vào một phi trường gần Lviv, một thành phố nơi mà hàng trăm ngàn thường dân đã ẩn trú tránh xa các chiến trường Ukraine, trong lúc Moscow nỗ lực tái chiếm ưu thế trong chiến dịch quân sự đang trì trệ, mà Nga gọi là một chiến dịch quân sự đặc biệt.

Căng thẳng Mỹ-Trung

Ukraine xuất hiện như một mặt trận mới trong mối quan hệ Mỹ-Trung vốn đã xuống mức tệ hại nhất trong nhiều thập niên, làm giảm bớt những hy vọng sơ khởi của ông Biden trong việc xoa dịu một loạt các xích mích giữa đôi bên.

Ông Biden muốn tránh một cuộc “Chiến tranh Lạnh” mới với Trung Quốc, thay vào đó tìm cách khắc hoạ lại mối quan hệ như là cạnh tranh cùng tồn tại, nhưng điều này đang gặp trở ngại bởi đối tác chiến lược “không giới hạn” giữa Trung Quốc với Nga được loan báo vào tháng trước và lập trường của Trung Quốc về vấn đề Ukraine.

Trước cuộc điện đàm giữa ông Biden với ông Tập, một tàu sân bay Trung Quốc đi qua Eo biển Đài Loan hôm 18/3. Tàu USS Ralph Johnson, một khu trục hạm có phi đạn điều khiển Arleigh Burke của Mỹ, đã theo sát hành tung của tàu Trung Quốc trong một phần lộ trình.

Trung Quốc xem Đài Loan là lãnh thổ của họ, và đã tăng cường các hoạt động quân sự gần Đài Loan khiến Đài Bắc và Washington cảnh giác giữa những quan ngại rằng Bắc Kinh có thể theo gương Nga và sử dụng vũ lực.

Trung Quốc từ chối lên án hành động của Nga tại Ukraine, cũng không gọi đó là cuộc xâm lược. Dù Trung Quốc nói công nhận chủ quyền của Ukraine, nhưng Bắc Kinh nhiều lần khẳng định rằng Nga có những mối quan ngại an ninh chính đáng nên được giải quyết và thúc đẩy một giải pháp ngoại giao cho cuộc xung đột.

Dù chính quyền Biden dọa có những biện pháp trả đũa nếu Trung Quốc giúp những nỗ lực của Nga tại Ukraine, nhưng Mỹ và các đồng minh chưa quyết định chính xác các bước có thể áp dụng, theo một người có liên quan tới các cuộc trao đổi này.

Nhắm vào Bắc Kinh theo kiểu chế tài sâu rộng như đối với Nga sẽ có những hậu quả nghiêm trọng cho Mỹ và thế giới vì Trung Quốc là nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới và nước xuất khẩu lớn nhất thế giới.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG