Đường dẫn truy cập

'Chiếm đóng Wall Street': Biểu tình tự phát lan rộng ở Mỹ


Biểu tình lan đến thủ đô Washington, những người biểu tình đứng trước hàng rào Tòa Bạch Ốc
Biểu tình lan đến thủ đô Washington, những người biểu tình đứng trước hàng rào Tòa Bạch Ốc

Kể từ giữa tháng Chín tới nay, những cuộc biểu tình khởi đi từ thành phố New York có tên gọi là Occupy Wall Street (chiếm đóng thị trường tài chính Wall Street) vẫn tiếp tục và đã lan rộng ra khắp nước, tới Boston, thủ đô Washington, Chicago, Los Angeles, Seattle, St.Petersburg (bang Florida) và các thành phố khác. Trong câu chuyện nước Mỹ hôm nay, Lan Phương sẽ gửi tới quí thính giả vài nét sơ lược về các cuộc biểu tình hiện đang lan rộng, và ý kiến của giáo sư John H. Brown, giảng dạy môn Bang giao Quốc tế và Giao tế Quần chúng, đại học Georgetown ở thủ đô Washington, về hiện tượng này.

Cuộc biểu tình phát khởi tại thành phố New York với tên gọi là Occupy Wall Street (chiếm đóng thị trường tài chính Wall Street) phản đối tình trạng bất bình đẳng kinh tế và xã hội, phản đối lòng tham của các đại công ty, của giới tài phiệt và ngân hàng, và phản đối ảnh hưởng tài chính của các đại công ty và giới tài phiệt trong việc vận động hành lang để gây ảnh hưởng chính trị.

Ban đầu người biểu tình định chiếm lĩnh ngay khu vực thị trường tài chính New York, nhưng sau thấy rằng nơi này đã bị chặn, họ bèn kéo sang công viên Zuccotti và đóng đô ở đó.Công viên này trước đây có tên gọi là Quảng trường Tự do, ngay bên kia đường nơi tòa tháp đôi của Trung Tâm Thương Mại Thế giới từng tọa lạc.

Cho đến tuần lễ này, trung tuần tháng 10, mỗi ngày vẫn có người biểu tình. Có những người đến tham gia vài ngày rồi đi, có những người đến vào cuối tuần, và có những người thường trực tại đó, ban đêm họ ngủ trong những túi ngủ.

Tuy đây là cuộc biểu tình tự phát nhưng ngay tại chỗ, mọi chuyện được tổ chức chu đáo, sạch sẽ, không xả rác làm mất vệ sinh, có bếp dã chiến nấu nướng tử tế. Họ đã bị thành phố cấm không được dùng hệ thống khuếch âm nhưng được phép sử dụng trống nên đến tối có những người đánh trống, thổi kèn, chơi đàn và khiêu vũ. Tuy nhiên mọi hoạt động đều ngưng hết vào 10 giờ đêm để tránh không gây náo động.

Những người tham gia cuộc biểu tình thuộc đủ mọi khuynh hướng, từ bảo thủ đến cấp tiến, độc lập không theo đảng nào, hoặc có khuynh hướng xã hội, hoặc là những người bảo vệ môi trường, cho đến những người chủ trương tự do. Họ là những người tự nhận thuộc vào 99% quảng đại quần chúng Mỹ, giới người hoàn toàn khác với thiểu số 1% giàu sụ, thành phần bị cáo buộc là trả thuế ít hơn đại đa số dân chúng. Những người tham gia vào các cuộc biểu tình là những sinh viên nghèo, những người đã về hưu, các bà mẹ phải một mình nuôi con, và những người thuộc giai cấp trung lưu.

Cuộc biểu tình Occupy Wall Street diễn ra ngay vào lúc nước Mỹ chưa hồi phục hẳn từ vụ khủng hoảng tài chính và kinh tế, với tỉ lệ thất nghiệp vẫn ở mức trên 9%, vật giá gia tăng, giới trẻ e ngại học phí ngày một cao và giới sinh viên lo sợ không kiếm được việc làm khi tốt nghiệp. Nhiều người không có việc làm và nhà cửa của họ bị ngân hàng tịch thu.

Phát xuất từ thành phố New York không có lãnh đạo, đây là những cuộc biểu tình tự phát rồi lan rộng khắp nước, được coi là để bày tỏ sự bất mãn của quần chúng đối với sự chênh lệch giàu nghèo ngày càng rõ rệt và những cuộc biểu tình này được coi như dấu hiệu của sự chia rẽ trong xã hội.

Theo giáo sư John H. Brown giảng dạy về bang giao quốc tế và giao tế quần chúng tại đại học Georgetown, có rất nhiều yếu tố để giữ cho người dân Mỹ đoàn kết với nhau, và một trong những yếu tố quan trọng nhất là kinh tế.

Ông nói: “Một trong những yếu tố quan trọng nhất để giữ cho quốc gia rộng lớn trải dài từ Đại Tây Dương sang Thái Bình Dương với dân số 320 triệu người thuộc đủ mọi sắc tộc và tôn giáo khác nhau đoàn kết được là kinh tế, vì kinh tế giữ cho mọi người phải tiếp xúc với nhau, họ muốn tiến triển về kinh tế, họ muốn tham gia vào các hoạt động kinh tế, nói thẳng ra là họ muốn kiếm tiền, nhưng quí vị không thể kiếm tiền nếu quí vị không giao tiếp với mọi người, và tiếp xúc với mọi người theo một phương cách là đoàn kết với họ. Trong những năm gần đây càng ngày càng có sự chênh lệch giữa người giàu và người nghèo tại Hoa Kỳ. Mặc dầu tôi nhấn mạnh đến yếu tố kinh tế là động lực cho sự đoàn kết của nhân dân Mỹ, vì kinh tế là quyền lợi chung, tôi lo ngại về sự gia tăng cách biệt giữa giới giàu và giới nghèo, điều này có nghĩa thay vì kinh tế là yếu tố để đoàn kết người dân lại thành một tổ chức chung thì nay nói một cách đơn giản, lại thực sự làm họ chia rẽ vì giàu và nghèo.”

Theo giáo sư Brown, người dân Mỹ, nhất là giới sinh viên trẻ tuổi đang theo học đại học, ngày càng lo nghĩ về điều mà họ cho là bị tước đoạt cơ hội khiến họ không thể theo đuổi giấc mơ nước Mỹ. Ông cho biết trong công việc giảng dạy sinh viên tại đại học Georgetown, ông hiểu được mối ưu tư của họ. Họ lo tình thế ngày càng khó khăn cho việc thăng tiến kinh tế nếu họ đến một tuổi nào đó, cho dù có bao nhiêu bằng cấp cũng vậy thôi. Sau đây vẫn là ý kiến của giáo sư Brown:

“Và vì thế, tôi nghĩ rằng Occupy Wall Street cũng là biểu lộ một trong những lo ngại của giới trẻ có học cho là họ đang bị hệ thống xã hội đóng cánh cửa cơ hội, vì, dĩ nhiên không phải tất cả, cho là họ bị một thiểu số nhỏ nhưng giàu có, gây khó khăn cho họ trong việc thăng tiến về kinh tế.”

Tuy cuộc biểu tình đó lan rộng khắp nơi nhưng lại không có lãnh đạo,và các cuộc biểu tình cũng không có một chương trình hành động khả thi. Vậy nó sẽ đi đến đâu?

Giáo sư Brown nêu lên những cuộc biểu tình tại nước Mỹ hồi thập niên 1960, lúc đó cũng không do một trung ương hay tổ chức quyền lực nào phát động. Đó là một phong trào tự phát. Giáo sư Brown cho rằng dường như đây là một phản ứng tự phát đối với tình trạng chênh lệch về kinh tế, và vì là hiện tượng tự phát nên nó không cần đến một chương trình, nhưng những người tham gia có những ý tưởng và những lo ngại mà mọi người trong nước cần phải mạnh mẽ chú ý đến, không những chỉ những nhà làm luật trong quốc hội mà toàn thể người Mỹ nói chung, đều phải chú tâm xem xét, bởi lẽ nó là mối ưu tư của người dân trước vấn đề quốc gia đi về đâu.

Ông nói: “Những người biểu tình không những chỉ lo ngại cho tình hình kinh tế của riêng họ, cho công ăn việc làm của họ mà còn lo ngại không biết quốc gia đi về đâu khi mà họ cho rằng người giàu cứ giàu thêm còn người không giàu thì không thể nào thăng tiến được về kinh tế.”

Trước mức độ lan rộng mau chóng của những cuộc biểu tình từ thành phố này sang thành phố khác, giáo sư Brown cho đây là một dấu hiệu tốt, nó cho thấy người dân Mỹ, và giới trẻ của nước Mỹ có thể vượt ra khỏi phạm vi của chiếc máy điện toán, của e-mail, của tweeter, của facebook để ra ngoài đường phố và nói lên rằng: ”coi đây này, chúng ta có vấn đề.” Ông cho biết tiếp:

“Theo tôi, sự hiện diện của con người, hiểu theo nghĩa bằng xương bằng thịt, ở ngay tại chỗ chứ không phải trên không gian ảo, là điều rất quan trọng. Khi mọi người xuống đường và nói:" Chúng ta có vấn đề, chúng ta cần phải có hành động giải quyết." Ngồi nhà gửi e-mail hoặc viết blog bày tỏ ý kiến là một chuyện, chịu khó vất vả mua vé máy bay đến tận thành phố New York khi có thể trong túi chẳng có bao nhiêu tiền bạc, tham gia biểu tình, bày tỏ ý kiến là tạo một yếu tố thiết thực, có mặt tại chỗ để nói lên rằng có những điều sai trái và chúng ta cần phải làm điều gì đó để sửa chữa.”

Một số người so sánh các cuộc biểu tình hiện nay ở Hoa Kỳ với “Mùa Xuân Ả Rập” của Ai Cập. Giáo sư Brown cho rằng tuy hai quốc gia Hoa Kỳ và Ai Cập không ở trong tình trạng có thể so sánh, nhưng chừng nào mà những cuộc biểu tình ở Ai Cập hay tại nước Mỹ vẫn giữ được tính bất bạo động, chừng nào mà các cuộc biểu tình vẫn tranh đấu cho công ích thay vì cho quyền lợi hẹp hòi, thì chừng đó nó vẫn được ca ngợi. Ông cho rằng Mùa Xuân Ả Rập có sức hấp dẫn đối với quần chúng Mỹ vì nó được hiểu như một phản ứng của người dân Ai Cập, nhất là giới trẻ, chống lại một hệ thống xã hội bất công.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG