Đường dẫn truy cập

Hội Đồng Bảo An chấp thuận khu vực cấm bay trên không phận Libya


Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc đã biểu quyết về 'vùng cấm bay' trên không phận Libya
Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc đã biểu quyết về 'vùng cấm bay' trên không phận Libya

Kết quả biểu quyết rất khít khao. 10 nước thành viên bỏ phiếu thuận, 5 quốc gia bỏ phiếu trắng gồm Nga, Trung Quốc, Đức, Brazil, và Ấn Độ. Không có phiếu chống. Để nghị quyết có thể được thông qua, chỉ cần 9 trong số 15 nước thành viên của Hội đồng Bảo an bỏ phiếu thuận và không có phủ quyết.

Tin cho hay sau khi nghị quyết mang tên 1973 được thông qua, người ta nghe thấy có tiếng pháo bông và tiếng súng chỉ thiên ăn mừng ở Benghazi.

Nghị quyết này kêu gọi ngưng bắn ngay lập tức và hoàn toàn chấm dứt bạo động. Nghị quyết cũng cho phép các nước thành viên Liên hiệp quốc thực hiện tất cả các biện pháp cần thiết để thực thi lệnh cấm các chuyến bay ngang qua không phận Libya hầu bảo vệ thường dân tại các khu vực bị đe dọa tấn công, kể cả Benghazi. Các biện pháp này có phần chắc là bao gồm cả những cuộc không kích nhắm mục tiêu vào các thành lũy quân sự của Libya. Tuy nhiên, nghị quyết không cho phép bất kỳ một sự chiếm đóng nào trên bộ, cốt để loại trừ khả năng một lực lượng nước ngoài chiếm đóng.

Ngoại trưởng Pháp, Alain Juppe, đã tới New York để tham gia cuộc bỏ phiếu của Hội đồng Bảo an. Ông nhấn mạnh nước ông cùng với những nước khác, kể cả các quốc gia Ả Rập, đã sẵn sàng thực thi nghị quyết về vùng cấm bay. Ông phát biểu qua lời một phiên dịch viên rằng.

Ông Juppe nói: “Chúng ta còn rất ít thời gian, thời gian ở đây được tính bằng ngày, và cũng có thể là bằng giờ. Từng ngày, từng giờ chúng ta thấy kết thúc sự kèm kẹp đối với thường dân và dân số của Benghazi. Từng ngày, từng giờ trôi qua càng tăng thêm gánh nặng trên đôi vai chúng ta. Chúng ta đừng tới quá chậm trễ. Hội đồng Bảo an nên đảm bảo sao cho luật pháp và dân chủ vẫn tiếp tục được thực thi và dân chủ sẽ thắng thế.”

Trong một bài diễn văn trên truyền hình trước khi diễn ra cuộc bỏ phiếu, ông Moammar Gadhafi cảnh cáo rằng lực lượng của ông sẽ khởi sự một cuộc phản công chiếm lại Benghazi. Ông nói sẽ khoan hồng cho những ai buông võ khí, nhưng sẽ không khoan hồng hoặc thương xót đối với những người không chịu quy hàng.

Một số thành viên trong Hội đồng viện dẫn việc ông Gadhafi tiếp tục chiến đấu chống lại nhân dân nước ông, tính thiếu chính đáng của nhà lãnh đạo Libya, và nhu cầu tránh có thêm đổ máu là các lý do để ủng hộ cho nghị quyết mà họ cho là mang mục đích nhân đạo cấp thiết.

Nhưng bên trong hội đồng cũng có một sự do dự lớn trong việc chấp thuận cho phép sử dụng võ lực. Nga và Trung Quốc không dùng quyền phủ quyết nhưng cả hai nước đều bày tỏ sự nghi ngại sau cuộc bỏ phiếu.

Đại sứ Nga Vitaly Churkin nói rằng có nhiều câu hỏi chưa được giải đáp thích đáng, bao gồm vùng cấm bay sẽ được thực thi như thế nào, các quy định về giao tranh ra sao, và các giới hạn việc sử dụng võ lực như thế nào. Trong khi đó, đại sứ của Trung Quốc tại Liên hiệp quốc, ông Lý Bảo Đông, nhấn mạnh Bắc Kinh luôn chống lại việc sử dụng võ lực trong các mối quan hệ quốc tế.

Đức cũng không đứng cùng phía với các nước bạn Châu Âu trong Hội đồng Bảo an và bỏ phiếu trắng vì các quan ngại sẽ bị lôi kéo vào một cuộc xung đột quân sự kéo dài.

Thế nhưng Hoa Kỳ, mấy ngày trước dường như cũng do dự trong quyết định ủng hộ một vùng cấm bay, nhưng giờ lại dành một sự hậu thuẫn hoàn toàn đối với nghị quyết này.

Bà Rice nói: “Nghị quyết này sẽ gửi thông điệp mạnh mẽ tới đại tá Gadhafi và chính quyền của ông rằng bạo động phải chấm dứt, hành động giết chóc phải chấm dứt, và người dân Libya phải được bảo vệ và có cơ hội được thể hiện quan điểm một cách tự do.”

Hôm thứ Bảy, Liên đoàn Ả Rập đề nghị Hội đồng Bảo an chấp thuận vùng cấm bay và giới ngoại giao cho rằng sẽ có sự tham gia của các nước Ả Rập. Qatar, Jordan, và Các tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất đã được đề nghị có thể cùng gia nhập hàng ngũ các nước Hoa Kỳ, Anh, và Pháp.

Phó đại sứ Libya tại Liên hiệp quốc, ông Ibrahim Dabbashi, một trong những người đầu tiên tách ra khỏi chính phủ Libya, kêu gọi cộng đồng quốc tế có hành động tức thời và làm tất cả mọi việc có thể để bảo vệ các thường dân bị tổn thương tại Libya.

Trong một thông cáo, Tổng thư ký Liên hiệp quốc Ban Ki-moon, hoan nghênh nghị quyết này. Ông Ban đang trên đường tới khu vực. Ông nói trước tình hình nguy kịch ở Libya ông trông đợi một hành động tức thời từ các điều khoản của nghị quyết.

Ngoài việc kêu gọi một lệnh cấm các chuyến bay trên không phận Libya, nghị quyết cũng mở rộng và tăng cường các biện pháp chế tài mà Hội đồng Bảo an đưa ra cách nay gần 3 tuần trong nghị quyết 1970. Các biện pháp bổ sung bao gồm phong tỏa tài sản của các cá nhân và tổ chức bao gồm Ngân hàng Trung ương Libya và Công ty Dầu quốc gia, mở rộng lệnh cấm du hành và tăng cường thực thi lệnh cấm vận võ khí đối với Libya.

Đường dẫn liên quan

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG