Đường dẫn truy cập

Bà Aung San Suu Kyi chính thức tuyên thệ vào Quốc Hội


Lãnh đạo đối lập Miến Điện Aung San Suu Kyi ngồi chung với các đại biểu khác của Quốc hội trong một phiên họp ở Naypyidaw, ngày 2/5/2012
Lãnh đạo đối lập Miến Điện Aung San Suu Kyi ngồi chung với các đại biểu khác của Quốc hội trong một phiên họp ở Naypyidaw, ngày 2/5/2012

Biểu tượng dân chủ lâu đời của Miến Điện, bà Aung San Suu Kyi đã chính thức tuyên thệ làm đại biểu quốc hội, giữ một chức vụ công cử lần đầu tiên sau khi bị quản thúc tại gia phần lớn thời gian trong 2 thập niên vừa qua.

Hôm nay, khôi nguyên giải Nobel hòa bình tuyên thệ nhậm chức vào Hạ viện Quốc hội Miến Điện, chấm dứt cuộc tẩy chay đã đe dọa làm gián đoạn tiến trình cải cách dân chủ ở nước này.

Bà Aung San Suu Kyi tuyên bố bà không nghi ngại gì về việc ngồi cạnh các đại biểu thuộc phe quân đội, hiện vẫn còn chiếm thế đa số trong quốc hội Miến Điện.

Bà Suu Kyi cho biết: “Tôi có thiện chí rất lớn đối với quân đội, vì thế tôi không lấy gì làm phiền lòng khi ngồi cùng với họ. Tôi rất vui lòng được ngồi cùng với họ.”

Trả lời một phóng viên hỏi bà liệu có muốn giảm bớt hoặc loại bỏ hẳn sự hiện diện của họ ở Quốc hội, bà nói:

Bà Suu Kyi nói: “Chúng tôi muốn Quốc hội của chúng tôi phù hợp với các giá trị dân chủ đích thực. Không phải vì muốn gạt bỏ ai ra ngoài, chúng tôi chỉ muốn thực hiện những cải thiện để có một quốc hội thực sự dân chủ.”

Từ hơn một tuần này, lãnh tụ đối lập và Liên minh Toàn quốc Đấu tranh cho Dân chủ của bà đã từ chối không tuyên thệ nhậm chức bởi vì lời tuyên thệ đòi hỏi họ phải “bảo vệ” hiến pháp, do giới cầm quyền quân nhân trước đây soạn thảo.

Đại biểu quốc hội Win Oo thuộc đảng Liên đoàn Đoàn kết và Dân chủ được quân đội hậu thuẫn ca ngợi quyết định của bà Aung San Suu Kyi rút lại việc tẩy chay quốc hội.

Ông Win Oo cho biết: “Sự kiện bà Suu Kyi đến Quốc hội là một điều tốt, bởi vì như đã nói nhiều lần, nếu ta muốn đạt được những điều có lợi ích cho nhân dân và đất nước thì ta phải gạt bỏ mọi hiềm khích.”

Liên minh Toàn quốc Đấu tranh cho Dân chủ, hay NLD, đã thắng 43 trong số 45 ghế trong cuộc bầu cử bổ túc ngày 1 tháng 4, và nay trở thành đảng đối lập chính trong quốc hội lưỡng viện của Miến Điện, vẫn nằm dưới sự thống lĩnh của các chính đảng được quân đội hậu thuẫn.

Các quan sát viên nói có nhiều phần chắc NLD sẽ không có đủ quyền lực để tạo ra thay đổi tức thời về hiến pháp, vốn dành 1/4 số ghế quốc hội cho giới quân nhân không phải do dân bầu.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG