Đường dẫn truy cập

Hoa Kỳ nhìn thấy cơ may tiếp tục cải tổ tại Miến Điện


Nhà lãnh đạo đấu tranh cho dân chủ Miến Điện Aung San Suu Kyi (giữa), rời Quốc hội sau phiên họp hôm 2/5/12
Nhà lãnh đạo đấu tranh cho dân chủ Miến Điện Aung San Suu Kyi (giữa), rời Quốc hội sau phiên họp hôm 2/5/12

Hoa Kỳ nhìn thấy thêm nhiều cơ hội đem đến cải tổ chính trị sâu rộng hơn tại Miến Điện, sau khi cánh đối lập quyết định gia nhập quốc hội. Những đề nghị giúp đỡ Miến Điện của Mỹ tùy thuộc vào việc thực hiện thêm những thay đổi chính trị tại quốc gia Đông Nam Á này.

Đảng Liên Minh Toàn Quốc Đấu Tranh Cho Dân Chủ của phe đối lập đã chiếm được nhiều ghế trong 1 quốc hội nơi 1/4 số ghế được dành cho quân đội và đại đa số những ghế còn lại do đảng cầm quyền được quân đội hỗ trợ nắm giữ.

Điều này đánh dấu vị trí trong chính quyền đầu tiên của khôi nguyên giải Nobel, bà Aung San Suu Kyi, người đã xếp lại những đe dọa tẩy chay quốc hội và tuyên thệ cam kết bảo vệ một hiến pháp mà quân đội soạn thảo.

Ông Mark Toner, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao nói đây là một chỉ dấu đầy hy vọng, rằng các nhà hoạt động vì dân chủ và chính phủ có thể cộng tác với nhau hầu duy trì đà thay đổi chính trị tại Miến Điện:

“Chúng tôi muốn thấy họ cộng tác một cách xây dựng với chính phủ. Chúng tôi muốn thấy tiến bộ được duy trì. Và để tránh bất kỳ sự thụt lùi nào, tôi nghĩ chúng ta nên theo dõi chặt chẽ tiến độ những cải cách tại Miến Điện.”

Trong khi nới lỏng một số chế tài của Mỹ đối với Miến Điện, ông Toner nói, Ngoại trưởng Hillary Clinton đã có thái độ rất rõ rệt rằng Washington sẽ đáp ứng từng động thái với từng động thái, trong lúc những đổi thay được thực hiện.

Ông Doug Bandow, phân tích gia về châu Á của Viện nghiên cứu Cato, có trụ sở tại Washington, nhận định rằng tiếng nói của các nhà làm luật đối lập tại quốc hội Miến Điện quan trọng hơn nhiều so với tuyên thệ mà họ đã phải làm để có thể bước vào đó. Ông nhận định:

“Đi càng xa, thì họ càng gặp nhiều khó khăn hơn để thực thi các mục tiêu, và trong ý nghĩ của tôi thì lời tuyên thệ chẳng phải là một trận chiến phải thắng. Điều làm tôi lo ngại nhất là có những tướng lãnh với đường lối cứng rắn trong hậu trường, những người thực sự chẳng muốn thay đổi, và rằng người ta muốn thuyết phục họ là tiến tới là điều an toàn. Bây giờ nếu tôi là bà Aung San Suu Kyi, chắc chắn là tôi muốn thay đổi hiến pháp, nhưng tôi không làm chuyện đó ngay ngày hôm nay.”

Sự thay đổi chính trị tại Miến Điện nằm trong nghị trình các cuộc thương thảo tuần này giữa các giới chức Mỹ-Trung tại Bắc Kinh.

Ông Bandow nói quyết định của giới quân sự Miến cho phép tự do ngôn luận và tự do hội họp nhiều hơn, dường như là nguyên nhân một phần của những căng thẳng với Trung Quốc, gồm cả quyết định của Miến Điện hoãn công trình xây dựng đập thủy điện trị giá 3 tỉ đô la do Trung Quốc hỗ trợ, vì những quan ngại về môi trường mà các nhà hoạt động dân sự nêu lên. Ông nói:

“Rõ ràng một phần lý do là họ cảm thấy hỗ trợ vững chắc duy nhất mà họ có chỉ đến từ Trung Quốc. Trung Quốc nằm sát ngay kế bên. Họ đã gặp những vấn đề về đập nước này. Đã xảy ra cuộc chiến tại Miến Điện khiến nhiều người chạy sang Trung Quốc. Trung Quốc đã rất bực bội. Theo tôi, đột nhiên Miến Điện chợt nghĩ ra rằng nếu họ giao tiếp nhiều hơn với Mỹ và EU thì họ sẽ rộng đường hơn và tiền cũng sẽ vô nhiều hơn.’”

Khi đảng của bà Aung San Suu Kyi chiếm được 40 trong số 45 ghế trong một cuộc bầu cử quốc hội bổ sung, Hoa Kỳ đã nới lỏng một số các bước chế tài. Một số giới chức cao cấp Miến Điện và thành viên quốc hội nay sẽ được phép đến Hoa Kỳ.

Washington nay đã bỏ cấm vận nhắm vào xuất khẩu dịch vụ tài chánh và đầu tư và chuẩn bị đề cử một đại sứ sang Miến Điện, cùng với cả một phái bộ đầy đủ của cơ quan phát triển Hoa Kỳ USAID và một chương trình giúp cho một quốc gia bình thường thuộc chương trình phát triển của Liên Hiệp Quốc.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG