Đường dẫn truy cập

Iran tiếp tục đôi co với các nước phương Tây


Các tiết lộ của WikiLeaks mới đây cho thấy vua Abdullah của A-rập Saudi nhiều lần thúc giục Hoa Kỳ tiêu diệt chương trình hạt nhân của Iran
Các tiết lộ của WikiLeaks mới đây cho thấy vua Abdullah của A-rập Saudi nhiều lần thúc giục Hoa Kỳ tiêu diệt chương trình hạt nhân của Iran

Iran vẫn tiếp tục có mâu thuẫn với Hoa Kỳ và các nước phương Tây khác về chương trình hạt nhân và nhân quyền. Mặc dù các biện pháp trừng phạt Iran được siết chặt trong 12 tháng qua, cuộc đối đầu về ngoại giao xem chừng sẽ vẫn tiếp tục qua năm mới.

Iran lâu nay vẫn nói rằng chương trình hạt nhân của họ phục vụ các mục tiêu phi quân sự và bác bỏ mọi cáo buộc của các nước phương Tây nói rằng họ muốn thủ đắc vũ khí hạt nhân.

Đầu tháng 12, các nhà thương thuyết của Iran họp tại Geneve với đại diện của 6 nước lớn - Hoa Kỳ, Nga, Trung Quốc, Anh, Pháp và Đức - và sau đó họ nói chỉ họp lại vào tháng 1 tại Istanbul cùng lúc với tuyên bố của người Trưởng đoàn, Saeed Jalili, là Iran sẽ tiếp tục chương trình tinh chế uranium. Ông Jalili nói:

"Chúng tôi không tin tưởng vào các cuộc đàm phán mà phía bên kia sẽ sử dụng sức ép để đạt được ý định của họ. Chúng tôi không chấp nhận như vậy.”

Hoa Kỳ, EU và Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc đã đưa ra thêm các biện pháp trừng phạt Iran trong năm qua.

Hồi tháng 7, Tổng Thống Hoa Kỳ Barack Obama ký thành luật nhằm trừng phạt ngành năng lượng và ngân hàng của Iran, trong lúc tạo khó khăn hơn rất nhiều cho các công ty nước ngoài làm ăn với Iran. Bà Rosemary Hollis, chuyên viên về Trung đông nhận xét:

“Chúng ta đã chứng kiến có thêm áp lực với Iran dưới dạng trừng phạt và một số diễn biến dầy ngạc nhiên khác chứng tỏ có sự đoàn kết giữa các bên đưa ra biện pháp trừng phạt. Nhưng chúng ta cũng thấy dường như Iran cũng không thay đổi thái độ, nhất là về mặt chính sách, cho dù kinh tế của họ bị ảnh hưởng nặng.”

Trước tình hình này, bà Hollis nói rằng rồi đây cuộc tranh chấp với Iran sẽ chỉ tiếp tục quanh quẩn nơi những khung cảnh ngoại giao với những lời qua tiếng lại, đôi khi lớn tiếng. Bà nói:

“Có những dấu hiệu cho thấy khả năng chiến tranh đã giảm bớt một phần vì người Iran dường như có vấn đề lớn về công nghệ thông tin. Có nhiều dấu hiệu cho thấy, và chính nhiều người Iran cũng xác nhận, Iran bị ảnh hưởng xấu do một vài loại virus gây ra, làm hỏng một số phần mềm mà dàn máy tính của họ đang phụ thuộc.”

Các vụ tiết lộ của WikiLeaks mới đây cho thấy nhà vua Abdullah của A-rập Saudi nhiều lần thúc giục Hoa Kỳ tiêu diệt chương trình hạt nhân của Iran.

Chuyên viên phân tích tình báo Bob Ayers nói rằng chúng ta có thể thông cảm sự sợ hãi của các nước trong khu vực trước chương trình hạt nhân của Iran:

“Nếu Iran trở thành một nước có vũ khí hạt nhân thì sẽ gây mất ổn định trong khu vực vì các nước A-rập trong vùng không đủ năng lực chống lại Iran, do đó hộ cố đẩy Hoa Kỳ vào cuộc và hành động để ngăn Iran có vũ khí hạt nhân.”

Quan hệ giữa Iran và Hoa Kỳ căng thẳng thêm vì Iran tiếp tục giam giữ Shane Bauer và Josh Fattal, hai công dân Mỹ đi lạc vào đất Iran hồi năm 2009, dù người thứ ba trong vụ này, Sarah Shourd, đã được thả hồi tháng 9.

Cả ba nói rằng họ đã vô tình đi lạc trong một chuyến đi bộ qua các con đường mòn trên núi, xuất phát từ nước Iraq kế bên.

Trường hợp của một phụ nữ Iran góa chồng và có hai con cũng thu hút chú ý của quốc tế. Bà Sakineh Mohammadi Ashtiani bị lãnh án ném đá cho đến chết vì bị cáo buộc về tội ngoại tình và tội giết người có liên quan đến cái chết của ông chồng, nhưng vụ hành quyết phải hoãn lại nhiều lần.

Bahram Soroush là người mở chiến dịch vận động bên châu Âu để bà Ashtiani được tự do cho biết:

“Bà Sakineh còn sống đến bây giờ cũng là nhờ chiến dịch này. Trong vòng 30 năm qua, đã có nhiều người Iran rơi vào hoàn cảnh giống như bà nhưng chúng tôi không biết và họ đã chết vì ném đá và những vụ hành quyết khác. Nhưng trường hợp của bà Sakineh thì khác vì chúng tôi có hình của bà, có tên của bà, có các con của bà liên lạc với chúng tôi để báo cho biết người ta định ném đá bà cho tới chết.”

Mười tám tháng đã trôi qua kể từ khi chính phủ Iran đàn áp các cuộc biểu tình có tên là Phong Trào Xanh diễn ra sau cuộc bầu cử Tổng thống năm 2009.

Những người tổ chức biểu tình vẫn khẳng định là phong trào của họ chưa chết, nhưng trước mắt, chính phủ Iran hiện nay vẫn còn đang nắm chặt quyền lực.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG