Đường dẫn truy cập

Việt Nam cảnh giác cao độ khi làn sóng lây nhiễm mới lan đến Hà Nội, TPHCM


Nhân viên y tế phun khử trùng các công nhân Việt Nam được hồi hương từ nước ngoài về tại Hà Nội. Một làn sóng lây nhiễm trong cộng đồng mới đã lan tới Hà Nội và TP HCM sau hơn 3 tháng không ghi nhận ca nhiễm nào.
Nhân viên y tế phun khử trùng các công nhân Việt Nam được hồi hương từ nước ngoài về tại Hà Nội. Một làn sóng lây nhiễm trong cộng đồng mới đã lan tới Hà Nội và TP HCM sau hơn 3 tháng không ghi nhận ca nhiễm nào.

Việt Nam đang trong tình thế cảnh giác cao độ và chuẩn bị cho sự gia tăng nhanh chóng các ca nhiễm virus corona mới sau khi thủ đô Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh phát hiện các trường hợp lây nhiễm đầu tiên trong cộng đồng hôm 29/7 sau hơn 3 tháng.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hôm 29/7 cảnh báo người dân không được “lơ là, chủ quan trong bối cảnh tình hình phức tạp” và yêu cầu “các đồng chí Bí thư, Chủ tịch” của các địa phương “phải ra tay, hệ thống chính trị phải vào cuộc và người dân phải cảnh giác thực hiện một số biện pháp đã được phổ biến.”

Việt Nam, được cộng đồng quốc tế ca ngợi về sự ứng phó nhanh và hiệu quả đối với đại dịch COVID-19 bắt nguồn từ nước láng giềng Trung Quốc, cuối tuần trước đã ghi nhận ca nhiễm đầu tiên trong cộng đồng sau gần 100 ngày, khi một người đàn ông ở Đà Nẵng có biểu hiện bệnh và xét nghiệm dương tính với virus corona. Hôm 27/7, quyền Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết rằng kết quả phân tích nguồn gien của virus từ các bệnh nhân mới cho thấy đây là chủng virus mới xuất hiện ở Việt Nam từ bên ngoài.

Đã có khoảng 30 trường hợp lây nhiễm mới được phát hiện quanh Đà Nẵng trong vài ngày qua, trong đó có một bệnh nhân nam 57 tuổi quốc tịch Mỹ sống ở quận Liên Chiểu của thành phố biển miền Trung, theo truyền thông trong nước.

Hà Nội và TP HCM hôm 29/7 đã ghi nhận trường hợp dương tính COVID-19 đầu tiên trong đợt bùng phát mới, trong đó bệnh nhân nam 23 tuổi ở Hà Nội đã cùng người thân đi du lịch Đà Nẵng hồi giữa tháng 7.

“Dịch lần này khác trước vì đã lây ra cộng đồng nhiều ngày, chưa tìm được ca F0 (nguồn lây nhiễm), do đó tình hình phức tạp, diễn biến nhanh trong thời gian ngắn, nhiều nguy cơ lây nhiễm ở các địa phương, các thành phố lớn,” Thủ tướng Phúc được cổng thông tin điện tử Chính phủ trích lời nói khi chủ trì cuộc họp của Thường trực Chính phủ về phòng chống COVID-19 hôm 29/7 tại Hà Nội.

Toàn thành phố Đà Nẵng bắt đầu thực hiện cách ly trong vòng 15 ngày kể từ 28/7 theo lệnh của Thủ tướng Phúc. Mọi chuyến bay đến và đi từ Đà Nẵng đã bị ngừng từ 0 giờ ngày 28/7 trong khi chính phủ đang sơ tán 80.000 du khách sau khi thành phố biển miền Trung trở thành “điểm nóng” mới của đại dịch ở Việt Nam.

Việt Nam ngừng cách ly toàn xã hội hôm 23/4 và mở cửa trở lại vào đầu tháng 5, chấp nhận tình trạng vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế. Một số đường bay với các quốc gia châu Á, trong đó có Trung Quốc, đã được nối lại gần đây và dự kiến sẽ mở cửa cho khách du lịch trong thời gian tới. Cuộc sống ở Việt Nam dường như trở lại bình thường trong những tháng qua khi người dân đi du lịch trở lại.

Tuy nhiên, việc hàng chục nghìn người vừa đi du lịch Đà Nẵng về đang đặt Việt Nam trở lại tình trạng giãn cách toàn xã hội.

VnExpress cho biết gần 20.000 người từ Đà Nẵng trở về Hà Nội và Chủ tịch UBNDTP Nguyễn Đức Chung hôm 27/7 kêu gọi người dân tự giác chấp hành biện pháp chống dịch, đồng thời “cần giữ bình tĩnh vì thành phố đã qua 105 ngày không phát hiện các ca mới trong cộng đồng” trước khi có ca dương tính đầu tiên hôm 29/7.

Cũng theo VnExpress, hơn 18.000 người từ Đà Nẵng, nơi phát hiện ca nhiễm đầu tiên của đợt bùng phát mới, đã về TP HCM trong dịp cuối tuần qua.

Dù nguồn lây nhiễm các ca nhiễm mới chưa được xác định, nhưng chính phủ Việt Nam đã tiến hành một loạt các cuộc bắt giữ, gồm một người đàn ông Trung Quốc được cho là cầm đầu đường dây đưa người nhập cảnh và Đà Nẵng và Quảng Nam một cách trái phép trong thời gian qua.

Thủ tướng Phúc, tại cuộc họp của Thường trực Chính phủ hôm 29/7, yêu cầu Bộ Quốc phòng và Bộ Công an quản lý tốt biên giới, khởi tố điều tra vi phạm trong quản lý biên giới. Việt Nam đóng cửa biên giới với Trung Quốc, nơi bắt nguồn đại dịch COVID-19, từ tháng 2 khi chưa có ca nhiễm nào trong cộng đồng ở Việt Nam.

Tính tới ngày 29/7, Việt Nam ghi nhận 450 ca nhiễm và không có trường hợp tử vong nào vì virus corona. Một bệnh nhân tử vong tại Bệnh viện Đà Nẵng hôm 29/7, là bố của bệnh nhân COVID-19 số 418, mà truyền thông trong nước đưa tin được sở Y tế thành phố này xác định là không liên quan đến virus corona.

VOA Express

XS
SM
MD
LG