Đường dẫn truy cập

Chống dịch như chống giặc: Việt Nam ‘quyết tâm chính trị cao’


Một áp phích tuyên truyền cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 ở Việt Nam. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói Việt Nam "quyết tâm chính trị cao" trong cuộc chiến chống đại dịch virus corona. (Ảnh chụp màn hình Tuổi Trẻ Online)
Một áp phích tuyên truyền cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 ở Việt Nam. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói Việt Nam "quyết tâm chính trị cao" trong cuộc chiến chống đại dịch virus corona. (Ảnh chụp màn hình Tuổi Trẻ Online)

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hôm 8/4 tuyên bố rằng Việt Nam đang trong cuộc chiến chống dịch COVID-19 với “quyết tâm chính trị cao” trong lúc thủ đô Hà Nội lần đầu tiên phong toả một khu dân cư với gần 11.000 người để ngăn chặn lây lan dịch bệnh.

Người đứng đầu chính phủ Việt Nam, trong thông điệp về “Đoàn kết chống COVID-19” đăng trên trang báo điện tử Chính phủ VGP News, nói rằng Việt Nam đã sớm nhận thức được tính chất nguy hiểm của COVID-19, đã chủ động ngay từ đầu, từ khi xuất hiện tin về dịch trên truyền thông quốc tế.”

Việt Nam được cảnh báo là “ổ dịch tiềm năng tiếp theo sau Trung Quốc” – nơi bùng phát địch COVID-19 đầu tiên trên toàn thế giới – vì có hơn 1.400km đường biên giới với nước này.

Tuy nhiên cho đến nay, Việt Nam vẫn nằm trong số các quốc gia có tỷ lệ lây nhiễm rirus corona thấp.

Việt Nam hiện có 151 ca nhiễm COVID-19 và theo Thủ tướng Phúc “Việt Nam đang kiểm soát được tình hình, chưa có ca tử vong nào, chữa khỏi gần 50% ca bị nhiễm.”

Truyền thông Việt Nam trong những ngày qua thường xuyên đăng tải hình ảnh những bệnh nhân ra viện sau khi có kết quả âm tính 3 lần với loại virus gây viêm phổi cấp, gồm một số người nước ngoài với những thông điệp cảm ơn bác sỹ, y tá và chính phủ Việt Nam đã tận tình cứu chữa họ.

Trong lúc trên mạng xã hội lan truyền một số hình ảnh những người chết trên đường không rõ nguyên nhân, truyền thông chính thống Việt Nam cho biết một số ca tử vong trong thời gian dịch bệnh không liên quan đến loại virus này.

“Với quyết tâm chính trị cao, coi ‘chống dịch như chống giặc’, Chính phủ đã kiên quyết thực hiện đồng bộ, linh hoạt nhiều biện pháp, trong đó có cách ly tập trung người Việt Nam về nước, người nước ngoài vào Việt Nam và các đối tượng tiếp xúc với các ca dương tính đã được phát hiện; nhất là khoanh vùng, tập trung dập dịch tại các ổ dịch,” Thủ tướng Phúc nói trong thông điệp gửi Hội nghị trực tuyến Các Bộ trưởng Y tế khu vực Thái Bình Dương, nhưng không cho biết cụ thể về “quyết tâm chính trị” của Hà Nội là gì.

Việt Nam đã thực hiện cách ly tập trung hơn 40.000 người, trong đó khoảng 1 nửa được đưa vào các doanh trại quân đội, theo Reuters.

“Việt Nam làm tốt ngay từ đầu khi tập trung cách ly những trường hợp từ Trung Quốc hay Hàn Quốc về, sau đó là từ châu Âu rồi khi tình hình dịch bệnh phức tạp trên toàn thế giới thì cách ly tất cả những người khi nhập cảnh,” PGS-TS Trần Đắc Phu, nguyên cục trưởng Cục Y tế Dự phòng của Bộ Y tế, nói với VOA.

Người hiện đang là cố vấn cấp cao của Trung tâm Đáp ứng Khẩn cấp Sự kiện Y tế Cộng đồng Việt Nam, nhận định rằng “chống dịch như chống giặc là rất đúng” vì không chỉ chính phủ và cả người dân đều phải có trách nhiệm dập tắt cơn đại dịch đang làm hàng chục nghìn người chết trên toàn thế giới.

Trong số những biện pháp mạnh mà Việt Nam đang tiến hành để dập dịch còn có việc cách ly xã hội trên toàn quốc trong 15 ngày từ 1/4, bắt buộc đeo khẩu trang nơi công cộng, ngừng nhập cảnh và các chuyến bay quốc tế cũng như hạn chế di chuyển trên các tuyến cao tốc trong nước.

Tuy nhiên, TS Phu cho biết rằng Việt Nam đang bước vào giai đoạn nguy cơ bùng phát lây nhiễm cộng đồng cao sau khi không phát hiện được nguồn lây nhiễm ở các ổ dịch ở Bệnh viện Bạch Mai tại Hà Nội và quán bar Buddha ở TPHCM.

Hôm 8/4, huyện Mê Linh của Hà Nội đã quyết định phong toả thôn Hạ Lôi với 10.872 nhân khẩu, nơi có bệnh nhân thứ 243 nhiễm COVID-19, theo VietNamNet. Toàn bộ thôn sẽ bị cách ly y tế trong 28 ngày đến 6/5.

Mê Linh là một trong những nơi có ca bệnh lây lan từ “ổ dịch” bệnh viện Bạch Mai nơi trước đó cũng bị đóng cửa để phun khử khuẩn.

Cách Hà Nội hơn 100km, một thôn của tỉnh Hà Nam cũng đang bị cách ly phong toả toàn bộ sau khi một bệnh nhân 64 tuổi có kết quả dương tính với SARS-CoV-2 và có “tính chất phức tạp,” theo Dân Trí.

Hồi tháng 2, xã Sơn Lôi ở tỉnh Vĩnh Phúc, với hơn 10.000 dân, trở thành khu vực đầu tiên ở Việt Nam bị phong toả toàn bộ trong 21 ngày để tránh lây lan dịch bệnh.

Trong các tuyên bố của Chính phủ, Việt Nam coi cuộc chiến chống COVID-19 là “Cuộc tổng tấn công mùa xuân 2020” và theo một cuộc thăm dò hồi tháng 3 được Ban Tuyên giáo Trung ương đưa ra thì “đại đa số người dân tin tưởng vào sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và Chính phủ về công tác phòng, chống dịch COVID-19.”

VOA Express

XS
SM
MD
LG