Đường dẫn truy cập

Ở Việt Nam, đại dịch COVID không làm ai tử vong nhưng gia tăng bạo lực gia đình


 Một áp phích của Uỷ ban Dân số và Gia đình ở Hà Tây, ngoại thành Hà Nội. Dù Việt Nam thành công trong đối phó với dịch COVID-19 nhưng không tránh khỏi gia tăng về bạo lực gia đình trong thời gian đại dịch. (Photo AFP)
Một áp phích của Uỷ ban Dân số và Gia đình ở Hà Tây, ngoại thành Hà Nội. Dù Việt Nam thành công trong đối phó với dịch COVID-19 nhưng không tránh khỏi gia tăng về bạo lực gia đình trong thời gian đại dịch. (Photo AFP)

Việt Nam đã làm được một sự khác biệt là trở thành một nước đông dân nhất không ghi nhận ca tử vong nào liên quan đến COVID-19 dù có đường biên giới dài với Trung Quốc, nơi xuất phát đại dịch virus corona hiện đang hoành hành toàn cầu. Tuy nhiên, thành công đó không giúp Việt Nam tránh khỏi những hậu quả khác của đại dịch, trong đó có sự gia tăng về bạo lực gia đình.

Ngôi nhà Bình yên, Ngôi nhà Ánh dương và CSAGA là 3 trong số những tổ chức nhận những cuộc gọi từ những người tìm kiếm sự giúp đỡ trong các trường hợp bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em.

Trong những tháng gần đây, các cuộc gọi tìm kiếm sự giúp đỡ về bạo lực gia đình tới các trung tâm này tăng mạnh và các dấu hiệu cho thấy đại dịch COVID-19 là một phần nguyên nhân.

Ngôi nhà Bình yên – một mô hình của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam dành cho phụ nữa và trẻ em nạn nhân của bạo lực gia đình và xâm hại – và Ngôi nhà Ánh dương – nơi cung cấp các dịch vụ hỗ trợ thiết yếu cho phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực giới của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp với Quỹ Dân số và Phát triển của Liên Hợp Quốc (UNFPA), đã nhận được một số lượng các cuộc gọi tăng gấp đôi trong khi các cuộc gọi tương tự tới Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Khoa học về Giới, Gia đình, Phụ nữ và Vị Thành niên (CSAGA) tăng 20% so với bình thường.

Đây cũng là một xu hướng chung trên toàn cầu khi nhiều quốc gia ghi nhận tỷ lệ tăng cao về bạo lực gia đình trong thời gian cách ly vì đại dịch virus corona.

Theo thống kê, tỷ lệ bạo lực gia đình tăng ít nhất 30% ở nhiều nước trên thế giới. Các báo cáo gần đây ở những nước có đại dịch COVID-19 cho thấy do cách ly xã hội và các biện pháp cách ly khác khiến những áp lực về xã hội và kinh tế hiện hữu dẫn đến bạo lực gia đình, đặc biệt ở trẻ em và phụ nữ.

“Bằng chứng cho thấy, bạo lực gia đình và bạo lực trên cơ sở giới gia tăng trong các cuộc khủng hoảng và thảm họa thiên tai”, theo Đại sứ Úc tại Việt Nam Robyn Mudie được truyền thông trích lời nói. “Trong đại dịch COVID-19, vấn đề mất việc làm và cách ly tại nhà đã khiến tỷ lệ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em tăng cao ở nhiều quốc gia trên thế giới”.

Ở Việt Nam, việc cách ly xã hội cũng đã buộc nhiều người phải ở trong nhà và đối mặt với nguy cơ tăng cao về bạo lực hay quấy rối tình dục tại nhà.

“Việc phải ở trong nhà hay tình trạng thất nghiệp đã gây ra sự bức xúc tăng cao để dẫn tới bạo lực nhiều hơn trong giai đoạn này”, giám đốc CSAGA, Nguyễn Vân Anh, nói và cho biết rằng tổ chức của bà, được sự hỗ trợ của Liên Hợp Quốc, đã cung cấp dịch vụ đường dây tư vấn cho người cần sự giúp đỡ mà không cần đến văn phòng trong thời gian đại dịch.

Tình trạng bạo lực vốn đã tồn tại một mối quan hệ bất bình đẳng trước đó và “giai đoạn này có nhiều cơ hội để kịch phát hơn”, theo bà Vân Anh.

“Tình trạng bạo lực gia đình và bạo lực với phụ nữ trước đây cũng đang là một vấn đề mà Việt Nam phải đương đầu”, giám đốc CSAGA cho biết.

Bất bình đẳng giới

Tình trạng bất bình đẳng giới, một nguyên nhân phổ biến toàn cầu, cũng chính là một lý do gây ra bạo lực gia đình và bạo lực đối với phụ nữ ở Việt Nam. Theo bà Vân Anh, những quan điểm kỳ thị những người bị bạo lực, như chê trách hoặc đổ lỗi cho những người bị bạo lực là “chị phải làm sao thì mới bị đánh” hay tâm lý “việc trong nhà đóng cửa bảo nhau” hoặc “xấu chàng hổ ai” đã khiến nhiều người phụ nữ bị bạo lực gia đình không dám công khai hay báo cáo tình trạng của mình.

Nghiên cứu quốc gia về bạo lực gia đình đối với phụ nữ do Tổng cục Thống kê phối hợp với UNFPA tại Việt Nam thực hiện năm 2010 cho thấy 58% phụ nữ đã lập gia đình hay từng lập gia đình bị ít nhất một trong ba loại hình bạo lực (bao gồm bạo lực thể xác, bạo lực tình dục hoặc bạo lực tinh thần vào một thời điểm nào đó trong đời). Khoảng 50% nạn nhân bị bạo lực đã không chia sẻ câu chuyện bạo lực mà họ phải chịu đựng với người khác và 87% phụ nữ bị bạo lực không tìm kiếm bất cứ sự giúp đỡ nào từ các đơn vị cung cấp dịch vụ công.

“Hệ thống trợ giúp sẵn có còn thiếu và đang còn yếu cho nên nếu người ta (muốn) kêu ca thì sẽ không biết làm thế nào để được xử lý thích đáng”, bà Vân Anh nói và cho biết ngay trong luật cũng còn một số vấn đề khiến tình trạng bạo lực gia đình không được giải quyết ở Việt Nam.

“Hình phạt bắt người đàn ông phải nộp tiền mà theo luật xử phạt hành chính khi chưa đến mức độ xử phạt hình sự”, bà Vân Anh nói. “Nhưng người đi nộp tiền thường là các bà vợ nên nó bất cập ở chỗ đấy. Cho nên ‘bây giờ mình tố cáo rồi ông chồng bị bắt thì cuối cùng mình cũng là người đi nộp tiền phạt và đưa cơm’”.

Sự thiếu thốn dịch vụ trợ giúp cho nam giới trong việc giải quyết xung đột gia đình là một nguyên nhân khác dẫn đến tình trạng bạo lực gia đình, theo bà Vân Anh. “Họ lúng túng trong cách xử lý các mâu thuẫn gia đình nên cần có sự trợ giúp để họ biết cách nên làm như thế nào để đảm bảo giải quyết được mâu thuẫn mà không phải sử dụng bạo lực”.

Ngoài ra, truyền thông cũng đóng một vai trò trong việc truyền tải các định kiến khiến sự bất bình đẳng giới gia tăng dẫn đến tình trạng bạo lực gia đình không thuyên giảm.

“Ngay trong truyền thông, người ta còn đang khẳng định một định kiến về khuôn mẫu giới đó là ‘phụ nữ thì phải chịu nhịn, phụ nữ thì phải mềm yếu, phụ nữ thì phải xinh đẹp, và những việc như thế còn tiếp tục gây ra sự bất bình đẳng giới rất nhiều”, bà Vân Anh nói.

Nạn nhân trẻ em

Không chỉ riêng phụ nữ, trẻ em cũng là nạn nhân của bạo lực gia đình gia tăng do ảnh hưởng của COVID-19.

Một khảo sát nhanh của Hội Bảo vệ Quyền Trẻ em Việt Nam tiến hành về ảnh hưởng của dịch COVID-19 đến trẻ em trong 15 ngày (từ 15 đến 30/4/2020). Kết quả từ 2.700 trẻ em dưới 18 tuổi và người chăm sóc trẻ trên toàn Việt Nam cho thấy trong thời kỳ này, 60% trẻ em gặp phải những khó khăn, áp lực trong việc học tập. Gần 50% trẻ tham gia khảo sát cho biết gặp áp lực do bị mắng và khoảng 8% bị đánh. Trong khi đó, hơn 32% trẻ em cảm thấy bố mẹ không gần gũi, quan tâm trong thời gian này.

Để hỗ trợ các hoạt động can thiệp nhằm xoá bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em tại Việt Nam trong bối cảnh COVID-19, chính phủ Việt Nam phối hợp với các tổ chức quốc tế và sự trợ giúp tài chính của chính phủ Úc, giữa tháng trước đã khởi động một dự án cho mục đích này. Dự án, trị giá 2,5 triệu đô la Úc, nhằm giúp các tổ chức xã hội ở Việt Nam tăng cường công tác phòng ngừa và ứng phó quốc gia nhằm đương đầu với vấn đề bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em trong bối cảnh đại dịch COVID-19. Đây là một phần trong gói ngân sách 10,5 triệu đô la Úc mà chính phủ Australia hỗ trợ Việt Nam trong công tác ứng phó với COVID-19.

Theo bà Vân Anh của trung tâm CSAGA, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong việc giải quyết bạo lực gia đình nhưng cần phải có những sự thay đổi trong luật pháp để giảm thiểu tình trạng này một cách hiệu quả hơn.

VOA Express

XS
SM
MD
LG