Đường dẫn truy cập

Trung Quốc kêu gọi Myanmar hợp tác duy trì ổn định biên giới


Ngoại trưởng Hàn Quốc Park Jin (giữa) họp với Thứ trưởng Ngoại giao Nhật Takehiro Funakoshi (trái) và Phụ tá ngoại trưởng Trung Quốc Nong Rong (phải) tại Bộ Ngoại giao Hàn Quốc ở Seoul, ngày 25/9/2023.
Ngoại trưởng Hàn Quốc Park Jin (giữa) họp với Thứ trưởng Ngoại giao Nhật Takehiro Funakoshi (trái) và Phụ tá ngoại trưởng Trung Quốc Nong Rong (phải) tại Bộ Ngoại giao Hàn Quốc ở Seoul, ngày 25/9/2023.

Myanmar nên hợp tác với Trung Quốc để duy trì sự ổn định trên biên giới chung, một quan chức Trung Quốc ngày 6/11 nói, sau khi giao tranh gia tăng ở Myanmar giữa lực lượng quân đội và quân nổi dậy làm rung chuyển khu vực.

Tuần trước, quân đội cầm quyền của Myanmar cho biết đang cố gắng lập lại trật tự gần biên giới sau khi một liên minh quân đội dân tộc thiểu số đấu tranh giành quyền tự quyết đã phát động một loạt cuộc tấn công phối hợp vào các mục tiêu của chính quyền quân sự.

“Myanmar được kêu gọi hợp tác với Trung Quốc để duy trì sự ổn định dọc biên giới Trung Quốc-Myanmar, nghiêm túc đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của cư dân biên giới Trung Quốc và thực hiện các biện pháp hiệu quả để tăng cường an ninh cho nhân viên Trung Quốc”, ông Nong Rong phụ tá ngoại trưởng Trung Quốc nói.

Phát ngôn viên quân đội cầm quyền Myanmar chưa đưa ra bình luận ngay.

Trang tin Asia Times đưa tin một công dân Trung Quốc thiệt mạng và một số người bị thương hôm 4/11 khi một quả đạn pháo do quân đội Myanmar bắn đi quá mục tiêu và rơi xuống phía biên giới phía Trung Quốc.

Ông Nong, người đã đến thăm Myanmar từ ngày 3 đến ngày 5 tháng 11, cho biết Trung Quốc hy vọng Myanmar sẽ khôi phục sự ổn định và hỗ trợ tất cả các bên giải quyết thỏa đáng những khác biệt và đạt được sự hòa giải thông qua đối thoại càng sớm càng tốt.

Thái Lan đang cố gắng đưa 162 công dân bị mắc kẹt do giao tranh ở Myanmar về nước.

Myanmar rơi vào tình trạng hỗn loạn kể từ cuộc đảo chính quân sự vào tháng 2 năm 2021, lật đổ chính phủ được bầu cử dân chủ do khôi nguyên giải Nobel Aung San Suu Kyi lãnh đạo.

Các nhóm nổi dậy ủng hộ dân chủ ở một số khu vực đã hợp tác với các du kích quân dân tộc thiểu số, những người đã vận động trong nhiều thập niên để giành được quyền tự chủ lớn hơn để chống lại các lực lượng chính quyền.

Trong khi các chính phủ phương Tây lên án quân đội Myanmar và áp đặt các chế tài đối với lực lượng này thì Trung Quốc cùng với Nga lại tỏ ra ủng hộ các tướng lĩnh. Trung Quốc cho biết họ ủng hộ Myanmar tìm ra con đường riêng và kêu gọi cộng đồng quốc tế tôn trọng chủ quyền của nước này.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuần trước cho biết đang theo dõi chặt chẽ cuộc xung đột ở Myanmar.

Phát ngôn viên Uông Văn Bân nói trong cuộc họp báo thường kỳ: “Chúng tôi kêu gọi các bên ngay lập tức ngừng giao tranh, giải quyết khác biệt một cách hòa bình thông qua đối thoại và tham vấn, đồng thời tránh leo thang”.

Ông Nong, trong chuyến thăm của mình, đã kêu gọi Myanmar tăng cường an ninh cho các định chế và dự án của Trung Quốc ở đó.

Ông cũng đến thăm đường ống dẫn khí đốt thiên nhiên dài 793 km, một phần của mạng lưới năng lượng và cơ sở hạ tầng Vành đai, Con đường của Trung Quốc, nối đảo Ramree trên bờ biển phía tây Myanmar với thành phố biên giới Thuỵ Lệ của Trung Quốc ở tỉnh Vân Nam.

Diễn đàn

Liên quan

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG