Đường dẫn truy cập

Tình hình lương thực Triều Tiên vẫn tồi tệ dù gia tăng buôn bán với Trung Quốc


Một cậu bé Triều Tiên đứng giữa vườn bắp bị thiệt hại vì bão lụt tại hợp tác xã Soksa-Ri ở tỉnh Nam Hwanghae ngày 29/9/2011.
Một cậu bé Triều Tiên đứng giữa vườn bắp bị thiệt hại vì bão lụt tại hợp tác xã Soksa-Ri ở tỉnh Nam Hwanghae ngày 29/9/2011.

Tình hình lương thực của Triều Tiên “vẫn còn tồi tệ” bất chấp việc gia tăng buôn bán với Trung Quốc, Bộ trưởng Bộ Thống nhất Hàn Quốc, người chịu trách nhiệm giải quyết các mối quan hệ với nước láng giềng, cho biết ngày 10/7.

Miền Bắc bị thiếu lương thực nghiêm trọng trong những thập niên gần đây, bao gồm cả nạn đói vào những năm 1990, thường là hậu quả của thiên tai, và các chuyên gia quốc tế đã cảnh báo rằng việc đóng cửa biên giới trong đại dịch COVID-19 làm cho vấn đề trở nên tồi tệ hơn.

Bộ trưởng Kwon Young-se của Hàn Quốc nói với các phóng viên: “Sản lượng mùa màng của Triều Tiên năm ngoái không tốt lắm nên tình hình lương thực năm nay cũng không khá”.

Ông Kwon cho biết thêm, tình trạng thiếu hụt đã được cải thiện nhờ nhập khẩu từ nước láng giềng Trung Quốc, mặc dù tình trạng chết vì đói ở một số vùng chủ yếu là do vấn đề phân phối.

“Giá cả thị trường đã ổn định ở một mức độ nhất định sau khi tăng mạnh do Triều Tiên bắt đầu nhập khẩu gạo và các loại ngũ cốc khác nhưng tình hình vẫn còn tồi tệ.”

Dữ liệu hải quan cho thấy xuất khẩu của Trung Quốc sang Triều Tiên đã tăng hơn gấp đôi trong hai tháng đầu năm 2023; đường cát, dầu đậu nành và gạo là những mặt hàng chính.

Khi đại dịch bao trùm thế giới vào năm 2020, chế độ của ông Kim Jong Un đã bắt tay vào việc phong tỏa biên giới với Trung Quốc và Nga, cắt các tuyến đường mà những kẻ buôn lậu và những người đào thoát thường sử dụng.

Ông Kwon cho biết số lượng người đào tị đến Hàn Quốc đã tăng nhẹ khi các biện pháp hạn chế COVID được nới lỏng.

Ba người đào tị Triều Tiên tại một trung tâm hỗ trợ tái định cư do nhà nước điều hành ở thành phố Anseong của Hàn Quốc cho biết việc kiểm tra danh tính và kiểm soát tăng cường trong đại dịch đã khiến họ phải rời Trung Quốc, nơi họ đã lưu trú.

Trong nhiều năm, các chuyên gia của Liên hiệp quốc đã chỉ trích Trung Quốc vì đã hồi hương những người đào tị Triều Tiên, những người mà Trung Quốc coi là những di dân bất hợp pháp chạy trốn khỏi đất nước vì lý do kinh tế.

Các nhà hoạt động nhân quyền đã lên tiếng lo ngại rằng nhiều người tị nạn có thể phải đối mặt với việc bị cưỡng chế hồi hương khi biên giới mở cửa trở lại.

“Những người đào tị Triều Tiên ở Trung Quốc sẽ đến Hàn Quốc nếu họ tin rằng con đường này an toàn,” một người đào tị giấu tên nói, đồng thời cho biết thêm rằng triển vọng hồi hương về Triều Tiên và những hậu quả của nó đã khiến nhiều người nản lòng.

Dữ liệu chính thức cho thấy chỉ có 67 người đào thoát đến được Hàn Quốc vào năm ngoái, so với 1.047 người vào năm 2019.

Diễn đàn

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG