Đường dẫn truy cập

Tập Cận Bình thúc đẩy cải cách kinh tế tại thượng đỉnh Trung - Triều


Lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong Un chào đón Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại sân bay quốc tế Bình Nhưỡng trong bức ảnh của Hãng Thông tấn Trung ương Triều Tiên công bố hôm 21/6.
Lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong Un chào đón Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại sân bay quốc tế Bình Nhưỡng trong bức ảnh của Hãng Thông tấn Trung ương Triều Tiên công bố hôm 21/6.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khuyến khích Triều Tiên tập trung vào phát triển kinh tế trong một bài phát biểu tại Bình Nhưỡng, một chủ đề mà Bắc Kinh từ lâu đã nhấn mạnh với nước láng giềng Cộng sản trong bối cảnh có những lo ngại về chương trình vũ khí hạt nhân Triều Tiên.

Trong một bài phát biểu tại một buổi yến tiệc tối ngày 20/6, ông Tập nhấn mạnh rằng quốc gia dưới quyền lãnh đạo Kim Jong Un đã “bắt đầu một dòng chiến lược mới về phát triển kinh tế và cải thiện phương kế sinh nhai của người dân, nâng cao xây dựng xã hội chủ nghĩa ở nước này lên một tầm cao mới,” theo Tân Hoa Xã, cơ quan thông tin chính thức của Trung Quốc.

Ông Tập rời Bắc Triều Tiên vào đầu giờ chiều ngày 21/6, theo truyền thông nhà nước Trung Quốc. Một bức ảnh đăng tải trên ứng dụng di động của đài truyền hình CCTV của nhà nước Trung Quốc cho thấy mọi người vẫy tay dõi theo chiếc Boeing 747 của Air China chở ông Tập đậu trên đường băng tại sân bay ở Bình Nhưỡng.

Trước khi lên đường về nước, ông Tập, cùng với ông Kim và hai vị phu nhân đã tới đặt vòng hoa tại đài tưởng niệm binh sĩ Trung Quốc thiệt mạng trong Chiến tranh Triều Tiên 1950-53. Sự can thiệp của Trung Quốc vào cuộc xung đột này đã giúp các lực lượng Bắc Triều Tiên tránh bị đại bại trước quân đội Mỹ và các lực lượng đồng minh do Liên Hiệp Quốc chỉ huy.

“Chúng tôi sẽ truyền lại mối quan hệ hữu nghị giữa Trung Quốc và Bắc Triều Tiên từ thế hệ này sang thế hệ khác, củng cố và phát triển sự nghiệp xã hội chủ nghĩa của hai quốc gia, nâng cao chất lượng cuộc sống của công dân của chúng ta và thúc đẩy hòa bình, ổn định, phát triển và thịnh vượng trong khu vực.”

Nền kinh tế Triều Tiên đã kiệt quệ từ nhiều năm qua hồi gần đây đã có một số dấu hiệu cải thiện, nhưng vẫn phụ thuộc rất nhiều vào viện trợ –chủ yếu từ Trung Quốc – và an ninh lương thực là mối quan tâm thường trực. Trung Quốc đã đồng ý về các biện pháp trừng phạt kinh tế của Liên Hiệp Quốc để trừng phạt Triều Tiên về chương trình hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng, tuy nhiên tỏ ra thận trọng với bất kỳ biện pháp nào có thể đẩy nền kinh tế Triều Tiên vào tình trạng hoàn toàn sụp đổ, dẫn tới bất ổn và hỗn loạn ở biên giới hai nước.

Truyền thông nhà nước Triều Tiên cho biết hôm 21/6 rằng ông Tập và ông Kim đã tổ chức các cuộc thảo luận rộng rãi về tình hình chính trị xung quanh Bán đảo Triều Tiên và đạt được sự hiểu biết chung về các vấn đề mà họ đã thảo luận. Hãng Thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) không đưa ra bất kỳ chi tiết cụ thể nào về các cuộc đàm phán hạt nhân bị đình trệ giữa Washington và Bình Nhưỡng do những bất đồng trong việc thương lượng đổi cấm vận lấy giải trừ vũ khí.

Chuyến thăm của ông Tập đánh dấu lần đầu tiên một chủ tịch Trung Quốc tới thăm Triều Tiên trong vòng 14 năm qua.

Theo dự kiến ông Tập sẽ gặp Tổng thống Mỹ Donald Trump vào tuần tới tại Nhật Bản và có thể chuyển tới ông Trump một lời nhắn từ ông Kim về các cuộc đàm phán hạt nhân.

Cuộc đàm phán hạt nhân giữa Mỹ và Triều Tiên đã đổ vỡ sau hội nghị thượng đỉnh thất bại giữa ông Kim và ông Trump tại Việt Nam vào tháng 2.

Mỹ đòi Triều Tiên từ bỏ hoàn toàn vũ khí hạt nhân trước khi dỡ bỏ các lệnh trừng phạt quốc tế. Trong khi đó, Triều Tiên mưu tìm một lối tiếp cận từng bước hướng tới phi hạt nhân hóa diễn ra song song với những nhượng bộ từ Mỹ, đặc biệt là sự nới lỏng các biện pháp cấm vận.

Ông Tập dự kiến sẽ ủng hộ những lời kêu gọi của Triều Tiên cho một quá trình tuần tự để giải trừ vũ khí. Trung Quốc cũng đang thúc đẩy việc nối lại các cuộc đàm phán sáu bên về giải trừ vũ khí do Trung Quốc chủ trì trước đây, nhưng đã đổ vỡ cách đây một thập kỷ.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG