Đường dẫn truy cập

Chủ tịch Triều Tiên cảnh báo tình trạng ‘căng thẳng’ về lương thực, phong toả lâu dài vì COVID


Lãnh đạo Tiều Tiên Kim Jong Un, tại cuộc họp toàn thể của Uỷ ban Trung ương Đảng Công nhân Triều Tiên hôm 15/6, cảnh báo về tình hình lương thực "căng thẳng" và khả năng phong toả trong thời gian dài vì đại dịch virus corona.
Lãnh đạo Tiều Tiên Kim Jong Un, tại cuộc họp toàn thể của Uỷ ban Trung ương Đảng Công nhân Triều Tiên hôm 15/6, cảnh báo về tình hình lương thực "căng thẳng" và khả năng phong toả trong thời gian dài vì đại dịch virus corona.

Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un cảnh báo về tình trạng thiếu lương thực có thể xảy ra và thúc giục nước này chuẩn bị cho việc gia tăng các hạn chế vì COVID-19 khi phát biểu khai mạc tại một hội nghị chính trị lớn để thảo luận về các nỗ lực của quốc gia nhằm cứu vãn nền kinh tế đang bị đổ vỡ.

Hãng Thông tấn Trung ương chính thức của Triều Tiên (KCNA) cũng cho biết hôm 16/6 rằng ông Kim đã kêu gọi các cuộc thảo luận về cách Triều Tiên nên đối phó với “tình hình quốc tế hiện tại”, mặc dù hãng tin này không đề cập đến bất kỳ bình luận cụ thể nào của ông Kim về Mỹ hoặc Hàn Quốc.

Triều Tiên cho đến nay đã phớt lờ lời kêu gọi của các đồng minh nhằm nối lại các cuộc đàm phán hạt nhân đã bị đình trệ trong hai năm qua sau thất bại của hội nghị thượng đỉnh đầy tham vọng giữa ông Kim với cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump. Thượng đỉnh bị “trật bánh” bởi những bất đồng khi hai bên trao đổi về việc giảm bớt các biện pháp trừng phạt do Mỹ dẫn đầu để đổi lại việc thực hiện các bước phi hạt nhân hóa của Triều Tiên.

Nền kinh tế của Triều Tiên đã sa sút trong bối cảnh đóng cửa biên giới vì đại dịch, gây tắc nghẽn giao thương với Trung Quốc, trong khi các cơn bão lớn mùa hè năm ngoái đã tàn phá mùa màng.

Các nhà theo dõi đánh giá tình hình Triều Tiên vẫn chưa thấy dấu hiệu của nạn đói hàng loạt hoặc bất ổn lớn, nhưng một số nhà phân tích cho rằng các điều kiện có thể kết hợp lại với nhau tạo thành “cơn bão hoàn hảo” làm suy sụp các thị trường thực phẩm và trao đổi cũng như gây ra sự hoảng loạn của công chúng. Viện Phát triển Triều Tiên, một cơ quan tư vấn của chính phủ Hàn Quốc, cho biết vào tháng trước rằng Triều Tiên có thể đối mặt với tình trạng thiếu khoảng 1 triệu tấn lương thực trong năm nay.

Trong cuộc họp toàn thể của Ủy ban Trung ương Đảng Công nhân cầm quyền khai mạc hôm 15/6, ông Kim kêu gọi các quan chức tìm cách thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, và nói rằng tình hình lương thực của đất nước “hiện đang trở nên căng thẳng”.

KCNA cho biết ông Kim cũng “đặt ra các nhiệm vụ cho nhà nước để duy trì trạng thái chống dịch hoàn hảo” – cho thấy Triều Tiên sẽ kéo dài thời gian phong toả vì đại dịch bất chấp nền kinh tế đang căng thẳng của nước này.

Mặc dù bản tin của KCNA không đưa ra các chi tiết cụ thể, nhưng cuộc họp của đảng cung cấp thêm manh mối về mức độ thiếu hụt lương thực và hàng tiêu dùng nghiêm trọng ở Triều Tiên, theo ông Leif-Eric Easley, giáo sư nghiên cứu quốc tế tại Đại học Ewha ở Seoul.

“Các hạn chế kéo dài về biên giới do đại dịch đang gây ra thiệt hại cho nền kinh tế khi các chỉ số về giá cả và tỷ giá hối đoái đang trở nên tồi tệ hơn”, Gs. Easley nói.

Các chuyên gia rất nghi ngờ về tuyên bố của Triều Tiên rằng họ không có một trường hợp nhiễm COVID-19 nào, trong bối cảnh cơ sở hạ tầng y tế kém cỏi và đường biên giới không chặt chẽ với Trung Quốc, đồng minh chính và huyết mạch kinh tế của họ.

Ông Kim đã kêu gọi cuộc họp của đảng xem xét các nỗ lực trên toàn quốc nhằm tái thiết nền kinh tế trong nửa đầu năm. Trong khi nói về các điều kiện “không thuận lợi” và các thách thức hôm 15/6, ông Kim cũng bày tỏ sự đánh giá cao về những gì ông mô tả là những cải thiện, và tuyên bố rằng sản lượng công nghiệp của đất nước đã tăng 25% so với năm ngoái, theo KCNA.

Bản tin còn cho biết cuộc họp của Ủy ban Trung ương sẽ tiếp tục nhưng không nói rõ cho đến khi nào.

Triều Tiên tổ chức đại hội đầu tiên của đảng cầm quyền sau 5 năm vào tháng 1 vừa qua, khi nước này đề ra kế hoạch phát triển trong 5 năm tới. Tại cuộc họp đó, ông Kim kêu gọi đất nước kiên cường trong cuộc đấu tranh để tự cường kinh tế. Ông cũng kêu gọi tái xác nhận quyền kiểm soát của nhà nước đối với nền kinh tế, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp và ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp hóa chất và kim loại.

Các chuyên gia cho rằng những lĩnh vực này là rất quan trọng để phục hồi sản xuất công nghiệp vốn đã bị suy giảm bởi các lệnh trừng phạt và việc ngừng nhập khẩu nguyên liệu cho các nhà máy trong bối cảnh đại dịch.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG