Đường dẫn truy cập

Triều Tiên: LHQ cảnh báo về vụ mùa tồi tệ nhất thập niên


Một phụ nữ Triều Tiên cõng con đi ngang cánh đồng lúa gần Suriwon. Triều Tiên đã phải vật lộn với tình trạng thiếu lương thực kinh niên trong nhiều thập niên.
Một phụ nữ Triều Tiên cõng con đi ngang cánh đồng lúa gần Suriwon. Triều Tiên đã phải vật lộn với tình trạng thiếu lương thực kinh niên trong nhiều thập niên.

Sản lượng lương thực của Triều Tiên vào năm ngoái đã giảm xuống mức thấp nhất trong hơn một thập niên do thiên tai tại một đất nước vốn đã bị quốc tế trừng phạt vì chương trình vũ khí của mình, Reuters dẫn tin từ Liên Hiệp Quốc cho biết hôm 6/3.

Trong nhiều thập niên qua, Triều Tiên đã phải vật lộn với tình trạng thiếu lương thực kinh niên khi đối mặt với hệ thống phân phối lương thực kém hiệu quả và các lệnh trừng phạt quốc tế áp đặt lên nước này vì các chương trình hạt nhân và tên lửa.

Năm ngoái, Bình Nhưỡng kêu gọi một “trận chiến toàn lực” chống lại “đợt sóng nhiệt” chưa từng có, và hồi tháng trước đại diện nước này tại Liên Hiệp Quốc ở New York cảnh báo về một cuộc khủng hoảng lương thực.

Một đợt nắng nóng kéo dài cùng với bão và lũ lụt đã gây thiệt hại lớn cho việc thu hoạch lương thực, giảm 9% so với năm 2017, xuống mức thấp nhất trong hơn một thập niên, Reuters dẫn nguồn tin Liên Hiệp Quốc cho biết.

Bà Margareta Wahlstrom, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Thụy Điển, nói với Reuters sau chuyến thăm Triều Tiên hồi cuối năm ngoái rằng sản lượng ngô đã giảm hơn 30% so với mức trung bình ở một số khu vực, và giá gạo có thể sẽ tăng trong năm nay, làm cho tình hình an ninh lương thực thêm tệ hại.

Điều này dẫn đến “khoảng cách lương thực đáng kể”, đẩy khoảng 3,8 triệu người, tương đương 6,6% trong tổng số 25 triệu dân của Triều Tiên, vào tình cảnh cần được hỗ trợ nhân đạo, với trị giá tổng cộng 120 triệu USD, Reuters dẫn lời Điều phối viên thường trú của LHQ ở Triều Tiên, Tapan Mishra, cho biết.

Liên Hiệp Quốc đã cố gắng kêu gọi các nhà tài trợ đằng sau các chương trình của Triều Tiên, và cho biết chương trình “Nhu cầu và Ưu tiên” năm 2018 của họ dành cho quốc gia bị cô lập chỉ nhận được tài trợ ở mức 24%.

Điều phối viên Mishra viện dẫn các lệnh trừng phạt quốc tế là một thách thức lớn gây ra chậm trễ trong việc cung cấp viện trợ và buộc các nhóm cứu trợ phải thu hẹp hoạt động của họ ở miền Bắc.

Các biện pháp trừng phạt của Hoa Kỳ về mặt kỹ thuật là không áp dụng cho các hoạt động nhân đạo. Nhưng viện trợ nhân đạo cho miền Bắc gần như đã bị dừng lại vào năm ngoái do những giải thích nghiêm ngặt về lệnh cấm trong giao dịch ngân hàng và vận chuyển với Bình Nhưỡng, cũng như lệnh cấm du lịch đối với công dân Hoa Kỳ, theo hàng chục quan chức tại các tổ chức dân sự của Hoa Kỳ và LHQ.

Tháng 8 năm ngoái, Liên Hiệp Quốc thông qua một đề xuất của Hoa Kỳ trong việc phê duyệt cho các lô hàng viện trợ. Sau cuộc họp với các nhóm cứu trợ vào tháng 1, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ hứa sẽ tạo điều kiện cho các hoạt động của họ ở Triều Tiên trong một động thái nhằm mục đích thúc đẩy các cuộc đàm phán hạt nhân với Bình Nhưỡng.

Theo lời điều phối viên Mishra và ít nhất bốn tổ chức khác, hiện vẫn chưa có dấu hiệu cải thiện rõ ràng, trong khi các thủ tục phê duyệt phức tạp tiếp tục làm chậm công tác phân phối các gói thực phẩm cơ bản, thiết bị y tế và các vật tư khác.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG