Đường dẫn truy cập

Thế giới hy vọng Trung Quốc giúp chặn nguy cơ suy thoái toàn cầu


Apple đã hạ dự báo tăng trưởng doanh số do nhu cầu điện thoại thông minh sụt giảm ở Trung Quốc
Apple đã hạ dự báo tăng trưởng doanh số do nhu cầu điện thoại thông minh sụt giảm ở Trung Quốc

Mười năm kể từ khi Trung Quốc giúp thế giới ngăn nguy cơ suy thoái toàn cầu với một kế hoạch kích thích khổng lồ, các nhà đầu tư một lần nữa lại hướng về Bắc Kinh trong lúc kinh tế thế giới đang trên đà suy giảm hoặc tệ hơn trong năm 2019.

Nền kinh tế bùng nổ của Trung Quốc đã chiếm một phần ba tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong những năm gần đây.

Do đó những dấu hiệu gần đây rằng tăng trưởng toàn cầu đang mất thời cơ đang khiến thị trường lo ngại. Tăng trưởng của Mỹ mà động lực là gói cắt giảm thuế hồi năm 2017 của Tổng thống Donald Trump, dường như đã đạt đỉnh trong khi các nền kinh tế lớn của châu Âu đang trì trệ.

Sự suy giảm của Trung Quốc đang được cảm nhận trên khắp thế giới, từ cảnh báo lợi nhuận của hãng Apple do doanh số iPhone giảm sút cho đến hãng xe Jaguar Land Rover sa thải nhân công sau khi doanh số bán xe ở Trung Quốc đã sụt 22% trong năm 2018.

Các nguồn tin chính sách nói với Reuters ở Bắc Kinh hôm 11/1 rằng chính phủ đang đặt mục tiêu tăng trưởng thấp hơn trong năm 2019 là vào khoảng 6 cho đến 6,5% so với mục tiêu 6,6% trong năm 2018 vốn là tốc độ tăng trưởng chậm nhất kể từ năm 1990.

Trong những ngày đầu tiên của năm 2019, Trung Quốc đã tăng chi tiêu cơ sở hạ tầng với khoản đầu tư 34 tỷ đô la cho đường sắt và Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã nới lỏng tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với các ngân hàng để cho phép họ cho vay nhiều hơn, lần thứ năm họ có động thái này trong năm nay.

“Trung Quốc, đó là nỗi lo lớn nhất của tôi,” ông Joachim Fels, giám đốc điều hành và cố vấn kinh tế toàn cầu của Công ty Quản lý Đầu tư Thái Bình Dương, cho biết trong khi ông nghiên cứu triển vọng kinh tế thế giới trong năm 2019.

Bên cạnh nhu cầu nhập khẩu giảm sút, tăng trưởng giảm sâu của Trung Quốc sẽ làm suy yếu đồng nhân dân tệ và thổi bùng ngọn lửa chiến tranh thương mại giữa Bắc Kinh và Washington.

Tuy nhiên, ông Fels nói rằng các mô hình suy thoái của ông cho năm 2019 chỉ phát ra cảnh báo cam chứ không phải cảnh báo đỏ - một phần bởi vì Cục dự trữ Liên bang có khả năng sẽ ngưng đà tăng lãi suất sau khoản một hai lần tăng nữa.

Trung Quốc được trông đợi sẽ làm nhiều hơn để củng cố nền kinh tế của họ, mặc dù các quan chức ở Bắc Kinh nói rằng họ không định đưa ra gói kích thích kinh tế ở quy mô gần như gói 600 tỷ đô la mà họ tung ra hồi năm 2008, chẳng lâu sau khi Ngân hàng Lehman Brothers sụp đổ.

“Khi nhìn vào lịch sử sẽ khó mà cho rằng giới chức Trung Quốc sẽ không tìm cách bình ổn nền kinh tế của họ,” Jim McCormick, người phụ trách chiến lược trên toàn cầu cho Ngân hàng RBS, nói.

“Khi Trung Quốc muốn bình ổn nền kinh tế của họ, họ thường sẽ thành công.”

Hồi tháng 11, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đã giảm bớt dự báo tăng trưởng Trung Quốc cho năm 2019 xuống 6.3 và 6% cho năm 2020.

Kể từ đó, tác động của căng thẳng thương mại Mỹ-Trung đã trở nên rõ ràng hơn, nhà kinh tế cấp cao Margit Molnar của OECD nói và cho biết dự báo này có thể sẽ tiếp tục bị giảm nữa.

Tỷ lệ vay mượn cao hơn của các chính quyền địa phương ở Trung Quốc là dấu hiệu cho thấy chi tiêu cho cơ sở hạ tầng sắp sửa tăng lên, bà cho biết, và điều này nhiều khả năng sẽ giúp cân bằng lại lòng tin đang lung lay của người tiêu dùng Trung Quốc.

“Vấn đề chính là đảm bảo sự suy giảm dần dần,” Molnar nói.

Vào thời điểm này, những quan ngại của nhà đầu tư về kinh tế toàn cầu vào cuối năm 2018 đã giảm bớt, dẫn đến sự phục hồi của các thị trường chứng khoán bị chao đảo.

Vòng đàm phán thương mại giữa phái đoàn Mỹ và Trung Quốc ở Bắc Kinh vừa qua đã không chấm dứt trong sự thù nghịch.

Và ở châu Âu, sự suy giảm có lẽ một phần là do những nhân tố đơn lẻ chẳng hạn những quy định về ô nhiễm mới đối với các hãng xe và tác động của phong trào biểu tình áo vàng ở Pháp vốn đã tác động đến các chuỗi cung ứng vượt biên giới qua nước Đức.

Ông Steven Bell, kinh tế gia trưởng thuộc Công ty Quản lý Tài sản Toàn cầu BMO, nói rằng một cuộc khảo sát các giám đốc mua hàng trong khu vực tư trên khắp thế giới đã cho thấy sản xuất công nghiệp sẽ tăng lên trong thời gian không xa lắm.

Và đối với nhiều người tiêu dùng ở các nước giàu, lạm phát thấp và mức lương tăng dần dần sẽ giúp tăng sức mua của họ.

Nhưng ngay cả khi kinh tế thế giới tránh được suy giảm, nó vẫn đối mặt với những thách thức cơ bản nghiêm trọng.

Nhiều nước dường như bị kẹt trong lối mòn của tốc độ tăng trưởng sản lượng thấp vốn khiến cho thu nhập ngưng trệ và nền chính trị dân túy có điều kiện trỗi dậy, từ việc ông Trump đắc cử Tổng thống ở Mỹ cho đến các cuộc biểu tình ở Pháp.

Ở Anh, lãnh đạo cánh tả cực đoan của Đảng Lao động đối lập đang khiến cho các nhà đầu tư lo lắng sau khi Thủ tướng Theresa May gây chia rẽ cho Đảng Bảo thủ của bà với kế hoạch nước Anh ra khỏi Liên minh châu Âu có thỏa thuận vào cuối tháng Ba.

Gabriel Sterne, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu vĩ mô toàn cầu tại Oxford Economics, nói rằng các chính trị gia đang đối mặt áp lực phải chú ý đến sự bất mãn của các cử tri sau nhiều năm thắt lưng buộc bụng có thể giúp chấm dứt việc thắt chặt quá mức chi tiêu công của một số chính phủ.

“Ngược lại, tình huống xấu nhất là các chính trị gia nản lòng đã vội vã đả kích hay giành quyền kiểm soát các định chế quan trong khiến tính độc lập của ngân hàng trung ương bị mất,” ông nói.

“Các tài sản bị tổn thương ở các nền kinh tế tiên tiến sẽ phản ứng như thể đang trong một cuộc khủng hoảng thị trường đang bùng phát.”

(Theo Reuters)

VOA có ứng dụng mới

Xem tin tức VOA trực tiếp trên điện thoại và máy tính bảng! Ứng dụng VOA có thiết kế mới và cải thiện khả năng truy cập tin tức. Các tính năng mà bạn yêu thích trước đây được tích hợp cùng các công cụ vượt tường lửa để truy cập tin tức VOA bằng 22 ngôn ngữ.

Tải ứng dụng VOA trên App StoreGoogle Play!

VOA Express

XS
SM
MD
LG