Đường dẫn truy cập

Tại sao Mỹ-Philippines ban hành định hướng phòng thủ song phương?


Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. (trái) đi cùng Tổng thống Mỹ Joe Biden tại hành lang dẫn đến Phòng Bầu Dục, Tòa Bạch Ốc, ngày 1/5/2023.
Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. (trái) đi cùng Tổng thống Mỹ Joe Biden tại hành lang dẫn đến Phòng Bầu Dục, Tòa Bạch Ốc, ngày 1/5/2023.

Hoa Kỳ và Philippines nhất trí các hướng dẫn mới cho Hiệp ước phòng thủ chung 1951, sau những yêu cầu của Manila muốn làm rõ các điều kiện mà Washington sẽ bảo vệ Philippines.

Tại sao Philippines muốn làm rõ?

Mặc dù Hoa Kỳ đã trấn an Philippines rằng quan hệ đối tác quốc phòng của họ là “sắt đá”, nhưng Manila đã lập luận rằng hiệp ước có tuổi đời 7 thập niên cần được cập nhật để phản ánh một môi trường an ninh toàn cầu khác.

Thúc đẩy lần này của Philippines dưới thời Tổng thống Ferdinand Marcos Jr., người có mặt tại Washington trong tuần này, được đưa ra trong lúc Philippines than phiền về thái độ hung hăng ngày càng tăng tại Biển Đông của các tàu tuần duyên và tàu đánh cá Trung Quốc tình nghi là dân quân biển.

Philippines, quốc gia phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu năng lượng, cũng muốn bắt đầu khai thác trữ lượng khí đốt tự nhiên trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của họ mà Trung Quốc cũng nhận chủ quyền.

Để biết rõ ràng về thời điểm nước cai trị thuộc địa cũ của họ sẽ đến giải cứu, Philippines muốn có một cam kết rõ ràng từ đồng minh của mình và để Trung Quốc rút lui.

Có gì thay đổi?

Các định hướng do Ngũ Giác Đài ban hành hiện đề cập cụ thể rằng các cam kết phòng thủ chung sẽ được viện dẫn nếu có một cuộc tấn công vũ trang vào một trong hai quốc gia “ở bất kỳ đâu trên Biển Đông”. Một bổ sung khác xác định rằng các tàu tuần duyên nằm trong số những thực thể được bảo vệ.

Định hướng cũng đề cập đến sự cần thiết phải làm việc cùng nhau để xem xét “chiến tranh bất đối xứng, hỗn hợp và bất thường và các chiến thuật vùng xám”.

Cụm từ “chiến thuật vùng xám” thường được sử dụng để mô tả việc Trung Quốc dùng lực lượng tuần duyên và đội tàu đánh cá để khẳng định yêu sách lãnh thổ rộng lớn ở Biển Đông thông qua các biện pháp phi quân sự, bao gồm phong tỏa và đe dọa cũng như các động thái cản trở hoạt động đánh bắt cá và thăm dò năng lượng.

Trung Quốc khẳng định lực lượng tuần duyên của họ hoạt động hợp pháp trong vùng biển của họ.

Tại sao lại là bây giờ?

Căng thẳng với Trung Quốc đã gia tăng gần đây. Tháng trước, Philippines đã cáo buộc lực lượng tuần duyên Trung Quốc thực hiện “các thao tác nguy hiểm” và “chiến thuật hung hăng” trong một cuộc tuần tra của lực lượng tuần duyên Philippines gần Bãi Cỏ Mây, một rạn san hô do một lực lượng hải quân nhỏ của Philippines chiếm giữ và nằm cách bờ biển của họ 195 km.

Vào tháng 2, Philippines cho biết một tàu Trung Quốc đã chiếu tia laser cấp độ quân sự vào một trong các tàu tiếp tế của hải quân nước này trong cùng khu vực.

Philippines và một số nước láng giềng trong những năm gần đây đã phàn nàn về hành vi của lực lượng tuần duyên và ngư dân Trung Quốc, sau khi các tàu nhỏ hơn bị đâm, chặn, hoặc bị phun vòi rồng.

Trung Quốc, nước tuyên bố chủ quyền đối với các đảo, rạn san hô và vùng biển cách bờ biển của họ 1.500 km, kể cả trong vùng đặc quyền kinh tế của năm quốc gia láng giềng, thường cáo buộc các tàu khác khiêu khích hoặc xâm phạm.

Điều này thay đổi tình hình như thế nào?

Biết được các tình huống mà Hoa Kỳ buộc phải can thiệp theo hiệp ước có thể là một biện pháp ngăn chặn khiến Bắc Kinh phải suy nghĩ lại về một số chiến lược Biển Đông để tránh đối đầu với các lực lượng Hoa Kỳ, bao gồm cả cách hành xử của lực lượng tuần duyên nước này.

Nhưng Trung Quốc cũng có thể sử dụng các tàu của mình để thử thách các giới hạn trong cam kết quốc phòng của Hoa Kỳ và cố gắng làm suy yếu liên minh, đặt Washington vào một tình thế éo le, có thể phải lưỡng lự can thiệp vì lo ngại về sự leo thang hoặc tính toán sai lầm.

Một số nhà phân tích đã lập luận rằng Philippines và Hoa Kỳ được phục vụ tốt hơn bởi một hiệp ước phòng thủ chung mơ hồ hơn.

Diễn đàn

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG