Đường dẫn truy cập

Tòa án Tối cao Mỹ chất vấn về đạo luật y tế của Tổng Thống Obama


9 vị Thẩm phán Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ
9 vị Thẩm phán Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ

Hôm thứ Ba, đạo luật về chăm sóc sức khỏe do Tổng Thống Barack Obama ký ban hành có thể gặp trở ngại về phương diện pháp lý sau những cuộc tranh luận trước Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ về vấn đề liệu đạo luật này có hợp hiến hay không. Vụ kiện trước Tòa án Tối cao là một cuộc đối đầu lớn về pháp lý và chính trị liên quan đến cải tổ tổ hệ thống chăm sóc sức khỏe mà Tổng Thống đã ký ban hành hai năm trước đây mặc bị Đảng Cộng Hòa đối lập dầu phản đối kịch liệt.

Vào ngày thứ nhì của ba ngày tranh luận trước Tòa án Tối cao, chín vị thẩm phán Tối Cao Pháp Viện xét tới một vấn đề quan trọng của đạo luật chăm sóc sức khỏe buộc mọi cá nhân phải mua bảo hiểm sức khỏe.

Điều khoản này đòi hỏi tất cả các công dân Mỹ phải mua bảo hiểm sức khỏe, bắt đầu vào năm 2014 nếu không sẽ bị phạt. Những người ủng hộ nói sự bó buộc này là điều cần thiết để giúp san sẻ phí tổn hầu giúp cho hằng triệu công dân được bảo hiểm y tế mà trước đây họ không có. Những người phản đối coi sự bó buộc này là một hành động bất hợp hiến của chính phủ liên bang.

Trong cuộc tranh luận hôm thứ Ba, các thẩm phán có xu hướng bảo thủ trong Tòa Án Tối Cao tỏ ý hoài nghi là hiến pháp Hoa Kỳ lại cho phép chính phủ buộc cá nhân phải mua bảo hiểm.

Thẩm phán Antonin Scalia, một trong những nhà bảo thủ hàng đầu của Tòa án Tối cao, nói:

“Chính phủ liên bang không thể là một chính phủ có tất cả mọi quyền hạn, chính phủ này phải được coi là có quyền hạn hạn chế và đây là mục đích của cuộc tranh luận này. Nếu chính phủ có thể làm chuyện này buộc mọi người mua bảo hiểm) thì còn điều gì khác mà chính phủ không thể làm?”

Ông Scalia là một trong bốn thẩm phán Tòa án Tối cao có chín thành viên vẫn kiên định giữ lập trường bảo thủ.

Bốn thẩm phán khác tất cả đều được bổ nhiệm bởi các Tổng Thống thuộc Đảng Dân Chủ có thành tích cấp tiến hơn. Các vị này thường cởi mở hơn đối với ý kiến cho rằng đạo luật về chăm sóc sức khỏe là hợp hiến. Trong số các vị này có thẩm phán Stephen Breyer. Ông nói:

“Đạo luật này cho thấy là có một vấn đề toàn quốc liên quan tới tài chính, phí tổn và bảo hiểm.”

Lá phiếu then chốt trong nhiều vụ phân xử tại Tối Cao Pháp Viện là của thẩm phán Anthony Kennedy, người thường được các chuyên gia pháp luật theo dõi các vụ phân xử của Tòa án Tối cao nói tới như là vị “thẩm phán có thể thay đổi giờ chót”

Ông Kennedy dường như cũng có vẻ hoài nghi về quyền của quốc hội bó buộc mọi người mua bảo hiểm sức khỏe:

“Khi thay đổi quan hệ của cá nhân sang cho chính phủ trong vấn đề này, theo tôi, đó là một phương thức độc nhất vô nhị, không lẽ chúng ta không mang một gánh nặng là phải biện minh rằng thẩm quyền này có hợp hiến hay không?”

Trong khi các cuộc tranh luận tiếp tục trước Tòa án Tối cao, những người biểu tình ở cả hai phía ủng hộ và phản đối đã tuần hành bên ngoài tòa án sang tới ngày thứ nhì.

Đạo luật về chăm sóc sức khỏe đã gây nhiều tranh cãi ngay từ bước khởi đầu. Đạo luật này đã được thông qua tại quốc hội hai năm trước đây và chỉ có các nhà làm luật Đảng Dân Chủ ủng hộ. Và các cuộc thăm dò công luận cho thấy nước này vẫn chia rẽ sâu đậm trong vấn đề này.

Theo dự kiến Tối Cao Pháp Viện sẽ đưa ra phán quyết về tính hợp hiến hay không của đạo luật cải tổ y tế vào khoảng thời gian trước cuối tháng Sáu, và nhiều chuyên gia nói rằng phán quyết này sẽ có ảnh hưởng đối với cuộc bầu cử Tổng Thống và quốc hội trong năm nay.

VOA Express

XS
SM
MD
LG