Đường dẫn truy cập

Biểu tình có liên quan đến bầu cử lan ra thêm nhiều thành phố ở Nga


Cảnh sát chống bạo động đã xô xát và bắt giữ tổng cộng 300 người.
Cảnh sát chống bạo động đã xô xát và bắt giữ tổng cộng 300 người.

Đảng cầm quyền ở Nga thắng có nửa số phiếu trong cuộc bầu cử hôm chủ nhật. Nhưng phe chống đối cho rằng ngay cả thành tích yếu kém đó cũng là nhờ gian lận tràn lan. Nay họ đang biểu tình phản đối sự kiện này.

Các cuộc biểu tình phản đối cuộc bầu cử Quốc hội hôm chủ nhật đang lan ra khắp nước Nga.

Hôm qua, bộ nội vụ đã đổ vào trung tâm Moscow hàng chục xe tải nhà tù và tới 50 ngàn cảnh sát và binh sĩ.

Bất kể sự phô trương lực lượng này, người biểu tình vẫn ra mặt và cảnh sát chống bạo động đội mũ bảo hộ đen đã xô xát và bắt giữ tổng cộng 300 người, phần lớn tại các lề đường ở đại lộ Tverskaya, là nơi mua sắm sang trọng nhất thủ đô.

Cảnh sát bắt giữ thêm 200 người nữa ở St. Petersburg và hàng chục người khác ở các thành phố khác. Dozhd, một kênh truyền hình Internet tư nhân tường thuật rằng các cuộc biểu tình đã diễn ra tại 50 thành phố Nga.

Tại Moscow, cảnh sát bảo vệ người biểu tình ủng hộ chính phủ đánh trống và hô khẩu hiệu “Rossiya, Rossiya.”

Nhiều người biểu tình dường như là học sinh sinh viên, tiến vào thành từng nhóm, và rõ ràng là không quen thuộc với các đường phố và xe điện ngầm ở trung tâm Moscow.

Anh Denis, một thành viên của một đảng đối lập là Yabloko, đã núp trong một trạm xe điện ngầm Mayakovskaya. Anh nói rằng anh nghĩ những người biểu tình ủng hộ chính phủ được trả tiền.

Với phe đối lập dự dịnh tổ chức một cuộc biểu tình lớn ở Moscow vào ngày thứ bẩy, một thẩm phán đã tuyên phạt 15 ngày tù hai người tổ chức về tội bất tuân lệnh cảnh sát hôm thứ hai. Hai người này là Ilya Yashin, một nhà hoạt động, và Alexey Navalny, một blogger có hàng triệu độc giả trên mạng.

Sử dụng một sách lược khác, hai nhân vật cầm quyền Nga tìm cách xoa dịu sự phẫn nộ đang lan tràn vì cuộc bầu cử bằng cách loan báo những nhượng bộ nhỏ trên đài truyền hình toàn quốc.

Thủ tướng Vladimir Putin hứa sẽ cải tổ chính phủ nếu ông được bầu làm Tổng thống vào tháng 3.

Ông Putin hứa sẽ thay đổi các tỉnh trưởng và nội các. Nội các đã tiếp tục gần như không thay đổi gì trong 4 năm ông Medvedev nắm quyền, nay được nhiều người coi là một thời gian tạm quyền.

Về phần mình, Tổng thống Medvedev đã ra lệnh cho cơ quan chính phủ thực hiện cuộc bầu cử hôm chủ nhật điều tra các báo cáo về gian lận phiếu. Tổng thống Nga cũng phản ứng gay gắt trước những lời chỉ trích của phương Tây về cuộc bầu cử hôm chủ nhật.

Ông Medvedev nói đối với người nước ngoài, hệ thống chính trị của Nga “không phải là việc của họ.”

Nhưng Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton, trong chuyến thăm Lithuania ngay cạnh nước Nga, đã tăng thêm lời chỉ trích hôm qua, và nói rằng cuộc bầu cử ở Nga “không công bằng mà cũng chẳng tự do.”

Một nữ phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Nga lập tức đáp lại rằng lời bình của bà Clinton là “không thể chấp nhận được.”

Hôm thứ hai, sau khi bà Clinton kêu gọi điều tra những lời tố cáo gian lận, ông Konstantin Kosachev, một thành viên kỳ cựu trong đảng cầm quyền, đã lên án lời kêu gọi là “một trong những trang đen tối nhất trong bang giao Nga-Mỹ.”

Hôm qua, thượng nghị sĩ Hoa Kỳ John McCain, thuộc đảng Cộng hòa, còn tỏ ra ít ngoại giao hơn nữa.

Sau khi nghe tin về những vụ bắt giữ đêm thứ hai gần điện Kremli, nghị sĩ McCain đã dùng twitter gửi một thông điệp cho Thủ tướng Putin nói rằng: “Ông Vlad thân mến, Mùa Xuân Ả Rập đang đến khu vực gần ông rồi.”

Tại Moscow, ông Boris Gryzlov, chủ tịch Quốc hội Nga, đã phản ứng một cách giận dữ. Ông so sánh vị thượng nghị sĩ Mỹ với nhân vật Mad Hatter trong truyện cổ tích Alice in Wonderland.

Tình trạng bất ổn chính trị ở Nga nay có thể gây thiệt hại kinh tế.

Hôm qua, một viên chức bộ tài chính đã nêu ra ước tính chính thức về lượng đầu tư rút ra khỏi Nga. Ông nói con số này sẽ vượt quá 85 tỷ đôla trong năm nay.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG