Đường dẫn truy cập

Châu Âu bị cáo buộc làm ngơ trước số người tỵ nạn Libya


Những người Nigeria rời Libya vừa về đến làng Dofalis, cách thủ đô Niamey của Niger khoảng 190 km
Những người Nigeria rời Libya vừa về đến làng Dofalis, cách thủ đô Niamey của Niger khoảng 190 km

Các quốc gia châu Âu bị cáo buộc là đáp ứng hoàn toàn không đầy đủ trước khủng hoảng người tỵ nạn ở các đường biên giới của Libya. Hàng trăm ngàn người hầu hết là di dân đến từ vùng dưới sa mạc Sahara đã buộc phải chạy khỏi Libya sau vụ đàn áp các cuộc biểu tình chống chính phủ trước đây trong năm.

Những người tỵ nạn tại trại Shousha ở biên giới Tunisia sát với Libya đang tránh cơn bão cát.

Sự thay đổi chính trị mau chóng ở cả hai quốc gia này đã không giúp ích được mấy để thay đổi cuộc sống của những người bị kẹt trong trại tỵ nạn tiêu điều này.

Tổ chức nhân quyền Ân Xá Quốc Tế nói là họ đang bị thế giới bên ngoài quên lãng.

Ông Charlotte Phillips là nhân vật hoạt động tranh đấu cho người tỵ nạn thuộc Ân Xá Quốc Tế.

Ông nói: ”Nhiều người trong số này đến từ các quốc gia như Somalia, Sudan và Eritrea, những nước mà chúng ta biết hiện đang có chiến tranh và người dân bị ngược đãi. Đây là những người phải bỏ nhà ra đi không chỉ một lần mà đến 2 lần. Họ bị buộc phải chạy khỏi quê hương rồi lại bị buộc phải chạy một lần nữa ra khỏi Libya.”

Dưới thời đại tá Moammar Gadhafi, hàng trăm ngàn công nhân di trú khắp châu Phi và cả ngoài châu Phi nữa đã tìm đến Libya làm việc.

Thế rồi vụ xung đột bắt đầu vào tháng Hai buộc họ phải chạy trốn. Ông Phillips kể tiếp:

“Họ phải chịu những vi phạm nghiêm trọng về quyền làm người cả từ những lực lượng ủng hộ lẫn chống đối ông Gadhafi. Nhiều người châu Phi ở vùng dưới sa mạc Sahara bị tấn công và bị cáo buộc là lính đánh thuê.”

Anh Shishay Tesfay nép sau một lều vải cùng với nhiều đồng bào Eritrea của anh trong trại Shousha. Khi các vụ biểu tình chống chính phủ bắt đầu vào tháng Hai anh đang sống ở thủ đô Tripoli.

Anh nói: ”Chúng tôi gặp khó khăn vì người Libya biểu tình, và chúng tôi lo sợ cho mạng sống của chúng tôi. Chúng tôi đã tìm cách chạy trốn để bảo toàn mạng sống. Quí vị thấy đời sống ở đây thật khó khăn vì khí hậu giống như trong sa mạc. Chúng tôi sống trong lều vải, mà cứ một lều bị cháy thì hầu như tất cả 40 lều khác ở đây sẽ bị thiêu rụi.”

Ân xá quốc tế cho hay chỉ có 8 quốc gia châu Âu đã đề nghị chưa đầy 700 chỗ cho người xin tỵ nạn, và khi mà châu Âu tham gia vào chiến dịch oanh kích Libya của NATO, châu Âu có bổn phận phải hành động.

Ông Phillips nói thêm: ”Các quốc gia châu Âu có thể và phải tái định cư người tỵ nạn. Đây là những người đã được công nhận là người tỵ nạn. Nói một cách tương đối, chúng ta đang đề cập đến một con số khá nhỏ, chừng 5.000 người tỵ nạn, khoảng 3.800 trong trại tỵ nạn Shousha ở Tunisia và chừng 1.000 ở Ai Cập.”

Hàng chục ngàn người tỵ nạn từ Libya đã đến châu Âu bằng cách vượt biển Địa Trung Hải trong những thuyền bè chen chúc, vô cùng nguy hiểm vì quá tải.

Theo ước tính thì chừng 1.500 người đã chết đuối.

Ân Xá Quốc Tế cho hay ngày càng có thêm người tỵ nạn tìm cách trở lại Libya, để tìm cách lên những thuyền bè như thế để thực hiện chuyến hải hành hiểm nghèo băng qua Địa Trung Hải mong tìm đến được vùng đất an toàn hơn.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG