Hôm thứ Ba, các nhà làm luật bảo thủ của Iran nói rằng hai lãnh tụ đối lập Mir Hossein Mousavi và Mehdi Karroubi cần phải bị đem xét xử vì tội xúi giục nổi loạn, một tội danh có thể lãnh án tử hình.
Hôm thứ Ba, đài truyền hình nhà nước Iran chiếu cảnh 50 nhà lập pháp bảo thủ diễn hành qua hành lang chính tại trụ sở quốc hội, miệng hô “xử tử Mousavi, xử tử Karroubi.”
Hai nhân vật chủ trương cải tổ này đã kêu gọi biểu tình tại Teheran và nhiều nơi khác trong nước để bày tỏ tình đoàn kết với những cuộc nổi dậy mới đây trong thế giới Ả Rập chống lại những chính phủ độc tài. Itran đã cảnh cáo các thế lực bên ngoài chớ nên dính líu vào những vụ biểu tình như vậy.
Phát ngôn viên bộ Ngoại giao Iran nói:
“Chúng tôi cho rằng tất cả mọi quốc gia trong vùng đều có chung ước muốn là những quốc gia bị đàn áp chớ nên dính dấp với những thế lực, nhất là khi có những vi phạm của chế độ phục quốc Do Thái, và cắt đứt chuyện lệ thuộc vào nước Mỹ và các chế độ ủng hộ cho chủ nghĩa phục quốc Do Thái.”
Hôm thứ Ba, bà Clinton nói rằng Hoa Kỳ “rõ ràng và thẳng thắn” ủng hộ những người biểu tình.
Cuộc mít tinh tại Teheran diễn ra sau các cuộc biểu tình rầm rộ tại Tunisia và Ai Cập lật đổ những người cầm quyền từ lâu năm tại hai quốc gia này.
Những cuộc biểu tình đông đảo mới nhất xảy ra tại Iran sau cuộc bầu cử tổng thống gây nhiều tranh cãi năm 2009.
Phe đối lập nói rằng đã có đến 80 người bị hạ sát trong vụ đàn áp của lực lượng an ninh Iran xảy ra sau đó, mặc dù con số này vẫn bị chính phủ bác bỏ.
Bà Rosemary Hollis là một chuyên gia về Trung Đông tại Đại Học Thành Phố London, nói là các lực lượng an ninh Iran đã phản ứng mạnh bạo đối với cuộc biểu tình hôm thứ Hai để tránh không cho tái diễn tại Iran những gì đã xảy ra ở các nước khác.
Bà lý giải về phản ứng của chính phủ Iran như sau:
”Phản ứng đặc biệt thô bạo của chính phủ Iran là do họ luận ra từ kinh nghiệm năm ngoái và từ những gì mà họ thấy xảy ra tại Ai Cập và các nơi khác. Điều đó chứng tỏ rằng họ chỉ có một chọn lựa duy nhất là đàn áp. Họ đã thẳng tay đối phó với những thách thức trong nước bằng cách nhanh chóng đàn áp thật mạnh và thật nhanh."
Lực lượng an ninh Iran đã ngăn chặn hai ông Mousavi và Karroubi tham gia các cuộc biểu tình bằng cách vây kín tư gia của họ tại thủ đô. Hai nhân vật này cũng đã lãnh đạo các cuộc biểu tình năm 2009 sau khi thất bại trong một cuộc bầu cử mà họ cho là gian lận. Chính phủ Iran bác bỏ lời cáo buộc đó.
Mặc dù ngoài mặt chế độ Iran ủng hộ các cuộc biểu tình phản đối tại Ai Cập và Tunisia, gọi những cuộc biểu tình này là “sự thức tỉnh của Hồi giáo” do hứng khởi từ khí thế của cuộc Cách Mạng Hồi Giáo Iran năm 1979, chế độ này vẫn nói rằng những cuộc tập hợp biểu tình của phe đối lập tại Iran “là một hành động mang tính chính trị.”
Các nhà làm luật Iran đang đòi hành quyết hai lãnh tụ đối lập đã ủng hộ các cuộc tập hợp biểu tình tại Teheran hôm thứ Hai.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1