Đường dẫn truy cập

Dân Ai Cập đổ lỗi cho quân đội về vụ đổ máu trong trận bóng đá


Bạo động bộc phát trong sân bóng đá ở Port Said, cách thủ đô Cairo 220km hôm 1/2/12
Bạo động bộc phát trong sân bóng đá ở Port Said, cách thủ đô Cairo 220km hôm 1/2/12

Ai Cập bắt đầu 3 ngày tưởng nhớ những nạn nhân của vụ bạo động bóng đá tệ hại nhất trong lịch sử nước này. Có ít nhất 74 người thiệt mạng khi những người hâm mộ gây bạo loạn sau trận đấu tại Port Said và nhiều người đổ lỗi cho chính phủ quân sự đã không giữ được an ninh.

Người dân tại Port Said vẫn còn choáng váng sau cơn bạo động xảy ra tại thị trấn vùng biển này.

Ít người có thể tin rằng những người hâm mộ bóng đá địa phương, thường gây rối như trước đây lại có thể gây ra một vụ chết người như vậy. Nhiều người thấy có một bàn tay nham hiểm đứng sau giật dây vụ bạo loạn.

Ông Ahmad Hosni, một người làm nghề đổi tiền tin là việc này do quân đội và cảnh sát dàn dựng. Đứng bên ngoài những tiệm buôn đóng cửa trên một đường phố hầu hết là thưa vắng, ông nêu câu hỏi “Đã có bao nhiêu trận đấu diễn ra và không có gì giống như vụ vừa rồi đã xảy ra như ở đây. Họ muốn đất nước rối loạn.”

Gần đó, người lái xe Mamdouh Hassan nêu nghi vấn là làm thế nào những người hâm mộ lại có thể mang vũ khí vào sân vận động.

Ông nói không ai bị khám xét, và họ mang gậy, dao vào sân. Ông nói thêm đây phải là cái gì khác.

Những người biểu tình, một số mang theo gậy gộc, tiến đến tòa hành chính trong thị trấn.

Những người này cũng đổ lỗi cho quân đội, cảnh sát và chế độ cũ đã sắp đặt để cho bạo động bùng lên không kiểm soát được.

Video về trận đấu, được hàng triệu người xem trực tuyến và hàng triệu người khác được xem trình chiếu lại, cho thấy cảnh sát đứng yên khi những người hâm mộ tràn ra sân.

Như những đối tác tại Cairo nơi những cuộc biểu tình được thêm sức, người dân tại Port Said cáo giác giới chức cố tình thờ ơ không can thiệp để có cớ cho quân đội tiếp tục cai trị. Họ đòi tỉnh trưởng địa phương từ chức và đã được mãn nguyện.

Quốc hội cùng với các tổ chức nhân quyền yêu cầu mở cuộc điều tra. Chính phủ cũng loan báo ngưng chức những người đứng đầu an ninh và điều tra cảnh sát của Port Said.

Tuy nhiên một số người vẫn còn nghi ngờ hành vi của chính phủ. Luật sư Ahmed, cư ngụ tại Port Said, chỉ cho biết tên và giấu tên họ, nói ông đặc biệt bị kích động vì vụ bạo động xảy ra sau khi hội đồng quân sự nhất quyết giữ nguyên luật khẩn cấp để đối phó với những trường hợp “côn đồ.”

Ông Ahmed nói: “Tại sao vẫn giữ luật khẩn cấp cho trường hợp như thế này mà lại không hành động? Thế thì tại sao vẫn giữ luật này. Tôi không hiểu chuyện gì xảy ra giữa Bộ Nội vụ và Bộ Quân lực.”

Một số người cũng thấy những người hâm mộ cuồng tín đã bị sử dụng như là những con chốt. Những phần tử cực đoan này, từ lâu vẫn gây lộn xộn với cảnh sát và trong suốt cuộc cách mạng cách đây một năm đã đứng về phía những người biểu tình.

Những sự kiện xảy ra trong năm, cộng thêm vụ bạo loạn bóng đá đã làm nhiều người thất vọng.

Ông Salah el Banna là một trong những bác sĩ tại bệnh viện Toàn khoa Port Said chữa trị cho những người bị thương nói là trước cuộc cách mạng, cảnh sát thường can thiệp, thiết lập hàng rào và an ninh chặt chẽ tại những lối vào. Ông cho rằng những tiêu chuẩn như thế vẫn cần phải được áp dụng.

Tuy nhiên nhiều người quan sát vụ bạo loạn không phải không nhận ra điều trớ trêu là trong vài tháng qua cảnh sát đã không do dự trong việc can thiệp vào những cuộc tụ tập chống chính phủ.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG