Hôm nay, đảng đối lập tại Miến Điện dưới sự lãnh đạo của thần tượng đấu tranh cho dân chủ – bà Aung San Suu Kyi - kêu gọi mở các cuộc thảo luận với Hoa Kỳ, Liên hiệp châu Âu và các chính phủ khác để quyết định "khi nào, như thế nào và trong nhưng những tình huống nào, thì các biện pháp trừng phạt có thể được sửa đổi."
Hiệp Hội Các Quốc Gia Đông Nam Á, tức ASEAN, ủng hộ việc bãi bỏ các biện pháp trừng phạt đối với Miến Điện, bao gồm các lãnh vực từ cấm vận vũ khí cho đến cấm vận thương mại. Miến Điện là một thành viên của ASEAN.
Một số nhà phân tích tình hình khu vực nói rằng các biện pháp chế tài đã bóp nghẹt sự tăng trưởng kinh tế và khiến quân đội Miến Điện kết thân với Trung Quốc hơn. Bắc Kinh làm ngơ đối với các biện pháp trừng phạt nhằm tranh thủ các thương vụ làm ăn với quốc gia giàu tài nguyên nhưng đang nghèo đói này.
Tuy nhiên theo ông Maung Zarni, một nhà nghiên cứu tại Trường Kinh tế London, nói rằng các biện pháp trừng phạt này không phải là nguyên nhân gây ra nghèo đói ở Miến Điện.
Ông Maung nói: “Các biện pháp trừng phạt kinh tế không gây thiệt hại cho nhân dân Miến Điện về mặt đời sống. Mà nguyên nhân chính là nhà cầm quyền quân nhân Miến Điện không chấp nhận rằng cải cách kinh tế và các các biện pháp cải cách khác là hết sức cần thiết để đưa đất nước tiến lên.”
Các biện pháp trừng phạt khác nhau đã được áp dụng đối với Miến Điện nhiều năm qua như là một cách tăng sức ép đòi nhà cầm quyền quân nhân phải cải thiện tình hình nhân quyền và chính trị. Lệnh cấm vận vũ khí của Hoa Kỳ đối với Miến Điện bắt đầu vào năm 1993, còn lệnh cấm vận của Liên hiệp châu Âu bắt đầu vào năm 1996. Vào năm 2003, Hoa Kỳ cấm nhập khẩu trực tiếp từ Miến Điện các mặt hàng như gỗ và đá quý, và hạn chế các giao dịch tài chánh với quốc gia này.
Tuy nhiên, Miến Điện tiếp tục giao thương và thu hút đầu tư từ Trung Quốc, Ấn Độ và các nước láng giềng Đông Nam Á.
Bà Aung San Suu Kyi và Liên minh Toàn quốc Đấu tranh cho Dân chủ trước đây đã từng ủng hộ các biện pháp trừng phạt, nhưng mới đây đã tỏ ý cho thấy họ có thể sẽ xét lại quan điểm. Tuy nhiên, tuyên bố của đảng này hôm nay nói rằng các biện pháp trừng phạt chỉ nên được dỡ bỏ khi nào chính quyền Miến Điện trả tự do cho hơn 2.000 tù nhân chính trị.
Ông Kurt Cambell, Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ đặc trách Đông Á, tuần trước nói rằng thời điểm hiện nay còn quá sớm để Hoa Kỳ dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt. Ông nói Hoa Kỳ muốn thấy những biện phạp cải cách rõ ràng hơn được chính phủ Miến Điện thực hiện.
Ông Maung Zarni nói rằng các biện pháp trừng phạt đề ra "trở ngại cuối cùng" cho nỗ lực đạt sự công nhận quốc tế của chính quyền quân nhân Miến Điện. Nhưng ông nói rằng có phần chắc là quân đội sẽ không thực hiện các biện pháp cải cách để loại trừ chính họ.
Ông Maung nói tiếp: “Cho dù họ có được công chúng trong nước chấp nhận hay không, họ không cần quan tâm nữa, và họ chỉ muốn được cộng đồng quốc tế công nhận mà không cần phải cải thiện bất cứ điều gì trong cả kinh tế lẫn nhân quyền.”
Liên minh Dân chủ Toàn quốc đã thắng trong cuộc bầu cử năm 1990 nhưng không được phép nắm chính quyền. Chính đảng này và bà Aung San Suu Kyi hiện nay không có vai trò chính trị chính thức tại Miến Điện sau khi đảng này tẩy chay cuộc bầu cử quốc hội tháng 11 năm ngoái vì họ cho là luật bầu cử không công bằng. Liên minh Dân chủ Toàn quốc đã bị chính thức giải thể trong tư cách một chính đảng.
Quân đội và các đồng minh của họ nắm quyền kiểm soát tân quốc hội.
Liên minh Toàn quốc Đấu tranh cho Dân chủ đối lập của Miến Điện đề nghị mở các cuộc đàm phán với các nước phương Tây về những thay đổi có thể có thể có đối với các biện pháp trừng phạt Miến Điện. Như bài tường thuật từ Bangkok của thông tín viên VOA Heda Bayron, các biện pháp chế tài đã được áp dụng từ thập niên 1990 để trừng phạt chính quyền quân nhân Miến Điện về những hành động vi phạm nhân quyền.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1