Đường dẫn truy cập

Đằng sau vụ chủ báo Australia bị bắt tại Miến Điện


Ông Ross Dunkley, nhà xuất bản báo Myanmar Time, chụp ảnh trong buổi lễ tiêu hủy ma túy tịch thu được ở Miến Ðiện
Ông Ross Dunkley, nhà xuất bản báo Myanmar Time, chụp ảnh trong buổi lễ tiêu hủy ma túy tịch thu được ở Miến Ðiện

Miến Điện đã bắt giam một công dân Australia đã từng xuất bản báo chí tại Miến Điện, Kampuchea và Việt Nam. Vụ này làm nhiều người lo ngại rồi đây chính phủ quân sự Miến Điện sẽ kiểm soát báo chí chặt hơn.

Ông Ross Dunkley, quốc tịch Australia, là người phát hành báo Myanmar Times vào năm 2000. Ông đã bị bắt tuần trước tại Rangoon sau khi vừa đi nước ngoài về.

Hiện thời vẫn chưa rõ ai sẽ tiếp tục phát hành tờ báo này. Ông Dunkley có 49% phần hùn trong Myanmar Consolidated, công ty chủ quản của tờ báo; phần còn lại thuộc về Tiến sĩ Tin Htun Oo.

Hôm thứ Hai, công ty Post Media bên Thái Lan, một công ty anh em với Myanmar Consolidated, yêu cầu nhà chức trách tra tự do ngay cho ông Dunkley sau khi không thấy ông bị khởi tố về tội gì.

Nghe nói chính quyền bắt ông về tội visa không hợp lệ và có ma túy trong người.

Nhưng theo lời ông Aung Zaw, tổng biên tập của tờ The Irrawaddy, một tờ báo Miến Điện xuất bản ở Thái Lan, vụ này nặng tính cách muốn kiểm soát tờ báo hơn là một tội thông thường. Ông nói:

“Rõ ràng là có mâu thuẫn giữa Tiến sĩ Tin Htun Oo và ông Ross Dunkley; và bây giờ dường như một bên muốn làm chủ tờ Myanmar Times một mình. Do đó tôi nghĩ rằng họ đã dàn dựng những tội dành cho ông Dunkley, điều này không làm ai ngạc nhiên.”

Lúc ban đầu, đối tác của ông Dunkley là Sonny Swe, con trai của cựu Thiếu tướng Thein Swe. Nhưng viên tướng này bị thất sủng, con trai ông dính vào một vụ tham nhũng và phải ngồi tù vào năm 2005. Phần hùn trong tờ báo được chuyển sang Tiến sĩ Tin Htun Oo.

Ông Aung Zaw còn nói ông Dunkley lúc ban đầu cũng hy vọng rồi đây chính quyền quân sự sẽ nới lỏng kiểm soát báo chí, nhưng dù thế nào đi nữa, đầu tư vào báo chí tại Miến Điện là một cuộc làm ăn đầy rủi ro. Ông nhận định:

“Ông Dunkley cần ý thức rằng Miến Điện là vùng đất chết của các chính trị gia. Ông phải hiểu rằng đã có rất nhiều nhà báo bị bắt hoặc ngồi tù.”

Một tổ chức nhân quyền nói rằng Miến Điện đang giam hơn 2.000 tù chính trị, trong đó có độ 30 nhà báo.

Hội Ký Giả Không Biên Giới xếp Miến Điện hạng thứ 174 trong số 178 nước được đánh giá về tự do báo chí.

Tờ Phnom Penh Post bên Kampuchea cũng do ông Dunkley phát hành. Nhiều người e ngại tờ báo của ông bên Miến Điện bị thua lỗ có thể ảnh hưởng đến tình hình tài chính của tờ Phnom Penh Post, nhưng hôm thứ Hai, tờ này nói họ vẫn xuất bản bình thường.

Ông Dunkley được nhiều người xem là một tên tuổi lớn trong làng báo chí và là người sẵn sàng chấp nhận rủi ro, sau khi ông đầu tư vào nghề báo vẫn còn non trẻ tại Việt Nam vào những năm đầu 1990.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG