Đường dẫn truy cập

Lo ngại vũ khí lan tràn thời hậu Gadhafi


Ðạn súng côi, và các chiếc hộp trước đây được dùng chứa phi đạn phòng không, cùng các loại các võ khí khác nằm vương vãi trong những kho võ khí quanh thủ đô Tripoli của Libya
Ðạn súng côi, và các chiếc hộp trước đây được dùng chứa phi đạn phòng không, cùng các loại các võ khí khác nằm vương vãi trong những kho võ khí quanh thủ đô Tripoli của Libya

Chế độ của ông Gadahfi sụp đổ gây lo ngại về sự lan tràn của vũ khí từ Libya sang những nơi khác và hệ quả của nó đối với an ninh trong khu vực Sahel nơi quân khủng bố có liên hệ với al-Qaida vẫn hoạt động mạnh.

Tổ chức theo dõi nhân quyền Human Rights Watch cho hay hàng ngàn quả mìn, đan súng cối và tên lửa địa đối không có thể phóng đi từ những ống phóng vác vai đã biến mất khỏi kho vũ khí của ông Gadhafi.

Một số những vũ khí này đang được sử dụng tại Libya khi mà cuộc chiến còn tiếp diễn ở đó. Nhưng những vũ khí khác đang được chuyển tới miền nam vào Sahel, một số được binh lính của nhà cựu lãnh đạo Gadhafi mang theo trong lúc họ băng qua biên giới vào Mali và Niger, một số vũ khí này được đem bán.

Tổng thống Mauritania Mohamed Ould Abdel Aziz nói vũ khí của Libya đã lọt vào tay các thành viên của nhóm khủng bố al-Qaida Hồi giáo Maghreb gọi tắt là AQIM. Ông nói với đài truyền hình Pháp là một vụ tấn công vào một đồn binh của Mauritania hồi tháng Bảy có cả tên lửa địa đối không mà theo ông nó chỉ có thể phát xuất từ Libya.

Algeria và Chad cùng bày tỏ lo ngại về việc AQIM được lợi nhờ vũ khí của Libya được tự do chuyển ra nước ngoài.

Niger cho biết đã phá vỡ một trại huấn luyện của AQIM đặt tại vùng núi Air Mountains ở miền bắc nước này, và rằng vụ đột kích của họ vào trại huấn luyện đã giải phóng cho 59 người bị kết nạp.

Bộ Quốc phòng Niger đang kêu gọi quốc tế trợ giúp để thu thập tin tình báo về các nhóm khủng bố và thực hiện những vụ trinh sát từ trên không.

Bộ trưởng Tư pháp Niger, ông Marou Amadou, nói sự sụp đổ của chế độ Gadhafi lại giúp cho quân khủng bố.

Ông Amadou nói AQIM còn được tiếp tế tại Libya và như vậy là một mối nguy cho mọi người. Ông cho đây là một tình hình nghiêm trọng, và rằng mọi người cần phải bắt đầu chú trọng thêm.

Vùng Sahel rộng 6 triệu kilomét vuông, chạy dọc theo rìa phía nam của sa mạc Sahara từ Mauritania và Senegal đến Chad. Và cũng chính tại vùng Sahel này là nơi mà ông Amadou nói là những lực lượng này đang tổ chức. Ông Amadou nói quân khủng bố làm bất cứ điều gì mà họ muốn ở đấy.

Bộ trưởng tư pháp Amadou cho biết quân khủng bố là một đe dọa cho các chính phủ vùng Sahel, nhưng trên hết, họ chính là mối đe dọa cho châu Âu.

Ông Husaini Monguno là một nhà phân tích quốc phòng và chống khủng bố của Nigeria. Ông cho biết càng có thêm vũ khí tinh vi cho al-Qaida trong tổ chức Hồi giáo Maghreb lại có phần chắc giúp đẩy nhanh chiến dịch mà nhóm này chống các chính phủ ở Sahel và các nhân viên cứu trợ nước ngoài.

Ông nói: "Họ rất dễ thủ đắc được tên lửa địa đối không vì họ có một số người bảo trợ. Họ sẽ lật đổ chính phủ. Quí vị thấy đấy, họ vẫn thường hay tấn công vào một số người. Và nếu như loại người mà họ tấn công lại hiện diện trong khu vực họ hoạt động thì hiển nhiên họ trở thành một vấn đề cho những người đó."

Phân tích gia Monguno cho hay những phần tử trung thành với Gadhafi bị buộc phải ra khỏi nước cuối cùng có thể sử dụng các chiến binh của AQIM để chống lại giới lãnh đạo mới tại Tripoli.

Ông cho biết tiếp: "Đương nhiên khi thua họ đâu có muốn để cho phe khác giúp bình định quốc gia. Họ đã nắm quyền ở nước này 43 năm, nên lẽ tự nhiên là họ muốn gây bất ổn trên toàn quốc. Những người này có chung một lề thói, một giọng điệu từ lâu đời rồi. Chẳng ai lạ gì Al-Qaida trong tổ chức Hồi giáo Mahghreb.”

Ông Monguno cho biết không phải chỉ có tên lửa của Libya mới có thể gây bất ổn cho khu vực. Mìn cũng có thể được sử dụng để chế bom gài trong xe hơi, và vũ khí nhỏ có thể được sử dụng để tấn công các đồn binh. Cả hai cùng là những phương pháp tấn công mà nhóm khủng bố Boko Haram ở Nigeria sử dụng.

Ông nói: ”Nếu nói về vũ khí nhẹ thì nó lan tràn khắp nơi trong vùng châu Phi tiếp sa mạc Sahara vì biên giới chúng tôi có nhiều kẽ hở. Chúng tôi không kiểm soát được những gì ra vào nước chúng tôi. Vì vậy chúng tôi rất lo ngại, nhất là tại Nigeria, nơi chúng tôi có một nhóm mới kéo đến với những hoạt động khủng bố của họ.”

Hội Đồng Chuyển Tiếp Quốc Gia của Libya đang cố gắng thu thập những vũ khí lấy từ các kho của Gadahfi. Nhưng không thể kiểm kê được những vũ khí do chính phủ trước đã mua, người ta không cách gì biết chắc được có bao nhiêu vũ khí đã bị thất thoát.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG