Đường dẫn truy cập

P/V ông Nguyễn Sĩ Bình về vụ xử 4 nhà bất đồng chính kiến


P/V ông Nguyễn Sĩ Bình về vụ xử 4 nhà bất đồng chính kiến
P/V ông Nguyễn Sĩ Bình về vụ xử 4 nhà bất đồng chính kiến

<!-- IMAGE -->

Bốn nhân vật bất đồng chính kiến dính líu đến vụ án chính trị được nhiều người xem là vụ án lớn nhất ở Việt Nam trong năm 2009 sẽ ra tòa vào ngày 20 và 21 tháng này. Các ông Lê Công Ðịnh, Trần Huỳnh Duy Thức, Nguyễn Tiến Trung và Lê Thăng Long – thành viên của Ðảng Dân Chủ Việt Nam, đã bị bắt hồi tháng 6 năm ngoái và bị truy tố về tội gọi là “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”. Ban Việt Ngữ Ðài VOA đã tiếp xúc với ông Nguyễn Sĩ Bình, nhân vật lãnh đạo đảng Dân Chủ đang cư ngụ ở Mỹ, và đuợc ông cho biết một số ý kiến như sau về vụ xét xử này.

VOA: Xin chào ông Nguyễn Sĩ Bình và cám ơn ông đã có nhã ý dành cho chúng tôi cuộc phỏng vấn này. Trước hết xin ông vui lòng cho biết những tin tức mới nhất mà ông có được về phiên tòa này, như ngày xử, nơi xử, và vấn đề luật sư như thế nào?

Nguyễn Sĩ Bình: Có lẽ phiên tòa sẽ diễn ra như họ đã dự định trong hai ngày 20, 21 tháng 1 này tại phường Bến Nghé, Quận 1, SG, vì chúng tôi biết có gia đình đã nhận được thẻ tham dự phiên tòa. Thẩm phán Nguyễn Đức Sáu, chánh tòa hình sự làm chủ tọa. Ông Đỗ Ngọc Oánh làm công tố viên. Người bào chữa cho Trần Huỳnh Duy Thức là luật sư Triệu Quốc Mạnh, Nguyễn Tiến Trung có luật sư Đoàn Thái Nguyên Hải, Lê Thăng Long có luật sư Nguyễn Minh Tâm. Riêng Lê Công Định không nhờ luật sư, tự bào chữa.

Như chúng ta đã biết, trong những phiên tòa như thế này ở Việt Nam, từ lâu nay, vai trò của luật sư có tính cách hình thức hơn là thực chất. Hội đồng xét xử có khi họ cũng lắng nghe các luật sư biện hộ, nhưng sẽ không có ảnh hưởng gì đến việc kết án, vì bản án đã định sẵn trước khi mở phiên tòa.

Vấn đề này không lạ đối với luật sư Lê Công Định, cho nên cũng không khó hiểu tại sao Lê Công Định muốn tự bào chữa.

VOA: Ðối với vụ án chính trị này Ðảng dân Chủ có ý kiến gì?

Tưởng cũng nên nhắc lại, Đảng Dân Chủ Việt Nam không phải là đảng chính trị “lưu vong” hay “mới thành lập” như Hà Nội đang tuyên truyền. Đảng Dân Chủ thành lập từ năm 1944 tại VN và sát cánh với Đảng CSVN mãi đến năm 1988. Ngày 1 tháng 6 năm 2006, cố Tổng thư ký Hoàng Minh Chính phục hoạt Đảng Dân Chủ tại Hà Nội. Từ đó đến nay, Đảng Dân Chủ không ngừng phát triển đảng viên trong cũng như ngoài nước.

Trước sự phát triển của Đảng Dân Chủ, Đảng Cộng Sản đã tưởng tượng ra tội phạm để có cớ bắt giam và xét xử đảng viên Đảng Dân Chủ. Chính vì nhằm ngăn chặn sự phát triển đó mà nhà nước VN đã bất chấp cả lẽ phải, pháp luật quốc gia và quốc tế.

Đối chiếu với Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền thì việc bắt giam và xét xử rõ rang là vi phạm. Những quyền chính trị của công dân quy định trong hiến pháp và pháp luật Việt Nam cũng bị vi phạm. Đây là vụ hình sự hóa các hoạt động chính trị ôn hòa đối với đảng viên Đảng Dân Chủ, điều mà nhà nước Việt Nam chưa nhìn nhận trước công luận trong cũng như ngoài nước.

Trong thời gian qua, nhiều tổ chức quốc tế, cá nhân, trong và ngoài nước, đã lên tiếng phê phán chính quyền Việt Nam về vụ đàn áp này. Cuộc Hội thảo về Nhân quyền VN tại Đại học George Washington hôm 14 tháng 1 mới đây, diễn giả giáo sư Shawn McHale cho rằng toàn bộ các bị can là người VN yêu nước...Họ là những trí thức trẻ cổ võ một cách ôn hòa cho những giá trị được tôn trọng trên toàn cầu…

VOA: Có người cho rằng CSVN, cũng như CSTQ, hồi gần đây dường như đàn áp đối lập thẳng tay hơn, không còn e dè như trước, vì chính quyền Obama có lập trường nhu nhược hơn chính quyền Bush về các vấn đề dân chủ, nhân quyền. Anh nghĩ sao về nhận xét này?

Nguyễn Sĩ Bình: Chúng tôi không nghĩ nguyên nhân như thế. Chính phủ Hoa Kỳ từng thời kỳ có chính sách ngoại giao riêng, cứng rắn hay mềm mỏng không phải là mạnh yếu mà do yêu cầu thực tế đặt ra. Hơn nữa, cũng có thể đó là phong cách lãnh đạo của từng vị tổng thống. Chúng tôi cũng không nghĩ chính quyền cộng sản Trung Quốc hay Việt Nam lợi dụng thời cơ, xem đây là lúc chùng để tranh thủ kéo căng phần chủ động về phía mình, đàn áp thẳng tay với các nhà đấu tranh dân chủ.

Vấn đề là phe bảo thủ tại VN đang thắng thế, VN đã vào WTO. Hơn nữa, đại hội Đảng các cấp ở Việt Nam đến gần, nên họ phải củng cố lại quyết tâm đường lối và hành động. Sự đồng nhất và song trùng hành động giữa hai Đảng cộng sản ở Việt Nam và Trung Quốc là đương nhiên, vì hai Đảng này không còn tìm thấy một một liên kết nào khác tương đồng về quyền lợi, vị trí địa lý…trong hoàn cảnh hiện nay.

<!-- IMAGE -->

VOA: Nhân lúc phiên tòa sắp diễn ra, Đảng Dân Chủ có muốn nhắn gửi gì đến nhà nước Việt Nam hay không?

Nguyễn Sĩ Bình: Cách đây vài năm, một buổi lễ tôn vinh hàng vạn nạn nhân là các nghệ sĩ, tu sĩ và "những kẻ thù, phản động" của chế độ Stalin bị công an cộng sản Liên Xô sát hại đã được tổ chức long trọng. Trong bài phát biểu của Tổng thống Nga Putin tại buổi lễ đã nhận định những người bị thảm sát, khủng bố nằm trong số những con người ưu tú và can đảm nhất của nước Nga và Liên Xô thời đó.

Các anh chị em dân chủ như Lê Thị Công Nhân, Phạm Thanh Nghiên, Nguyễn Xuân Nghĩa, Lê Công Định, Trần Anh Kim, Nguyễn Tiến Trung, Trần Huỳnh Duy Thức, Lê Thăng Long…và biết bao người Việt Nam yêu nước bị bức hại chính là những con người ưu tú và can đảm của nước Việt Nam ngày nay.

Đây không phải là vụ án hình sự hay vụ án đơn lẽ của những cá nhân, mà đây là vụ đàn áp chính trị của nhà cầm quyền Việt Nam đối với Đảng Dân Chủ. Cá nhân Trần Anh Kim, Lê Công định, Nguyễn Tiến Trung, Trần Huỳnh Duy Thức, Lê Thăng Long vô tội, tất cả anh em đều là những người yêu nước, ôn hòa. Còn Đảng Dân Chủ là một chính đảng đã từng sát cánh với Đảng Cộng Sản trong nhiều thập niên từ hơn nửa thế kỷ trước. Do đó, Nhà nước cần điều chỉnh cách hành sử cho công bằng giữa các chính đảng. Tòa án không phải nơi phù hợp để giải quyết sự bất đồng chính kiến giữa đảng viên các chính đảng mà nghị trường mới là nơi phù hợp.

Như đã nhiều lần khẳng định, Đảng Dân Chủ không phải là thế lực thù địch của bất cứ ai. Mục tiêu của Đảng Dân Chủ không lật đổ chính quyền nào nào, mà là hoạt động ôn hòa nhằm thúc đẩy xây dựng cho Việt Nam một nhà nước pháp trị mẫu mực, hội nhập và nhân bản trong một nền kinh tế sinh động. Chúng tôi đề nghị nhà nước Việt Nam sớm thực sự tiến tới đoàn kết dân tộc, xóa bỏ những định kiến, rào cản, tạo cơ hội cho người Việt Nam cả trong và ngoài nước được góp phần xây dựng và bảo vệ đất nước.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG