Đường dẫn truy cập

Gia đình Nguyễn Tiến Trung lên tiếng


Gia đình Nguyễn Tiến Trung lên tiếng
Gia đình Nguyễn Tiến Trung lên tiếng

<!-- IMAGE -->

Bảy năm tù dành cho thạc sĩ công nghệ thông tin Nguyễn Tiến Trung, 5 năm tù đối với luật sư nhân quyền Lê Công Định và ông Lê Thăng Long, và 16 năm tù cho doanh nhân Trần Huỳnh Duy Thức về tội “hoạt động lật đổ chính quyền”, nâng lên từ tội danh nhẹ hơn lúc bị bắt là “tuyên truyền chống nhà nước”, sau khi những người này có các hoạt động và bài viết kêu gọi dân chủ-đa đảng tại Việt Nam. Đó là các bản án do Toà án Nhân dân TP.HCM phán quyết hôm 20/1/2010 sau phiên xử kéo dài từ sáng sớm đến gần 7 giờ tối.

Nguyễn Tiến Trung sinh năm 1983 được nhiều người biết đến qua lá thư ngỏ gửi Bộ trưởng Giáo dục Đào tạo, các hoạt động của Tập hợp Thanh niên Dân chủ do anh khởi xướng trong thời gian du học tại Pháp, và các cuộc vận động chính giới quốc tế kêu gọi dân chủ cho Việt Nam trong đó có cuộc gặp với cựu Tổng thống Mỹ George W.Bush và Thủ tướng Canada Stephen Harper.

Thân nhân của nhà dân chủ trẻ Tiến Trung nói gì về bản án vừa tuyên? Trong cuộc trao đổi với Trà Mi ngay sau phiên xử, ông Nguyễn Tự Tu, thân phụ của anh Trung trực tiếp quan sát phiên toà, cho biết:

“Chúng tôi phải ngồi bên ngoài giống như các phóng viên khác, nhưng các phóng viên nước ngoài thì ngồi phòng khác, còn chúng tôi phải ngồi phòng khác. Còn trong phòng xử án thì họ lại đưa những người trong Chi bộ Đảng vào, có 6 người trong xóm tôi có mặt. Họ cho xe đến để chở đi, đưa về, nghe nói mỗi người được trả 50 ngàn. Còn gia đình thì lại không cho vào. Tôi với Ngọc Khánh, vợ của luật sư Định, phản đối nhưng họ bảo họ là cấp dưới chỉ chấp hành lệnh của cấp trên thôi.”

Trà Mi: Ngay trong phòng xử, lượng ngừơi tham gia có đông không thưa ông?

Ông Nguyễn Tự Tu: Cũng vài chục người, ngay trong xóm tôi có 6 người.

Trà Mi: Theo dõi bên phòng kế bên qua màn hình, ông có đựơc nghe rõ, thấy rõ những diễn tiến xảy ra bên trong phiên toà không?

Ông Nguyễn Tự Tu: Nhìn chung là khi người nào phản ứng cái gì thì họ đều làm cho băng rè đi, bên ngoài không nghe được gì cả. Chủ yếu là hai anh Trần Huỳnh Duy Thức và Lê Thăng Long phản đối. Anh Thức bác bỏ hoàn toàn Hội đồng xét xử kiểu này vì nó không công bằng. Anh ấy nói là anh bị truy bức, bị nhục hình. Anh Thăng Long thì bảo là các cáo buộc trong cáo trạng là không có cơ sở. Tất cả những lời nói của các anh thì đều bị họ phá cho rè, bên ngoài không nghe đựơc, chỉ loáng thoáng thôi.

Trà Mi: Còn phần tranh luận của luật sư tại toà thì như thế nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Tự Tu: Trừ luật sư tranh luận cho Trần Huỳnh Duy Thức thì họ phá sóng, họ làm rè rè, không nghe được. Cái micro của anh chết luôn, không phát thanh ra được.

Trà Mi: Báo chí Việt Nam loan tin Nguyễn Tiến Trung và Lê Công Định có nhận tội rằng vi phạm pháp luật Việt Nam?

Ông Nguyễn Tự Tu: Cái đó đúng. Chỉ có Lê Công Định và Nguyễn Tiến Trung là công nhận. Trước đó lúc gia đình gặp thì Trung có nói rằng việc đó là có nguyên do của nó.

Trà Mi: Trước đó gia đình đựơc gặp Tiến Trung vào lúc nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Tự Tu: Được gặp trong trại giam hôm 8/1. Trung nói rằng Trung làm gì cũng có nguyên nhân cả. Thật ra Nguyễn Tiến Trung nhận là vi phạm pháp luật của nước cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam chứ không phải nhận tội. Thật ra không phải nhận tội mà cái pháp luật nó như vậy thì có vi phạm. Như anh Lê Công Định nói rằng pháp luật như vậy thì bất cứ ai mà đồng ý với đa nguyên đa đảng thì đều bị phải tội cả. Anh công nhận như vậy.

Trà Mi: Tại phiên xử, báo chí Việt Nam nói rằng Tiến Trung có thừa nhận là do “nóng vội nên dẫn đến sai lầm”?

Ông Nguyễn Tự Tu: Có, có đấy. Tôi nghĩ sau chuyện này có cái gì khác nữa thì mình không biết được.

Trà Mi: Biện luận do luật sư của Tiến Trung đưa ra được toà tiếp nhận như thế nào?

Ông Nguyễn Tự Tu: Toà cũng tiếp nhận một cách hình thức thế thôi, chứ tôi thấy không có thay đổi gì. Ví dụ như Viện kiểm sát đề xuất mức án 7-8 năm tù, thì cuối cùng cũng 7 năm tù, coi như không giảm đựơc cái gì.

Trà Mi: Quan sát diễn tiến phiên xử hôm nay, theo ông, có gì đáng chú ý?

<!-- IMAGE -->

Ông Nguyễn Tự Tu: Đáng chú ý là tôi thấy cứ mỗi lần người nào nói gì không vừa ý thì đều bị làm rè, không nghe được. Chủ toạ cứ ngắt lời. Hai bị cáo Thức và Long, họ không cho nói, nhiều khi họ không cho nói, kể cả luật sư của bị cáo Thức. Họ cắt, yêu cầu không được nói nữa. Thậm chí cuối cùng chủ toạ yêu cầu không được nói nữa, phải quay vào. Điều đó rất rõ ràng. Trường hợp của Lê Thăng Long, tôi thấy họ không tìm đựơc điều nào để khép vào tội cả. Trần Huỳnh Duy Thức cũng thế. Duy Thức bị Viện kiểm sát đề nghị mức án 12-13 năm tù, nhưng do Thức bác bỏ những cáo trạng, những lời buộc tội, cho nên họ nghị án là 16 năm tù, một mức án vô cùng nặng nề.

Trà Mi: Riêng trường hợp của Tiến Trung, các tổ chức bảo vệ nhân quyền quốc tế cho rằng những hành vi của Trung là không có tội, trong khi chính bản thân Trung lại thừa nhận việc mình làm là sai trái. Là thân phụ của Trung, quan điểm của ông thế nào?

Ông Nguyễn Tự Tu: Con tôi vô tội, nếu căn cứ vào Hiến pháp, con tôi vô tội. Nhưng họ cố tình cho là nếu có thành lập tổ chức, tức là vi phạm vào quyền lãnh đạo tuyệt đối của đảng cộng sản Việt Nam thì là có tội. Tất nhiên chúng tôi rất xót xa vì con tôi là một người yêu nước thương dân, rất khát khao sự phát triển của đất nước mới đứng ra để đấu tranh, mà hợp tác với Đảng Cộng sản chứ không có lật đổ. Tuyệt đối không có chuyện lật đổ. Lật đổ hay không là nhân dân lật đổ chứ mấy ông này không thể nói cái miệng mà lật đổ được chế độ. Trung đấu tranh ôn hoà bất bạo động, rất khiêm nhường, thế nhưng họ khép vào tội đó thì rất là xót xa.

Trà Mi: Gia đình có dự tính như thế nào trong thời gian sắp tới thưa ông?

Ông Nguyễn Tự Tu: Gia đình rất tôn trọng Trung, không biết Trung có kháng án hay không. Thật sự bản tính của Trung là người rất thương dân và rất trong sáng. Còn tại sao Trung lại nhận tội thì ta nhìn vào cái toà án, ta thấy rồi. Như anh Trần Huỳnh Duy Thức đấy, anh ấy phản đối thì hậu quả ngay lập tức. Viện kiểm sát đề xuất 12-13 năm mà giờ thành 16 năm, rất kinh khủng. Người ta cố ghép cho tội thành lập tổ chức. Nhưng anh ấy chẳng có tổ chức nào, chỉ là nhóm nghiên cứu Chấn thôi, chả có tổ chức, tôn chỉ, mục đích, hay cương lĩnh hành động, điều lệ nào cả mà lại bị nặng nề như vậy. Thế nên tôi thấy Trung và Định ứng xử thế là đúng thôi. Trong thể chế như vậy, mình không thể khác đựơc, không thể cựa quậy được.

Trà Mi: Xin chân thành cảm ơn thời gian ông Tu đã dành cho cuộc trao đổi này.

Ông Nguyễn Tự Tu: Vâng, chào cô.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG